Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016



Tháng mười là tháng Mân côi.Giáo Hội mời gọi mọi người đọc kinh Mân côi. Trong sáu lần hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô, và Jacinta, Đức Mẹ luôn dạy rằng:”Các con hãy lần chuỗi Mân côi hằng ngày”. Tại Fatima, Đức Mẹ đã dạy mỗi người làm theo ba điều: Hãy ăn năn đền tội, hãy lần chuỗi Mân côi, hãy tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Trong những ý hướng và tâm tình trên, chúng ta chiêm ngắm chuỗi Mân côi qua ba ý tưởng: Nối kết – Chia sẻ - Truyền giáo.

Lời kinh nối kết cộng đòan

Trong thời đại bùng nổ thông tin, internet là dịch vụ giúp con người xích lại gần bên nhau. Những diễn biến trên thế giới đều được mọi người biết tới, một cách khá chính xác và mau chóng. Hãy hình dung xâu chuỗi Mân côi, chúng cũng là một kết nối tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau. Những hạt tròn tròn, xinh xinh, bé nhỏ, được đặt kề cận nhau, với một vòng dây tạo nên một con đường liên kết, chúng không có mạch hở. Những hạt bé xíu, đen đen, xanh xanh, trắng trắng…tạo thành muôn sắc màu, cũng nằm kề bên nhau. Chúng có giống nhau, nhưng cũng vẫn khác biệt, chúng liên kết với nhau, nhưng giữa các hạt vẫn có một khỏang cách cần thiết. Nếu không sẽ là rất khó khăn cho người cầm chuỗi Mân côi.
Đời người cũng vậy, như hình cây Thánh Giá, có một chiều thẳng đứng, và một chiều nằm ngang. Chiều thẳng đứng để con người vươn lên cùng Thiên Chúa. Chiều nằm ngang là con người kết thân với nhau. Con người giống nhau vì là một hữu thể, mang bản tính”người”, nhưng cao quý hơn là con người giống hình ảnh của Thiên Chúa. Có một câu hát :”Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi”, vâng đúng như vậy. Sống là sống với, sống vì và sống cho nhau. Mỗi người gần kề nhau, từ các thành viên trong các gia đình, giáo xứ, cho đến các thành phần trong xã hội. Tất cả được liên kết với nhau bằng các quy luật, môi trường, tôn giáo và nhân cách. Nói như Đức cha Giuse Vũ Duy Thống:”có “khác” mà không “khắc”. Mỗi người giống nhau vì cùng mang sứ mạng là loan báo tin mừng của Đức Giêsu, nhưng khác nhau ở: màu da, giọng nói, quốc tịch, môi trường , văn hóa…

Lời kinh chia sẻ

Tháng mười rộn rã những chùm hoa thiêng trong các xứ đạo, như bước chân vội vã cũa Mẹ Maria lên đường thăm viếng bà Êlizabeth. Những giờ đọc kinh luân phiên, đọc kinh liên gia ở các gia đình nói lên mầu nhiệm chia sẻ một cách hết sức sâu sắc. Trong những giờ kinh chung tại giáo xứ, hay khi trước giờ Chầu Thánh Thể, cộng đòan cùng lần chuỗi Mân côi, lời kinh kính mừng cứ lặp đi lặp lại, làm thành một đường dài chuỗi kinh, nhiều chuỗi kinh làm thành một con đường linh đạo nên thánh. Nhiều người cùng đọc, nhiều thành phần dân Chúa trở nên thánh đức, cảm nhận này đã được Thánh Louis de Montfort ghi lại: “Khi trở lại thăm các giáo xứ, nơi tôi đã giảng các tuần đại phúc, tôi thường thấy có sự khác biệt lớn lao. Nơi những giáo xứ mà giáo dân đã bỏ đọc kinh Mân côi, tôi thấy người ta lại sa vào con đường tội lỗi như xưa. Còn những nơi giáo dân trung thành lần chuỗi Mân Côi, thì người ta sống vững vàng trong ơn nghĩa Chúa và ngày càng tiến bộ trên đường nhân đức”. Một sự chia sẻ tuyệt vời của lời kinh nguyện Mân Côi.

Lời kinh truyền giáo

Ngòai chủ đề chính là kinh nguyện Mân Côi. Tháng mười còn là tháng truyền giáo. Kinh Mân Côi chính là nguồn động lực, nguồn trợ lực, và là nguồn nội lực cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ sống trong tu viện, qua đời sống chiêm niệm của mình, Ngài đã trở nên vị tông đồ truyền giáo cho giáo hội qua mọi thời đại. Những anh chị em trong đạo binh Lêgiô, mỗi lần đi công tác truyền giáo, họ đều lần chuỗi Mân Côi. Lần chuỗi Mân côi để cùng với Mẹ Maria ra đi loan báo tin mừng, cho hết thảy mọi dân tộc trên khắp cùng bờ cõi.

Đan xen trong một mắc xích nối liền, chuỗi Mân Côi đã tạo nên những nhịp cầu nối trọn những kết liên, những kết liên lại tạo thành những chia sẻ, và những chia sẻ sẽ đem đến sự gặp gỡ và ra đi, dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo.  

Trong Tông Huấn Marialis cultus, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã khẳng định:”Chúng tôi muốn lưu ý anh em về một việc đạo đức đã từng được gọi là “Bản tóm lược tất cả cuốn phúc âm” : đó là chuỗi Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria. Các vị tiền nhiệm của chúng tôi vẫn thường chú tâm và nhiệt tình cổ động việc đạo đức này, khuyên bảo chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi…Kinh Mân Côi có khả năng phát huy một lối cầu nguyện có tính chiêm niệm, vừa là lời chúc tụng vừa là lời cầu xin. Cũng nên nhớ rằng kinh Mân Côi có sức linh nghiệm giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống Kitô giáo và dấn thân họat động Tông đồ” ( số 13 ).

LM Giacôbê Tạ Chúc


Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

LA-ZA-RÔ VÀ NHÀ PHÚ HỘ (Lc 16, 19-26)
Chúa nhật XXVI năm C.
Thoạt nghe bài Tin mừng hôm nay, chắc hẳn lóe lên trong suy nghĩ của chúng ta là: những người nghèo mới được vào Thiên đàng, còn người giàu thì không? Như vậy phải chăng Tin mừng của Đức Giê-su cổ súy cho sự áp bức, bất công ở đời này, vì người ta cam chịu  thiệt thòi để mơ về một thế giới hạnh phúc sung sướng, ở trên trời. Chắc hẳn không phải vậy, lời Chúa không nhằm chủ trương một Giáo hội toàn những người nghèo, và kết án những người giàu có.
Có một điều ghi nhận rằng giữa người Phú hộ và La-za-rô có một khoảng cách rất gần ở đời này, nhưng lại rất xa ở đời sau. Thái độ đáng lên án của người Phú hộ, không phải vì anh ta giàu có, nhưng là vì anh ta sống quá dửng dưng, trước nỗi đau của người anh em đồng loại là người hành khất, không phải đâu xa, mà ngay trước cổng nhà mình. Đúng ra, trong địa vị và điều kiện đầy đủ của anh, anh phải quan tâm, giúp đỡ cho La-za-rô đang sống vất vã, thiếu thốn ngay bên cạnh mình. Với cách sống thiếu tình liên đới và chia sẻ, anh phú hộ như mất hút trong tâm trí của mọi người. Người hành khách thì có tên gọi: La-za-rô, còn người giàu có thì không. Đến đây, mỗi người có thể giải đáp được số phận của hai nhân vật, trong bài Tin mừng của Thánh sử Lu-ca. La-za-rô được vào Thiên đàng vì anh ta nghèo, nhưng sống đời lương thiện, luôn vâng theo thánh ý Chúa, và chấp nhận một hành trình, và một cuộc đời sống có ý nghĩa, và anh đã được hưởng hạnh phúc trong vương quốc tình yêu, của Đức ki-tô. Còn người Phú hộ, anh ta không thể vào nước trời, vì đó là nơi dành cho những người sống bằng tình yêu thương. Thiếu điều căn bản này, người Phú hộ đành phải chấp nhận phận số, và khoảng cách quá lớn, mà ở trong cuộc đời chính anh đã tạo ra.
Tác giả Nam Cao có viết một truyện ngắn, với tựa đề: “ Lão Hạc”. Lão Hạc nghèo lắm, Lão sống cơ cực, bệnh tật và cô đơn. Thức ăn của Lão là củ chuối, sung muối, nhưng cũng chẳng có mà ăn. Lão chỉ có một mảnh vườn, và lão không muốn bán vì để dành cho con trai. Lão tự vẫn, vì đó là lối giải thoát cho mình. La-za-rô, Lão Hạc của ngày hôm nay vẫn còn và nhiều lắm, Phú hộ cũng không thiếu trong xã hội đương thời. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn rộng ra. Thái độ sống vô cảm cũng đang thành một cơn bệnh, người ta có nhà cửa, tiện nghi rộng rải và thoải mái. Thế nhưng, tình thương yêu, sự chia sẻ và liên đới với nhau, thì hình như đang nhỏ dần lại.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho lòng mỗi người trong chúng con rộng mở, để đón những La-za-rô đang nằm trước cổng nhà mình. Xin cũng cho có nhiều Phú hộ, và những người Sa-ma-ri-a nhân hậu, biết thực thi và nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giê-su trong những người bé mọn, để họ không dửng dưng, mà trái lại biết mở cửa nhà, để đón tiếp, giúp đỡ những anh chị em kém may mắn hơn mình. Amen.
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc



Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

NHẠC THÁNH

Giáo xứ tôi thuộc miền quê, đa số người dân sống bằng nghề nông. Các cụ dù sống trong thời đại văn minh nhưng vẫn giữ mãi những nét chân chất của làng quê. Mỗi ngày cha xứ tôi cho phóng loa phát đi những bài thánh ca để nhắc nhở mọi người thức dậy đi đến nhà thờ.

Chẳng biết từ bao giờ, ngày hai buổi sáng chiều, nhạc thánh vang lên, réo rắt, ngân nga, vọng vang như lời nhắc nhở của Chúa, mời gọi mỗi người đến với Chúa. Tôi lớn lên với tiếng nhạc mỗi ngày, nó như điệp khúc của lời ru mẹ hát, sáng lễ chiều kinh, tiếng Chúa gọi mời. Nhạc thánh vọng đổ trên nóc cao nhà thờ, tiếng hát du dương trầm bổng của các ca sĩ như rót vào hồn người, lời kinh cầu tha thiết dâng lên Đấng tối cao khả ái. Hôm nào vắng tiếng nhạc, lòng tôi cảm thấy như thiếu đi một điều gì đó, rất đỗi gần gũi thân quen. Từ các cụ già cho tới những em thiếu nhi, ngày ngày khi nghe tiếng nhạc, với những bài thánh ca quen thuộc, như chiếc đồng hồ báo thức nhắc nhở  mọi người thức dậy, dâng một ngày mới lên cho Thiên Chúa. Khởi đầu cho một ngày sống mới, trong thánh lễ Misa , mọi người cùng nhau lắng nghe lời Chúa, rước Mình Thánh Chúa, rồi ra về sống những phút giây hồng ân mà Thiên Chúa đã trao ban. Cũng là những bài hát do các nhạc sỹ sáng tác, những ca sỹ hát, những nghệ sỹ hòa âm, phối khí. Thế nhưng nhạc Thánh vẫn có một nét rất riêng, không giống vói những bài ca cổ động, những bài nhạc Rock, Rap hay những bản tình ca. Nhạc Thánh kết tinh của những tâm hồn cầu nguyện, những ca từ xuất phát từ đáy lòng của những con người mong mỏi và khao khát Chúa. Từ xa xưa, con người đã biết cầu nguyện bằng các nhạc cụ, lời ca tiếng hát thay cho các hình thức đối đáp bằng cách đọc. Có lẽ đọc lại các Thánh Vịnh chúng ta sẽ nhận thấy được điều này:

“ Hãy ngợi khen Người với tiếng loa vang dậy!
Hãy ngợi khen Người với tiếng sắt, tiếng cầm!
Hãy ngợi khen Người với tiếng trống dồn và vũ điệu,
Hãy ngợi khen Người với tiếng đàn tiếng địch!
Hãy ngợi khen Người với tiếng chiêng vang!
Hãy ngợi khen Người với phèng la dậy đất!”
( Tv 150, 3-5).

Vâng hãy ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, chủ tế của vũ trụ. Trong vô vàn cách thế và cũng có nhiều phương tiện giúp mỗi người sống niềm tin của mình. Nhưng với tôi, ngòai tiếng chuông Thánh đường thánh thót, Nhạc Thánh vẫn là những lời mời gọi tha thiết và cháy bỏng của Chúa Giêsu mỗi ngày khi ngỏ với con người:” Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”( Mt 12, 28).


Lm Giacôbê Tạ Chúc

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

CHÚA ĐI TÌM CON (Lc 15, 1-32) – Chúa nhật XXIV năm C
Thông thường chúng ta được mời gọi để đến cùng Chúa, đón nhận và giao hòa cùng Thiên Chúa, qua các ân sủng, như Bí tích, thánh lễ, hay các việc đạo đức khác. Tin mừng hôm nay lại cho thấy, một Thiên Chúa luôn chủ động, và vi hành đến với con người. Ngài tìm kiếm và đưa dẫn họ về với Ngài.
Tìm kiếm có nghĩa là đã có lạc mất. Có mất mới cất công đi tìm. Có lạc mới lên đường để tìm thấy. Vật càng quý thì càng phải ra công, bỏ sức để cố gắng và tìm cho bằng được. Một trăm con chiên mà mất một con thì có là gì đâu, bởi người chủ còn đến 99 con. Ấy vậy mà, ông ta lại quắt quay bỏ lại cả đàn trên núi, để đi tìm cho bằng được một con chiên bị lạc mất. Cũng vậy, một bà lão mất một đồng, một đồng thôi cũng đủ để cho bà, bới móc, quét dọn nhà cửa để tìm đồng bạc bị mất. Và khi đã tìm được, không có nỗi vui sướng nào để diễn tả cho niềm hạnh phúc khôn tả đó. Người chủ vác chiên trên vai, mở tiệc mời bạn bè ăn mừng, vì mình đã tìm thấy những vật quý giá rồi.
Hình ảnh của một vị Thiên Chúa cao cả, nhưng hết sức gần gũi. Ngài không đợi con người đi tìm mình nhưng trái lại chính Ngài, đích thân đi tìm con người. Sáng kiến độc đáo của tình yêu thương, như những người cha mẹ, khi con lạc mất, thì bằng mọi giá họ sẽ đi tìm con của mình.  Thiên Chúa cao cả của đất trời, thế nhưng lại có những hành động giống với con người, khi Ngài luôn chăm sóc, nâng niu thụ tạo của mình. Cùng với công trình sáng tạo là cứu độ. Thiên Chúa không bỏ rơi ai, dù là những thụ tạo thấp hèn nhất. Đứa con đi hoang, phung phí hết tài sản, đến khi không còn gì hết. Tưởng như trong tuyệt vọng hoàn toàn, nhưng người Cha là chính Thiên Chúa, vẫn dang rộng vòng tay để đón nhận con của mình. Dù đó là đứa con bất hiếu. Hình ảnh vô cùng độc đáo mà Thánh sử Lu-ca đã ghi khắc, đó là một Thiên Chúa luôn khởi xướng, và lên đường tìm đến với con người. Thiên Chúa chủ động trong tình yêu, còn con người bị động trong tình yêu của Thiên Chúa. Lối bị động như là một nghịch lý càng cho thấy, Thiên Chúa yêu thương con người biết bao. Dẫu cho chúng ta có vong ơn bội phản, thì Thiên Chúa, vẫn trước sau như một, không bao giờ đổi thay tình yêu của mình.
Hãy để Chúa yêu thương, đừng bao giờ khước từ tình thương của Ngài. Chúa sẽ tìm kiếm, dẫn đưa, và trao ban cho mỗi người những nụ hôn ân sủng, hòa giải và bình an. Có gì vui sướng bằng được bàn tay Thiên Chúa, chạm đến cung lòng của chúng ta. Bàn tay Ngài dịu êm đưa con đi qua mọi nẻo đường, và dẫn dắt con về với đoàn chiên của Chúa.

Linh mục Gia-cô-bê Tạ Chúc.