Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

MỘT CÕI ĐI VỀ
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, dù rằng không phải là một Ki-tô hữu, nhưng đã có những ca từ, về con người, phận người một cách hết sức linh cảm, khi con người sống, chết và đi về đâu. Ca khúc một cõi đi về như dặt dìu con người một thao thức không nguôi, lúc nghĩ về sự sống chết của con người:
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.
Đi về nơi mình phát xuất ra. Sách Sáng thế ký cho chúng ta thấy Thiên Chúa dùng bụi đất để dựng nên con người. Ngài dùng sinh khí để thổi hơi và ban sự sống cho mỗi chúng ta. Vì vậy, khi kết thúc cuộc đời này, thân xác được gởi lại cho lòng đất, và phần linh hồn thuộc về Đấng tạo thành ra nó. Có một triết gia đã nói rằng: “ Quên lãng một người đã chết, tức là bắt họ chết thêm một lần nữa”.
Giáo hội ý thức rằng, ngoài các Thánh ở trên thiên đàng, đang được hưởng phúc vinh quang, thì vẫn còn nhiều các linh hồn đang trong thời gian thanh luyện. Các Ngài cũng sẽ được vinh phúc trên thiên quốc, sau khi đã trải qua thời gian trong luyện ngục. Việc nhớ đến các Ngài trong tháng mười một, là một nghĩa cử cao đẹp, của mỗi chúng ta, khi cầu nguyện cho các linh hồn. Tổ tiên mỗi người, những anh chị em đã trải qua một cuộc đời dương thế, với biết bao nhiêu hy sinh, nhọc nhằn và vất vả. Các Ngài là những con người có thể cùng thời hay khác thời với chúng ta. Những dấu ấn qua thời gian của các vị như vẫn đang phảng phất đâu đây, trong riêng một góc trời. Các Ngài đã không còn hiện diện một cách thể lý trước mặt mọi người, nhưng niềm tin vào sự sống đời đời, không cho phép chúng ta quên lãng các Ngài. Một nén hương lòng đốt lên, một câu kinh gãy khúc giữa lúc sáng tối phận người, chắc sẽ giúp ích nhiều cho các linh hồn, để bớt đi sự bất xứng, của các Ngài, và xứng đáng đón nhận ơn cứu chuộc của Đức Giê-su Ki-tô.
“Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ”, lạy Chúa Giê-su, xin cho tâm hồn chúng con luôn tìm Chúa như nai rừng khát khao dòng suối mát, như đất khô mong đợi mưa rào, như đêm về thao thức đợi hừng đông. Để một khi tưởng nhớ đến các đẳng linh hồn, chúng con cũng nhớ về cố hương, nơi mình đã từ đó ra đi, và mai này, quay trở về nhà Cha trên trời. Amen.
Lm Giacobe Tạ Chúc



CÁC THÁNH LÀ NHỮNG CHỨNG NHÂN CỦA TIN MỪNG
Lễ các Thánh Nam Nữ mở ra cho con người, cách riêng cho những người Ki-tô hữu một niềm hy vọng khải hoàn. Bởi chưng, nếu như cái chết là một giới hạn và sự bất lực của con người, thì sự sống vinh hiển nơi các Thánh lại là một sức mạnh của niềm hy vọng cho nhân loại. Mừng lễ các Thánh trên trời, là để mỗi người thấy rằng cái chết không phải là điểm kết thúc, mà là điểm khởi đầu cho hành trình mới, cuộc sống mới của mỗi chúng ta.
Sách Khải Huyền ghi nhận có hằng hà sa số các Thánh, không sao có thể kể xiết. Một số trong các Ngài được Giáo hội công nhận, nhưng không phải là hết. Các Thánh rất đông đảo, bởi vậy chúng ta cử hành ngày lễ hôm nay, để tôn vinh các Ngài, một đạo binh đông đúc đang hưởng phúc trong vinh quang. Giáo hội Khải hoàn là một điểm hẹn sau cùng cho người Ki-tô hữu. Cha ông chúng ta, những người thân yêu trải qua mọi thời đại đã sống tin mừng, sống lý tưởng các mối phúc, một cách tròn đầy nhất, các Ngài đã được triều thiên vinh quang của Đức Giê-su. Sau một chặng đường dài, với những gian lao, thử thách. Các Ngài đã được kể vào số những người đã được tuyển chọn. Với mọi thành phần, quốc gia, giai cấp, tuổi tác…Những người nô lệ, hay tự do, Hy lạp hoặc Do thái. Tất cả các Ngài đã làm chứng cho Tin mừng của Đức Giê-su. Vì thế, các Ngài xứng đáng lãnh nhận phần thưởng nước trời, và đã trở nên những tấm gương sáng ngời cho đoàn con cháu chúng ta. Nếu hạnh phúc là một khát khao, và là một cuộc đấu tranh để đi tìm. Thì với các Thánh, khát khao chảy bỏng nhất của các Ngài là trở nên: nghèo khó, hiền lành, công bình, thương xót, chịu bách hại vì Danh Chúa… Cũng vậy, đấu tranh của các Ngài là chiến thắng ba thù: ma quỷ, thế gian và lạc xác thịt. Các Ngài đã trung kiên và bền bỉ đi theo Chúa cho tới cùng, vì vậy, các Ngài đáng được Giáo hội chúc tụng và suy tôn.
Lạy Chúa Giê-su, hành trình nên thánh là một lời mời gọi cho mỗi chúng con. Có thể được, là bởi vì các bậc tiền bối của chúng con đã minh chứng cho điều này. Xin các Thánh là những người thân yêu của chúng con, luôn chuyển cầu lên Thiên Chúa, để Ngài nâng đỡ sự yếu đuối của mỗi người, và cho chúng con cũng nên thánh ở giữa cuộc đời. Amen.
Lm Giacobe Tạ Chúc


Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

GIA-KÊU GẶP CHÚA (Lc 19,1-10)
Chúa nhật 31 năm C
Một cuộc gặp chẳng hẹn mà hò, hay có thể nói cuộc hội ngộ quá bất ngờ giữa Chúa Giê-su với viên thuế vụ Gia-kêu. Không biết vô tình hay hữu ý mà Chúa Giê-su đi ngang qua thành Giê-ri-kô, nơi làm việc của ông giàu có Gia-kêu. Từ đây câu chuyện thêm li kỳ và có thể là hiếu kỳ, khi có quá nhiều bất ngờ xảy ra.
Bất ngờ với Gia-kêu
Ông không nghĩ mình sẽ có diễm phúc để gặp được Chúa, khi Ngài đi ngang qua. Vốn là một viên thu thuế mà lại là trùm nữa. Dưới cái nhìn của những người Do Thái. Gia-kêu là người tội lỗi, ông bị mọi người ghét bỏ, lên án và xa lánh. Có lẻ cũng đôi chút mặc cảm, nhưng cũng có khi do hoàn cảnh, công ăn việc làm mà ông đành chấp nhận vậy.  Đã vậy, ông còn có một chiều cao hơi khiêm tốn, trước đám đông đang bủa vây Chúa Giê-su, làm sao có thể nhìn thấy Chúa, nếu không đứng ở một vị thế cao hơn mọi người. Nực cười cái sáng kiến hết sức “ hai lúa” của Gia-kêu. Trèo lên nhành cây sung để nhìn Chúa Giê-su khi Ngài đi ngang qua. Và cũng thật thi vị, Đức Giê-su dừng lại và nhìn lên Gia-kêu. Lúc này đám đông như khựng lại, có lẻ không ai ngờ Chúa Giê-su lại dừng lại cách đột ngột như thế. Xem ra có điều gì đó từ bốn ánh mắt gặp gỡ, và cấu thành dòng điện chạy vào con tim. Lúc này đây, vị thế, cách thức, hay mọi ánh nhìn thành kiến xung quanh, không còn ý nghĩa gì. Đức Giê-su không đi nữa Ngài quyết định dừng lại, và lưu lại nhà của Gia-kêu.
Bất ngờ với những người xung quanh
Một pha cứu thua trông thấy, nếu Chúa Giê-su không đứng lại và mở lời: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” (Lc 19,5), thì chắc Gia-kêu bẽ mặt vô cùng. Mọi người sẽ được phen ném gạch đá dư luận về ông. Vốn đã xấu thi giờ lại xấu hơn nữa. Nhưng không, Đức Giê-su thấy rõ lòng dạ của con người, và những kiếp người. Điều ngược lại đã xảy ra,  đám đông dân chúng không thể tin vào mắt mình: Đức Giê-su đã bỏ lại đằng sau, 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc. Ngài vào nhà và cùng ăn uống với gia đình ông Gia-kêu. Hôm đó chắc các ông kinh sư, Pha-ri-siêu, luật sỹ…giận Chúa Giê-su lắm, vì quá bất ngờ khi Ngài lưu lại nơi gia đình của một người tội lỗi.
Bất ngờ vì được ơn cứu độ
Như trong một giấc mơ, Gia-kêu đâu dám mơ cao, nhưng nào ai có thể biết được, ơn cứu độ đã được mang đến cho ông : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Một ngày hồng phúc cho Gia-kêu, chắc ông đã nở một nụ cười viên mãn, sau bao nhiêu năm tháng đợi chờ, và “ Hôm nay”, một từ ngữ hết sức quen thuộc trong Kinh Thánh lại thuộc trọn về viên thu thuế Gia-kêu.
Tìm thì sẽ gặp, gõ thì sẽ mở cho, trong cuộc sống hằng ngày, xin cho mỗi chúng con biết đi tìm Chúa, qua ơn gọi mà Chúa ban cho từng người. Đối với Chúa, chúng con là vô giá, duy nhất và không thể thay thế. Chúa luôn đi tìm chúng con, xin cho lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa. Amen.
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc



Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

LỄ CÁC LINH HỒN THÁNG 11

1.   Ngày thứ ba (01/11/2016)  LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
-        Sáng:
4giờ 45: Thánh lễ Trọng thể tại Nhà thờ Giáo xứ.
Rước chủ tế: Mỗi Giáo họ, ban ngành / 4 người .
Đọc sách - dâng hương: Giáo họ trực + HĐMV Giáo xứ.
Dâng lễ vật: Gia trưởng 3 người, BMCG 3 người.
Hát Lễ: Ca đoàn giới trẻ hát .
-        Chiều : Thánh lễ 2 lúc 18 giờ 00 (Ca đoàn thiếu nhi)

2.   Ngày thứ tư  (02/11/2016)
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
        Sáng:
  Lễ nhất : 4 giờ 45: Thánh Lễ tại Nhà thờ Giáo xứ.
          Đọc sách : Gia trưởng. Hát Lễ: Ca đoàn Gia trưởng.
          Lễ nhì : Lúc 14 giờ 30 : Hội lòng thương xót
        Lễ 3: 18 giờ 00: Thánh Lễ tại Nghĩa trang
 Đọc sách: HĐMV Giáo xứ.
         Hát Lễ: Ca đoàn Gia trưởng + Các bà mẹ Công giáo
        Âm thanh ánh sáng: A Hùng+ Giáo họ trực + HĐMV + Ban điện.
Các vật dụng khác: Anh Trí Tài + Lễ sinh + các Soeur.
                Giáo dân nhớ mang theo hương, nến, đèn pin, áo mưa…


CN 30/10/2016 : Làm công tác nghĩa trang sau thánh lễ nhất.
Miền Trung!

Con thương mẹ của Miền Trung
Cực thân với lũ mịt mùng xót xa
Đau đời mẹ khổ đời cha
Gót chân nứt nẻ như hà ăn khoai

Nhà tranh vách dựng hai vài
Đói qua ngày lũ hai tay rã rời
Chống chèo giữa nước chơi vơi
Đói lòng mẹ cũng cố bơi con xuồng

Miền trung xả lũ nghe buồn
Phận người sao cứ lênh đênh đói nghèo
Thương em bé mắt hoen mờ
Mất cha mất mẹ em chờ đợi ai

Quê nghèo trĩu nặng hai vai
Mắt cay lẫn với hình hài xanh xao
Ngưng đi hỡi bão trên cao
Cho quê hương thắm ngọt ngào lúa thơm





Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Ngày phụ nữ cho Mẹ!

Con đã lớn khôn rồi
Mẹ mỗi ngày mỗi yếu
Ôi thân gầy da bọc
Cho con yêu sớm chiều

Mẹ lúc nhớ lúc quên
Không biết mình mấy đứa
Vào ra nhà lộn cửa
Ăn hay chưa mỗi ngày

Con lắm lúc thờ ơ
Trách sao Mẹ khó vậy
Lo cho Mẹ mệt quá
Đứa này đùn đứa kia
Mẹ già rồi cứ vậy
Đi ra vào lẩn thẩn
Nói năng đâu cẩn thận
Làm con cái phiền lòng

Rồi một ngày mất Mẹ
Lấy ai làm chỗ dựa
Lấy ai dựa vào cửa
Mỗi chiều khói vây quanh

Cành hoa trắng phai màu
Nước mắt với mưa ngâu
Con thương Mẹ Mẹ ạ
Tình yêu sao nhiệm mầu.




Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Đức Giê-su, trước khi lên trời đã kêu mời các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Lệnh truyền trên đã được Giáo hội qua hơn hai ngàn năm thực thi một cách nhiệt thành và canh tân theo từng thời đại. Bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Đó chính là hơi thở và sự trường tồn thuộc về Giáo hội. Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vaticanô II, ở số 2 đã minh chứng cho điều này.

Những ai thuộc về Đức Ki-tô, tức là thuộc thành phần dân Thiên Chúa thì luôn khắc ghi trong tim mình những lời dạy đầy yêu thương của Thầy chí thánh: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,19-20). Người ki-tô hữu, qua Bí tích rửa tội đã trở thành những thừa tác viên cộng đồng trong các tác vụ: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Đã đến lúc mỗi người trong ơn gọi và hoàn cảnh của mình thực thi sứ mạng của Chúa Giê-su trong Hội Thánh của Ngài. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô muốn một Giáo hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình (EG số 49). Người môn đệ Chúa Giê-su luôn học nơi Ngài hiền lành và khiêm nhường, chim trời có tổ, con chồn có hang, con người không có nơi gối đầu. Người Ki-tô hữu cần dấn thân nhiều hơn trong các lãnh vực: y tế, giáo dục, các tổ chức từ thiện, thiện nguyện… để làm chứng cho sự hiện diện của Đức Ki-tô. Giữa vô vàn những thách đố của thời đại, luôn luôn con người cần lắm những nhân chứng cho Tin Mừng Phục sinh.

“Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”(1Cr 9,16).  Lạy Chúa, xin cho công cuộc loan báo Tin mừng và Tân Phúc âm hóa luôn được mọi người đón nhận, để ngày càng có nhiều tâm hồn nhận biết Thiên Chúa, Đấng là cứu cánh và chân, thiện, mỹ cho mọi khát mong của con người. Amen.

Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc


Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

GIẢNG LỄ AN TÁNG ÔNG CỐ GIU-SE TẠ NGỌC KHÁNH
Thứ hai, ngày 10/10/2016
Kính thưa… cộng đoàn, cách riêng Sr Maria Tạ Thị Hông Ân cùng gia đình tang quyến rất kính mến!
Đành rằng sinh ký tử quý,
Đành rằng đời cũng biệt ly đâu còn
Thế nhưng mỗi lần tiễn đưa một người ra đi, sao nghe đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.
“ Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá tơ chia rủ tằm”.
Phận người sao mong manh đến nhiệm lạ, mới thấy đó, có đó rồi lặng lẽ mất nhau, trong vạn niềm đau, tưởng như không có gì sánh được. Nhất là khi người thân yêu đó là máu mủ ruột rà của mỗi chúng ta: “Cha ơi”, hai tiếng sao nghe ấm lạ, phải chăng vì công đức sinh thành, cao như núi Thái, ca dao tục ngữ VN không bao giờ thiếu, khi diễn tả công ơn cha:
“ Công cha như núi Thái Sơn”
“ Còn Cha gót đỏ như son
Một mai cha chết gót con đen sì”
Có một ca khúc viết về tình cha cũng rất cảm động như sau:
“Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương 
Ngọt ngào như giòng nước tuôn đầu nguồn 
Suốt đời vì con gian nan, 
Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi Cha già dấu yêu
Và con nhớ mãi, những lúc mưa to gió lớn, những khi túng thiếu đơn nghèo, cha một tay lo chèo lo chống, con nước Biển lạc lạnh lắm những đêm thâu. Con lớn lên qua năm tháng hao mòn, cho đến lúc Cha không còn đủ sức. Ở lại nhe con, hẹn một lần đi không trở lại. Cơn mưa chiều không dấu nỗi cô liêu.
Kính thưa Quý OBACE ! Ông cố Giuse đã sống trọn một kiếp người rất đẹp, những nét đẹp làm nên bởi những hy sinh, phục vụ, tận tình cho gia đình, cộng đoàn và Giáo hội. Một bông hoa dâng lên cho Tc là người con út Sr Maria Tạ Thị Hồng Ân.
Ông cố là con chim đầu đàn của GH Kim Thông với 179 gia đình. Tiếng chim này đã hót vang những bài ca của tinh thần Tông đồ, những việc chung của Gx, bao giờ ông cố cũng là người đi tiên phong. Sống hiền lành và phó thác, nhất là khi biết mình mang căn bệnh hiểm nghèo.
Hôm nay, tiếng con chim này đã tắt, thế nhưng âm vang nó vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người trong chúng ta.
Một chỗ ở tuyệt vời, chúng ta tin tưởng Đức Giê-su dành cho ông cố Giuse Tạ Ngọc Khánh: “ Hôm nay, con sẽ ở trên thiên đàng với Ta, Amen”.



CẦU NGUYỆN ĐỂ THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG (Lc 18, 1-8)
Chúa nhật 29 năm C
Cầu nguyện như là hơi thở. Sự sống cần hơi thở, cũng như cá cần nước. Thiếu hơi thở con người sẽ không sao tồn tại. Cầu nguyện cũng vậy, nếu thiếu nó người Ki-tô hữu sẽ chết dần chết mòn, như thân cây thiếu các dưỡng chất, sẽ không phát triển được.
Nhưng cầu nguyện thế nào? Chúa Giê-su đã dạy và đã thực hành cho các môn đệ. Khi chúng con cầu nguyện, hãy nói rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, hay khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng hết các cửa lại. Cầu nguyện là tạo kết nối online với Thiên Chúa 24/24. Không để cho đứt mạng, hay số máy bị thuê bao. Liên lỉ và cậy trông, kiên trì và tín thác. Thiên Chúa luôn phát tín hiệu, để con người đón nhận, và hiệp thông với Ngài. Cầu nguyện là tâm tình của một em bé, trong vòng tay nhân từ của bố mẹ, nó say sưa ngủ, mặc cho xung quanh, bức tranh của cuộc đời, với  biết bao điều sáng tối từng phút giây đang diễn ra. Cầu nguyện bằng khẩu nguyện, có lẻ đơn giản và dễ thực hành nhất. Dùng miệng đễ đọc kinh, để nói ra những gì mà mình muốn Chúa ban cho. Cá nhân hay cộng đồng, mỗi cá thể đều có thể chọn cho mình, những lời kinh, lời hát, và lời trong Thánh kinh, như là: “ mượn bút thay lời”, để giãi bày cùng Thiên Chúa. Cách thức mà Giáo hội dạy là cầu nguyện với cộng đoàn, có thể nói: “ Một giờ kinh chung, bằng một thùng kinh riêng”. Dùng trí nguyện để chiêm ngắm Chúa Giê-su, nhất là cuộc khổ nạn, và vinh quang của Ngài, khi tự mình từ cõi chết sống lại. Tâm nguyện tức là dùng con tim, để yêu thương Chúa Giê-su, và thương yêu những người xung quanh mình. Thánh Tô-ma Anquino chủ trương dùng lý trí để tin và yêu mến Thiên Chúa. Còn Augustino thì dạy hãy dùng tình yêu để gặp gỡ Chúa. Khi Chúa Giê-su vào nhà mình, Maria chọn cách ngồi bên chân Chúa để lắng nghe, bàn hỏi với Chúa. Còn Mát-ta thì lại lấy chính sự phục vụ của mình, làm phương thế cầu nguyện. Môi-sê đã kiên trì giang tay ra cầu nguyện cho dân. Cũng vậy, bà góa nghèo cũng không bỏ cuộc cho dù gặp phải những trở ngại. Sự tin tưởng và bền lòng trong cầu nguyện, sẽ mang lại những hệ quả tốt lành cho phần rỗi con người.
Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta nói:
          “Cầu nguyện là gìn giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an”.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết cầu nguyện không ngừng, trong mọi hoàn cảnh, hay thậm chí là những nghịch cảnh. Xin cho chúng con gặp được Chúa qua, những cử hành phụng vụ, qua các giờ kinh cộng đoàn. Và xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Mỗi ngày, con chọn một lời kinh, cùng với những hy sinh, để dâng lên cho Thiên Chúa, xin Chúa đoái nhận và dạy dỗ con từng phút giây trong đời. Amen.

Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc


Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Bài chia sẻ thứ sáu lễ hành hương lòng thương xót Chúa
Kính thưa quý OBACE !
Năm Thánh lòng thương xót Chúa sẽ được khép lại vào ngày Chúa nhật, 20/11/2016 Lễ CKT Vua. Gp chúng ta, theo sự hướng dẫn cũa ĐC sẽ cử hành ngày kết thúc vào chúa nhật 13/11/2016. Riêng GH Đức tánh chúng ta, ngày lễ kết thúc là vào CN 06/11 trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn.
Trong dịp lễ hành hương vào mỗi thứ sáu đầu tháng, và chúng ta cũng xem như đây là ngày hành hương cuối của năm thánh lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót của Chúa trải dài trong lịch sự Tạo dựng và Cứu độ. Thiên Chúa và thuộc tính của Ngài là xót thương. Muôn ngàn đời chúa vẫn trọn tình thương. Chạnh lòng thương là cụm từ chúng ta có thể gặp thấy trong kinh thánh, từ Cựu ước cho đến Tân ước. Trong bài chia sẻ hôm nay, mỗi chúng ta thử xem gần như đã gần kết thúc năm thánh lòng thương xót Chúa, chúng ta đã làm những gì cụ thể để thể hiện dung mạo thương xót của Đức Giê-su ki-tô. Người có đạo Chúa, đôi khi chỉ sống với lý thuyết, chứ chưa thực hành lời dạy của Chúa. Chúa dạy khó lắm: “ Hãy yêu kẻ thù, tha thứ 70 lần 7, vả má này đưa má kia, đoạt áo ngoài, đưa luôn áo trong, ai xin thì cho, ai mượn đừng đòi lại. Ôi Chúa ơi, làm sao con làm được. Ông Gandi ông nói chỉ ông Giê-su mới  dạy yêu kẻ thù và tha thứ chứ có ai dạy học trò như vậy đâu. Có lần đi xức dầu cho một bà già và ôm nặng, gần đất xa trời. Bà hỏi tôi chúa có tha hết tội cho con k cha, tôi nói tha hết chứ, qua ơn toàn xá và BT xức dầu, bà đã được sạch tội rồi, giờ chết là vào thiên đàng cả giày lẫn dép mà. Chúa thì tha, mà con thì không, ủa sao vậy bà, con không tha thứ được. Bà giận ai vậy, bà đưa tay chỉ về phía cửa, đó là ông chồng của bà.  Thực thi lòng thương xót của chúa khó chứ không phải dễ. Mấy bà về trong nhà, chồng vả má mình một cái, mình có giơ thêm má khác ra không, hay mình quất lại?
Chưa nói là chúng ta chớ vội kết án người Do thái thời Chúa Giê-su, vì họ giữ những tập tục có vẻ như man rợ: mắt đền mắt, răng đền răng. Mày móc mắt tao, tao móc lại mắt mày nhé. Nghĩa là báo thù, yêu thương có chọn lựa. Ai thương tôi tôi thương lại, ai ghét tôi thì tôi cũng gét lại. Thì ra chúng tôi và anh chị em coi chừng chúng ta cũng đang sống trong những luật lệ thời xa xưa rồi, thời cựu ước.
Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em trên trời là Đấng nhân lành. Nếu ae chỉ thương yêu những người thương yêu mình, thì ae đâu hơn gì những người ngoại giáo, họ cũng làm như vậy.
Lạy chúa, thực thi lòng thương xót của Chúa qua đời sống của mỗi chúng con, quả là lội ngược dòng thác. Vốn dĩ mang phận người bất tất, xin Chúa tăng thêm lòng tin, sức mạnh và nhất là trái tim của chúa, để chúng con:
“       Biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.” ( Kinh hòa bình)
Amen


BỆNH PHONG CÙI (Lc 17, 11-19)
( Chúa nhật 28 năm C)
Căn bệnh quái ác này đã làm cho chúng ta nhớ về một thi sỹ rất nổi tiếng, trong làng thi ca của Việt Nam: Hàn Mặc tử. Bệnh phong cùi đã làm cho nhà thơ điên phải trải qua rất nhiều những khổ đau, trong thân phận của con người. Bị người đời ruồng rẫy, sống cách ly, và nỗi đau lớn nhất là khi chính người yêu cũng phụ tình:
“ Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ” ( Lấy Chồng - Hàn Mặc tử)
Dưới thời xã hội Do Thái ngày xưa, người ta cho rằng bệnh tật là do tội lỗi mình gây ra, những người bị chứng phong hủi sống cách ly khỏi cộng đồng. Đi tới đâu cũng phải la lên, để người khác biết mà tránh xa. Họ chịu thiệt thòi cả về thể xác, lẫn tinh thần. Không có ai dám gần gũi và giúp đỡ họ. Khát mong được lành sạch, được sống hòa nhập với mọi người, được tôn trọng và yêu thương, có lẻ là nỗi khát khao cháy bỏng, và mạnh mẽ trào dâng trong lòng họ nhất. Vì thế, mười người phong cùi đã quyết định chạy đến với Đức Giê-su, mặc cho bao ánh mắt khinh khi, miệt thị. Vượt lên trên những số phận hẩm hiu, và đáng thương kia, là niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa. Tiếng cầu cứu trong nỗi đau hầu như tuyệt vọng kêu lên, một cách thành khẩn và thiết tha: “ Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi” (Lc 17, 13). Sự can đảm cùng với niềm phó thác, cậy trông của mười người phong hủi, đã chạm đến cõi lòng của Đức Giê-su, Đấng luôn chạnh lòng thương với những ai chạy đến với Ngài. Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế. Có thế thôi, hàm ý trong lời đề nghị này, là họ đã được nhậm lời. Bệnh phong cùi biến mất, da dẻ trở nên hồng hào như ông Na-a-man, quan lãnh binh của vua xứ Syria. Chắc chắn họ đã được lành sạch, căn bệnh quái ác từ đây không còn nữa. Họ có thể đi lại giữa mọi người, cùng với những nhịp sống tôn giáo và xã hội, không ai còn xa lánh họ nữa, vì bệnh tật đã được chữa lành. Đức Giê-su chẳng hẹp hòi gì khi ban ơn cứu chữa cho mười người phong cùi. Dẫu rằng, sau khi được Chúa ban ơn, chỉ một người duy nhất, quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen, và chúc tụng Thiên Chúa. Một người gốc dân ngoại, xứ Sa-ma-ri-a. Mang ơn Chúa thì nhiều, nhưng tạ ơn và nhớ ơn thì quả là hiếm hoi.
“ Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao?”(Lc 17, 17). Một chút trách móc khi thi ân giáng phúc, mà không được đáp đền cho cân xứng. Người Sa-ma-ri-a, sao mà dễ thương quá vậy. Chín người kia chắc do mừng quá, hoặc thấy cũng chẳng cần để trở lại. Sa-ma-ri-a, thấp thoáng đâu đây trong miền ký ức, một ngày kia ngang qua Giê-ri-cô trông thấy một nạn nhân, và đã ân cần yêu thương giúp đỡ.
Lạy chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết sống tâm tình tạ ơn mỗi phút giây, vì mỗi ngày, những giọt nắng, giọt mưa, và hàng nghìn lít khí trời, cung cấp ô-xy cho chúng con, phải chăng chính là những ơn lành, mà Chúa đã ban tặng, một cách nhưng không cho chúng con. Amen.
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc