Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

ĐI THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC LÀM MÔN ĐỆ (Lc 14, 25-33)
Linh mục Gia-cô-bê Tạ Chúc
Môn đệ có nghĩa là người học trò, hay là người chịu ơn. Làm môn đệ của Chúa Giê-su, tức là làm học trò của Ngài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc: môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không trọng hơn chủ. Người môn đệ của Chúa, được mời gọi dứt khoát trong chọn lựa, từ bỏ trong cương quyết, và sẵn sàng hy sinh ngay cả những tình cảmthiêng liêng, máu mủ ruột rà, và cả mạng sống mình để chấp nhận theo Chúa đến cùng.
Trên con đường mà Chúa Giê-su đã tiên báo: con người sẽ bị trao nộp vào tay người đời, và sẽ bị giết chết. Hay con chim có tổ, chồn cáo có hang, con người không nơi gối đầu. Lời mời gọi này không phải là một câu khẩu hiệu để chém gió, mà là một lời đề nghị nghiêm túc, xuất phát từ tình yêu thương. Nó không phải là một bản hợp đồng ngắn hạn, dài hạn mà là vĩnh cửu. Một cam kết liên quan đến định mệnh của cả cuộc đời. Như ông Vua trong Tin mừng hôm nay, cần tính toán chi ly: quân số, phương cách, xây hào đào lũy, phòng ngự, tấn công… xem mình có thể chiến thắng được đối phương, bằng không hãy chọn lựa một giải pháp thích hợp: “ Dĩ hòa vi quý”.
Đi theo Đức Giê-su không phải để được an lạc, hay chỉ như người cưỡi ngựa xem hoa. Mà trái lại, đây là một chọn lựa quyết liệt, dứt khoát và không nuối tiếc. Lớn lao vô cùng cho những ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su, khi sứ mạng là một trọng trách phải chu toàn: “ Nếu ai muốn đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”(Lc 14, 25).  Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai đành mất mạng sống mình vì Tin mừng, thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Môn đệ của Đức Giê-su là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Từ cách sống, suy nghĩ và hành động, luôn mô phỏng và rập theo khuôn mẫu của Đức Giê-su Ki-tô. Đi theo Thầy là chấp nhận thương đau, khổ đau và đớn đau. Mất hết tất cả, mà chỉ còn lại những dấu ấn hằn sâu vết đinh in màu máu của Thầy chí thánh.
Lạy Chúa Giê-su, vị Tôn sư tối cao, xin cho chúng con có đủ can đảm, có đủ nghị lực để từ bỏ, chọn lựa và hy sinh theo Chúa, trên hành trình dương thế này. Amen.



Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

GIÁO XỨ GIA AN: CÁC BMCG MỪNG LỄ THÁNH MÔ-NI-CA ( 27/08)

Hằng năm, cứ đến ngày lễ Thánh nữ Mô-ni-ca bổn mạng của giới Hiền mẫu. Như thường lệ, các bà mẹ Giáo xứ Gia-an đã tổ chức một ngày họp mặt, và thánh lễ mừng kính Thánh Mô-ni-ca.

Đọc lại gương thánh nhân, để thấy tình thương của Thiên Chúa và sự mỏng giòn của con người. Gia đình Mô-ni-ca dù đối diện với những thực tế hết sức đau buồn, chồng con là một trách nhiệm, hơn thế nữa là một gánh nặng, cho Mô-ni-ca. Lạ lùng thay, nếu đặt trước những hoàn cảnh tương tự, thì chắc rằng ít có người mẹ nào có thể âm thầm, và hiền từ, đạo đức và phó thác như thánh nhân. Phải chăng cuộc sống của gia đình Mô-ni-ca cũng là phản ảnh một thực trạng của ngày hôm nay: chồng say sỉn, con trai con gái lêu lỏng… không vâng lời cha mẹ. Và cũng đã xảy ra bao thảm họa, đe dọa đến cuộc sống hôn nhân, và gia đình. Ý thức được vai trò và bổn phận của những người làm mẹ, làm vợ trong gia đình. Các chị em đã cùng nhau học hỏi, thảo luận, dựa theo chủ đề: thực thi lòng thương xót của Chúa, ngang qua đời sống gia đình. Sau những giờ với những trò chơi thi đua, vận động. Các chị em đã cùng nhau thảo luận và đưa ra những đúc kết cho hành trình đời sống gia đình.
CÂU 1: Gia đình chị đã thực thi lòng thương xót Chúa như thế nào ?
Chia sẻ:
-        Chia sẻ của cải vật chất, dạy cho con cái biết chia sẻ vật chất.
-        Yêu thương làng xóm láng giềng.
-        Vợ chồng, con cái yêu thương nhau, khoan dung và tha thứ.
-        Biết nhìn lên Gia đình Thánh Gia mà học hỏi.
-        Thể hiện cụ thể lòng Thương xót Chúa là đưa mẹ chồng về nhà phụng dưỡng. Tuy khó nhưng đã chịu đựng và thấy hạnh phúc.
-        Chia sẻ cho những người nghèo khổ, ốm đau.
-        Thương xót phần hồn: đọc kinh, xin lễ cầu cho người đã về với Chúa ; Phần xác: Chia sẻ cơm áo.
CÂU 2: Chị thấy đời sống gia đình ( hạnh phúc, đau khổ, tình yêu, trách nhiệm, … ) có là một hành trình Thập Giá ?
Chia sẻ:
-        Ai cũng có hạnh phúc, đau khổ nhưng khi gặp đau khổ ta cứ vững tin và phó thác cho Chúa vì Chúa không để ta vác Thập Giá quá sức chịu đựng của ta.
-        Khi ta hạnh phúc thì ta ít nhớ đến Chúa nhưng khi ta đau khổ thì ta lại than trách Chúa. Trong cuộc sống ta nên nhớ rằng khi gặp đau khổ, thử thách thì ta biết chia sẻ với Chúa, với anh chị em mình, khi đó đau khổ sẽ vơi đi và ta vui vẻ đón nhận. Vì “ Sau cơn mưa thì trời lại sáng”.
-        Gia đình mà thường xuyên đọc kinh tối, sáng thì hạnh phúc sẽ nhiều hơn đau khổ nhưng khi có đau khổ thì người ta dễ chấp nhận và phó dâng vào lòng thương xót của Chúa.
CÂU 3: Các gia đình trẻ hiện nay đổ vỡ rất nhiều ( ly dị, bỏ nhau, … ) đâu là nguyên nhân và trách nhiệm của cha mẹ ?
Chia sẻ:
-        Nguyên nhân đa số vì đồng tiền.
-        Do thiếu nền tảng Đức Tin, học hỏi giáo lý ít.
-        Đi làm ăn xa, thích đời sống tự do.
-        Thích hưởng thụ.
-        Trách nhiệm của cha mẹ phải can ngăn, hàn gắn con cái lại.
-        Cha mẹ phải tìm hiểu kỹ lý do một cách khách quan. Không thiên vị, bảo thủ cho con cái của mình.
Sau đó là giờ Chầu Thánh Thể, rồi đến bữa cơm thân mật, và các tiết mục vui văn nghệ. Giờ đố vui giáo lý, với cách thức được rung chuông vàng, cho những người chiến thắng, cũng rất hấp dẫn, và sôi động. Đây cũng là dịp tốt để các chị em ôn lại, và củng cố kiến thức về kinh thánh, giáo lý…
Có lẻ vui và thích thú là giờ đốt lửa trại, dưới ánh lửa bập bùng, những tâm hồn như được đốt nóng thêm lên. Những trái tim tưởng như đã cạn kiệt vì chồng con, thì giờ đây lại bừng bừng cháy sáng, khiến bóng đêm như biến dần, và bình minh đầy hứa hẹn.

Cám ơn Mẹ Thánh Mô-ni-ca, quan thầy của các chị em: những người vợ và những người mẹ, đang ngày đêm vất vả, nhọc nhằn hy sinh cho chồng, con. Thánh nhân đã dạy chúng ta cầu nguyện, lòng tha thứ, sự nhân từ, để cảm hóa chồng con, để nêu gương sáng về một cuộc sống thánh thiện, và trọn lành.

Linh mục Giacobe Tạ Chúc


Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

THÁNH NỮ MÔNICA (332-387)
Lm. Giacôbê Tạ Chúc
Không có gì cao sang trong cuộc đời bình thường, cũng không phải là “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”. Mônica chỉ là phận gái “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời của người phụ nữ này, đã trở thành tấm gương ngời sáng cho những người phụ nữ khác, đặc biệt là những người vợ, người mẹ trong các gia đình. Dù Mônica không sinh trưởng tại quê hương Việt nam, nhưng ở Thánh nữ chúng ta vẫn thấy đầy chất Á Đông của người phụ nữ đất việt: “Công,Dung,Ngôn,Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”.

Cuộc đời Thánh Mônica

Thánh nữ sinh tại Thagaste, thuộc Bắc Phi châu vào năm 332 trong một gia đình công giáo. Lập gia đình với ông Patricius, một người ngoại giáo và có được ba người con. Chồng Mônica là một người giàu có, nhưng tính tình nóng nảy và không chung thủy. Người mẹ chồng của thánh nữ cũng gắt gỏng và khó chịu. Patricius thường hay rầy la vợ, vì Mônica hay tỏ ra thương yêu và giúp đỡ mọi người. Dù vậy, thánh nữ vẫn luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng trong nước mắt của nguyện cầu. Cuối cùng, Mônica cũng chinh phục được mẹ chồng cùng với chồng, và họ đã trở lại cùng Thiên Chúa. Patricius qua đời năm 371, sau khi đã lãnh nhận Bí tích rửa tội. Hết chồng rồi lại đến con, Augustin học theo tính khí của cha, sống phóng đãng và chạy theo bè rối Manichée, trong chín năm. Mônica theo con để mong ngày con được trở lại cùng Chúa. Những hy sinh của Mônica thật không uổng tí nào. Đêm Phục sinh, ngày 24 tháng tư năm 387, bà vui mừng dự lễ rửa tội cho thánh Augustin. Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi châu, thì Thiên chúa đã gọi Mônica về, lúc 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.

Gương thánh nhân

Thánh Mônica lập gia đình và hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban qua ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, ngài hết tình yêu thương và chiều chuộng chồng, tính nết hiền lành và đạo đức đó là bí quyết mà thánh nhân dùng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.Làm mẹ,ngài tận tình chăm sóc và giáo dục con cái, nhất là đời sống đạo đức.Nhờ đó mà chồng con đều lần lượt trở lại đạo Chúa. Mônica nên thánh trong một đời sống gia đình, rất bình thường như những gia đình của mỗi người. Điều đó cũng làm cho chúng ta, nhất là các bà mẹ công giáo thử đặt lại vấn đề,tại sao tôi không dùng chính đời sống gia đình của mình để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày? Là một người vợ hay một người mẹ, tôi đã cầu nguyện với Chúa mỗi khi chồng con khô khan, nguội lạnh hay thậm chí mất đức tin…

Lạy Thánh Monica, bổn mạng của giới Hiền mẫu, qua lời bầu cử của Ngài, xin cho các người vợ, người mẹ có đời sống thánh thiện, hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục, để hướng dẫn gia đình trong tình thương của Thiên Chúa. Giữa một cuộc sống đầy thử thách, tình trạng chối bỏ sự sống ngày càng lan tràn, giáo dục con cái trở nên đầy thách đố. Xin cho các gia đình luôn biết lắng nghe và thực thi lời dạy của Chúa qua những giáo huấn của Giáo hội. Amen.


Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

NHỮNG HÌNH ẢNH SINH HOẠT
 NGÀY LỄ MẸ LÊN TRỜI 15/08/2016
MỪNG LỄ QUAN THẦY GIÁO XỨ GIA AN
NGÀY 15/08/2016





      CA ĐOÀN GIỚI TRẺ GIA ÂN
   GLV GIÁO XỨ GIA-AN

CÁC MẸ MỪNG BM THÁNH MÔ-NI-CA 2016 

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG (Lc 14.1.7-14)
Chúa nhật 22, năm C.
Trong kinh đọc hằng ngày, ta gặp thấy nhân đức khiêm nhường xuất hiện đầu tiên trong bảy nhân đức. Cải tội bảy mối có bảy đức: “ Thứ nhất khiêm nhượng chớ kêu ngạo”. Một đức tính tự nhiên của con người, mà Thiên Chúa đã phú ban. Sách Huấn ca và trang Tin mừng hôm nay, chúa nhật 22 thường niên đều nói đến nhân đức này.
Càng tự hạ con sẽ càng đẹp lòng Chúa (Hc 3,17-18)
Tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng khiêm hạ thẳm sâu. Trời xanh, biển cả và muôn loài đều là công trình của Chúa. Vạn khắp nơi nơi bày tỏ vinh quang của Ngài. Trời là ngai và đất là bệ dưới chân Chúa. Vậy mà, Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng vô cùng khiêm cung. Ngài đã tự hạ mình xuống làm người qua con mình là Đức Giê-su Ki-tô. Hình ảnh Đức Giê-su cúi xuống rửa chân cho các môn đệ,  cho thấy sự hạ mình đến tự hủy và xóa mình đi của Thiên Chúa. Các nhà thần học gọi là “quyền năng xóa mình đi, chỉ cần ít quyền năng để phô trương, nhưng cần nhiều tình yêu để khiêm nhượng”. Sự khiêm nhường đi liền với tình yêu, và vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương yêu, nên cũng có nghĩa là Ngài rất mực hạ mình. Cúi đầu trước người có quyền thế chưa hẳn là sự khiêm nhường, nhưng người cao trọng quyền chức mà cúi đầu trước kẻ kém hơn mình mới là sự khiêm nhường đầy tự phát, như Đức Giê-su đã làm trong bữa tiệc ly.
Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 14, 1.7-14).
Quan sát một bữa tiệc với nhiều thực khách, họ thuộc mọi thành phần trong xã hội, thượng vàng hạ cám. Tâm lý chung của con người bao giờ cũng muốn được người khác kính trọng. Cha ông xưa thường hay nói: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Không lạ gì bữa tiệc trong nhà một người biệt phái có Chúa Giê-su đến dự hôm ấy. Người ta mời Chúa không vì tình nhưng vì mình. Họ muốn dò xét và bắt lỗi Chúa. Nào là không rửa tay, nào là làm việc ngày Sabbat…Nói chung không có thiện ý tốt lành. Đức Giê-su thấu hiểu lòng dạ của con người. Nhân dự một bữa tiệc mà Ngài dạy cho con người bài học về sự khiêm nhường. Có  một thầy Rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức vô song của thầy.
 Một người trong bọn họ nói:
 - Từ thời Salomon đến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy.
 Người khác nói:
 - Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Abraham.
 Người thứ ba nói:
  – Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp.
Người thứ tư châm vào:
 - Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, chỉ có Môsê và thầy mà thôi.
 Vị Rabbi tỏ ra  không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi:
 - Ông có nghe họ ca tụng ông không?
 - Có.
 - Thế tại sao ông lại tỏ ra bực dọc như thế?
 Vị Rabbi than phiền:
 - Vì không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi!
Lạy Chúa, xin cho mỗi người biết khiêm nhượng để nhận ra mình cần đến lòng xót thương và thứ tha của Chúa, như lời Thánh vịnh : "Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi”(Tv 130, 1). Ai sống khiêm tốn thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương và được mọi người quý mến. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5). Điều Chúa cần nơi chúng ta chính là tấm lòng khiêm tốn thực thi thánh ý Người.
Linh mục Gia-cô-bê Tạ Chúc



Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

ANH EM CŨNG HÃY SẴN SÀNG (Lc 12,32-48) - CN 19 Năm C
Những cơn bão như không hẹn, mà tới. Nida cái tên thật đẹp, thế nhưng mấy ai mong muốn khi nó xuất hiện. Những nơi bão lũ đi qua(Trung Quốc, Hà nội) đều để lại những vết thương lòng quặn vỡ: sinh mạng con người, của cải vật chất, cuộc sống an sinh…Tất cả đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Chúa Giê-su đã cảnh tỉnh thái độ sống của con người, khi cứ mải mê trong những thực tại trần gian, mà sao lãng những giá trị siêu nhiên: “ Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ”(Lc 12, 35-36).
Tỉnh thức và sẵn sàng
Những cuộc khủng bố tại Paris, đất nước Pháp liên tục xảy ra. Biết bao người vô tội phải chết. Đau thương và thù hận. Con người xem ra, cứ đi tìm những chân lý hư ảo trong cuộc đời. Họ chưa thể thỏa mãn hết mọi cơn khát thèm của: danh-lợi-thú. Giàu và nghèo đang là hai thái cực đối nhau trong bức tranh xã hội ngày hôm nay. Con người đi tìm kiếm và khát khao với những gì là vô biên: “ Hãy bán những của cải mình đi và bố thí”, vì kho tàng nước Trời là nơi không bị trộm cắp, cũng như không bị mối mọt gặm nhắm. Sống cần một chút tỉnh thức để gặp mình, và để nhận ra ý nghĩa cũng như cứu cánh của đời sống, trước khi quá muộn màng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong một bài giảng cho giới trẻ tại Ba lan đã nhắn nhủ: “ Chúng ta không vào trong thế giới để sống vô vị, để dễ dãi, để biến cuộc sống của chúng ta thành chiếc sô-fa thoải mái và thiếp ngủ trên đó…”. Nhưng hãy sẵn sàng để làm cho những thiện ích và những gì là cao quý nhất, mà Thiên Chúa đã tặng ban cho con người. Thánh Đa-minh Savio một hôm, vào giờ chơi thể thao, Saviô đang chơi với chúng bạn ngoài sân. Cha Bốscô bèn gọi thánh nhân ra hỏi:
-       Giả như 15 phút nữa Chúa gọi con về với Chúa, thì bây giờ con làm gì?
-       Con vẫn tiếp tục chơi!
Tiếp tục cho đến giờ sau hết.
Ngày nay, người ta thường hay nói nhiều về ngày tận thế. Những tin đồn về ngày kết thúc vũ trụ, mà thậm chí còn có cả ngày giờ tận thế được đưa ra. Không ai biết được giờ nào, chỉ biết một điều giờ ấy sẽ xảy ra. Vì thế, Chúa Giê-su mới dạy bảo chúng ta: “ Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”(Lc 12, 35). Như năm cô trinh nữ khôn ngoan, mang đèn và dầu đầy đủ, để cùng vào dự tiệc với các chàng rễ. Không như những thiếu nữ khờ dại, dầu khô cạn lấy đâu mà vào cửa của vị lang quân. Phúc thay, khi chủ trở về, còn thấy các giai nhân tỉnh thức, và chủ sẽ đưa các tôi tớ Ngài vào chung hưởng phúc vinh.
Cho nhiều sẽ bị đòi lại nhiều! Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tận dụng: thời gian-tiền bạc-khả năng mình để trung thành phụng sự Chúa và anh em đồng loại. Amen.
Lm Giacobe Tạ Chúc


Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

THÁNG TÁM GẶP GỠ BA NGƯỜI MẸ

Những điểm nhấn của mục vụ tháng tám, có lẻ dành ưu ái cho ba người Mẹ: Mẹ Maria với đặc ân lên trời cả Hồn lẫn xác mà Giáo hội mừng kính vào ngày 15/8 hằng năm, Mẹ Mô-ni-ca, quan thầy của giới bà Mẹ Công Giáo, được cử hành vào ngày 27/8, và mỗi người Mẹ của chúng ta.
Mẹ Maria
Người tín hữu khắp nơi trên thế giới luôn tin tưởng và yêu mến Đức Mẹ, cách riêng với các tín hữu Việt Nam. Có lẽ chẳng ai còn xa lạ với những nơi hành hương quen thuộc đó đây, những địa chỉ như: La-vang, Tà-pao, Trà kiệu, Bãi dâu...Từ lâu, đã trở nên hết sức thân thuộc với mọi người Ki-tô giáo, và kể cả những anh chị em lương dân. Ngay từ đầu công trình sáng tạo, và nhất là khi con người sa ngã. Thiên Chúa đã tiên định và chọn lấy một thụ tạo dành riêng cho công trình Cứu độ. Thụ tạo hoàn hảo mà Thiên Chúa chọn, chẳng ai khác ngoài Đức Maria. Noi gương Mẹ, với những nhân đức: khiêm nhường, vâng phục và bác ái luôn là những hướng đi cho tất cả những ai có lòng yêu mến, cậy trông vào Mẹ. Có Mẹ phù hộ, chở che và chuyển cầu, chúng ta sẽ vững dạ an lòng bước theo Đức Ki-tô, trên con đường lữ hành trần thế.
Mẹ Mô-ni-ca
Là một người phụ nữ sống đời gia đình, tần tảo hy sinh, lo cho chồng cho con. Mẹ Mô-ni-ca ngời sáng gương kiên trì cầu nguyên, trung kiên trong thử thách, và cậy trông không thất vọng, nản lòng. Người phụ nữ này đã làm cho chồng con trở lại với Chúa, và nên thánh trong cuộc sống phàm nhân. Thánh Mô-ni-ca, như điệp khúc của bản tình ca vang xa, chảy dài đến bất tận trong trái tim của những người Ki-tô hữu.
Mẹ chúng ta
Mẹ thiên quốc, Mẹ thánh và Mẹ cuộc đời. Thiên Chúa rất giàu lòng từ bi, Ngài sẵn sàng ban cho con người nhiều hồng ân, những quà tặng vô giá. Có Mẹ trong cuộc đời, từng bước con thơ được yêu thương vỗ về. Ngày ngày một nắng hai sương, Mẹ trần gian chẳng quản ngại khó khăn, vất vả nhọc nhằn để nuôi đàn con khôn lớn. Bà Mẹ công giáo, noi gương Mẹ Maria, theo chân Mẹ Mô-ni-ca để thiết tha yêu mến Chúa và siêng năng phục vụ chồng con, trong đời sống gia đình.
Tháng tám, dãi dầu mưa nắng, hãy đến cùng Mẹ Maria để được che chở, và ủi an. Muốn nên thánh, sống đẹp lòng Chúa, ngước nhìn lên Mẹ Mô-ni-ca, và cầu nguyện cho những người Mẹ trên trần gian này, luôn trung kiên, vững bền mãi mãi, trong tin yêu, và hy vọng.

Lm Giacobe Tạ Chúc