Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

MÙA VỌNG VÀ ÂM VỌNG CỦA GIOAN TIỀN HÔ
(Mt 3,1-12)
Bước vào Mùa vọng, những chủ đề quen thuộc lại trở về với con người: Tỉnh thức, sám hối, đổi mới…để đón chờ Chúa quang lâm. Lần đến thứ nhất trong thân phận con người bé nhỏ, lần đến thứ hai trong uy linh cao cả của Đấng phán xét: “ Cây rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 1-12)
Âm vọng của sám hối
Lệnh cấp bách vì không thể trì hoãn, con người đứng trước những vấn nạn vô cùng hiện sinh, thiên tai, nạn tai và những bệnh tật, rủi may trong cuộc đời. Hằng ngày, nếu lướt qua các tin tức trên thế giới và cũng như trong mỗi quốc gia. Người ta thấy, tin buồn nhiều hơn là những tin vui. Một cơn bão lũ đổ về, một trận động đất xảy ra, một cuộc đọ súng, hay những cuộc chém giết vì những tranh giành cho miếng ăn mỗi bữa…Con người như bị vong thân. Chính vì những lẻ đó, mà cần sám hối, trở về với Thiên Chúa để được Ngài thứ tha. Chắc gì, chúng ta có thể sống thêm được một vài giây nữa. Cuộc sống và phận người mong manh như hoa đồng, cỏ nội, sớm nở chiều tàn. Sám hối không phải ngồi đó mà khóc than, hay chỉ xưng thú đôi ba tội, rồi rước lễ trong một vài thánh lễ. Cũng không chỉ ăn chay đôi ba ngày, hay làm một vài việc bác ái. Sám hối là một hành trình và cuộc đổi mới tận căn. Như ông Gia-kêu, xin bồi thường gấp bốn lần những thiệt hại mà mình đã gây ra. Hoán cải tâm hồn và cuộc đời để đón chờ ơn cứu độ, không phải hôm qua, ngày mai mà chính là hôm nay, Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài.
Âm vọng của khổ chế
Những hình ảnh sa mạc, châu chấu và mật ong. Kiểu ăn mặc, áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, như muốn muốn gởi đến cho mỗi người thông điệp: khổ chế, tiết chế đời sống xác thân. Một khi thanh thoát, và không vướng bận áo mão, cân đai, lộng vàng che ngợp, thì con người mới dễ dàng gần Thiên Chúa hơn. Họ có thể nghe được tiếng của Chúa, như Thánh Gioan Tẩy giả. Con người ngày hôm nay được thừa hưởng quá nhiều, những thành tựu của khoa học, y học. Các phương tiện hằng ngày, đều rất dễ dàng tìm thấy trong tầm tay. Sự ra đời của các máy móc, thiết bị điện toán, điện thoại thông minh, như đưa con người vào những khung trời thế giới vừa thực, vừa ảo, cũng rất gần mà rất xa. Người ta có thể thấy nhau và biết nhau dù cách nhau gần nửa vòng trái đất. Khổ chế như Gioan quả là một thử thách cho những môn đệ của Chúa Giê-su, khi trong một thế giới vật chất, hưởng thụ như chiếm hết mọi ngõ ngách của đời người.
Đấng Cứu Tinh sẽ xuất hiện
Đấng mà Gioan Tiền hô loan báo là Đấng quyền năng, theo vị Ngôn sứ loan báo là Đấng cứu thế mà muôn dân hằng đợi mong. Gioan chỉ là tiếng kêu, còn Ngài chính là Logos: Lời hằng hữu, xuất phát từ cung lòng Thiên Chúa Cha, và được Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Gioan là kẻ dọn đường và chỉ cho dân chúng thấy Đấng Cứu tinh sẽ sinh ra. Người mà thiên hạ mong đợi, nhưng Người không đến trong cung điện nguy nga, mà Người đến trong dáng dấp của những kẻ thấp hèn: một trẻ thơ bé bỏng, sinh ra giữa hang cùng ngõ tận. Gioan Tiền hô đã giới thiệu về Đức Giê-su: “ Đấng đến sau tôi, nhưng có trước tôi. Tôi không đáng xách dép cho Ngài”.
Lạy Chúa Giê-su, bao lần Chúa đến, bao lần con sống trong bản giao hưởng của Mùa vọng: tỉnh thức và cầu nguyện. Xin cho chúng con biết dệt nên cuộc đời mình bằng những nốt nhạc: sám hối -canh tân- lên đường thi hành mệnh lệnh mà Chúa đã giao phó cho mỗi người trong chúng con. Amen.

Linh mục Gia-cô-bê Tạ Chúc 
MONG CHỜ CHÚA ĐẾN
Chúa nhật II Mùa vọng, năm A (Mt 3, 1-12)
Bước vào Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa xoay quanh các đề tài: tỉnh thức, chờ đợi Chúa đến, ăn năn sám hối tội tình…Niềm tin Ki-tô giáo dạy cho mỗi người biết, Chúa đã đến trong thế gian, lần thứ nhất: trong hang đá kiếp phận người. Lần đến thứ hai là trong ngày phán xét, ngày quang lâm. Khắc khoải chờ mong Ngài ngự đến đó là tâm trạng của những người con của Chúa. Như trẻ thơ mong đợi cha mẹ mình trở về sau mỗi ngày làm việc. Con người cũng vậy, luôn ngước mắt và cậy trông ơn Cứu độ từ trời cao ban xuống.
Như lời Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng tại hoang địa miền Giu-đê-a rằng: “ Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”(Mt 3,1). Trong những năm gần đây, người ta thi nhau đoán ngày tận thế, có nhiều người còn đưa ra cả những con số chính xác về ngày giờ tháng năm. Nhưng có lẻ chẳng ai biết được ngày giờ nào. Chỉ biết vào giờ nó không ngờ, thì con người sẽ đến, như kẻ trộm, như chiếc lưới phủ xuống bất thình lình. Vì vậy, chúng ta hãy sẵn sàng, hãy đèn dầu cháy sáng trong tay, như người tôi tớ đợi chủ đi ăn cưới trở về.
Mong đợi Chúa không phải trong thái độ thụ động, khoanh tay đứng nhìn. Ngược lại, người tín hữu phải tích cực chung xây cuộc đời. Hãy bước vào miền Sa mạc, nơi linh thiêng và là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ kinh thánh, sa mạc là nơi trần trụi, nghèo hèn, và là chốn gặp gỡ Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả đã chọn sa mạc để rao giảng và làm phép rửa. Những người đến cùng Gioan đủ mọi thành phần: dân thành Giê-ru-sa-lem, dân miền ven sông Gio-đan. Thậm chí ngay cả những người chống đối Chúa, như nhóm Sa-đốc và Pha-ri-siêu. Gioan loan báo Nước trời đã gấn đến, mọi người hãy sám hối tội lỗi để thoát khỏi chốn lầm than. Chớ có ỷ lại, cậy mình là con cháu Ab-ra-ham mà tránh được cơn thịnh nộ đến từ Thiên Chúa. Chờ  đón Chúa đến làm cho con người tích cực hơn trong bổn phận hằng ngày của mình. Trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại đang bị lở loét và xuống cấp một cách trầm trọng bởi những chiến tranh, lòng hận thù, sự phá hoại, lòng tham lam, ích kỷ của con người. Tội lội đã làm hoen ố hành tinh xanh của nhân loại. Những biến đổi về môi trường khí hậu, đã ảnh hưởng không nhỏ lên cuộc sống chung của mọi người. Nhân loại cần sám hối để đón nhận ơn tha thứ đế từ Thiên Chúa, bằng không: “ Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10).
Triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời. Ước mơ về một thế giới tốt đẹp, trong đó con người có Thiên Chúa là Cha và tất cả là anh em một nhà, như là một lực của  pít-tông đẩy chúng ta lên đường hăm hở đi đón Chúa. Bởi vì, Ngài là Đấng quyến năng, từ bi và nhân hậu. Mong chờ Ngài, nguồn ơn cứu độ sung mãn cho bất cứ ai tìm kiếm, tin tưởng và mến yêu.

Lm Giacobe Tạ Chúc 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

MÙA VỌNG VÀ CÕI LÒNG
Mỗi độ thu sang đông về, cứ nghe đâu đây tiếng gọi mời của Mùa Vọng. Sắc tím trở mình trong phụng vụ nói lên một điều gì đó, như mong nhớ, hoài thương, dù đất trời không rõ nét nhưng đâu đây hơi ấm mùa đông, cũng phảng phất trong lòng mỗi sáng trở mình thức dậy. Mùa vọng với những điệu ru muôn thưở: tỉnh thức, sẵn sàng, đón chờ Đấng Cứu Thế.
Màu tím không phải điệu buồn như đồi tím hoa sim, cũng chẳng phải tím màu vụn vỡ của sắc  hoa ti-gôn. Tím của đợi chờ, tím của trung thành với Đấng đã nối kết với con người. Thế giới đang tan chảy trong những kết nối của facebook, zalo. Con người có thể khuây khỏa trong những nhớ nhung của mình, qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Chỉ cần vài ba kỹ thuật xử lý, là chúng ta có thể gần nhau, dù trong một chiều kích của thế giới ảo. Thiên Chúa Đấng vượt ngàn trùng bể khơi, đã không để mặc con người chơi vơi, bơi giữa những đại dương giới hạn khôn cùng. Ngài xé trời mà đến, để tìm gặp con người. Nhưng Thiên Chúa cũng ưa thích ẩn mình đi trong những kiểu bóng gió, để chơi một cuộc trốn tìm. Ngài muốn con người khát mong, và kiếm tìm Ngài. Bộc bạch một cách trực diện quá có thể không là cách thức của Đấng quyền năng. Dẫu sao cũng phải để con người bằng những nổ lực, gắng công, gắng sức, và nhất là trong những khoảng khắc của đợi chờ. Mùa vọng như là một sáng tác còn dang dở của Thiên Chúa. Ngài chỉ mới bắt đầu với một vài phiên khúc, phần còn lại Ngài dành để cho con người. Đến lúc kết thúc, Thiên Chúa sẽ đặt vào trong nhân loại một nốt nhạc cuối cùng, để khép lại bản tình ca của Đấng là Thiên Chúa. Con người được mời gọi để cất công lên đường tìm về với nguồn cội. Về phần mình, Thiên Chúa luôn tạo ra nhiều cơ hội, ở những góc sút khác nhau để con người có cơ may tận dụng, làm nên những bàn thắng đẹp mắt. Những cơ hội trong mỗi tuần phụng vụ, đều được các Thánh ký trình bày, cũng ở những lăng kính khác nhau. Nếu khéo léo xử lý, thì mỗi người có thể tìm được cho mình cơ hội nào phù hợp nhất. Lòng quảng đại của Thiên Chúa không chỉ trải qua mấy tuần trong Mùa vọng, nhưng là đi đến tận cùng của lịch sử cứu độ.
Chỉ vỏn vẹn trong bốn tuần ngắn ngủi, nhưng không thể phủ nhận những sắc thái của màu tím vọng lại, có những âm hưởng, khi trầm khi bỗng, khi ngân nga réo rắt như những hồi chuông trên các giáo đường. Lòng người nghe xôn xao, đâu đây những bản thánh ca mùa đông, mùa Giáng sinh lại trỗi lên nghe ấm lòng đến lạ. Ôi lại sắp đến một mùa Noel nữa rồi!

Lm Giacobe Tạ Chúc 
TỈNH THỨC VÀ SĂN SÀNG (Mt 24, 37-44)
Mùa Vọng nữa lại về với mỗi chúng ta, sắc màu phụng vụ được chuyển sang màu tím. Như những cánh hoa sim bên chiều mong mỏi đợi chờ, và mong sao tình yêu là chung thủy. Ngày nào chinh phụ ngóng bóng chinh phu, dù đã qua thời khói lửa chiến tranh, nhưng con người vẫn thấy mong manh vô tận. Tỉnh thức vẫn là lối mở cho người Ki-tô hữu bước vào Mùa Vọng. Chúa sẽ đến bất ngờ và không biết ngày giờ nào. Chỉ những ai thức tỉnh, mới có thể gặp được Chúa.
Những cái chết bất ngờ
 Thảm họa xảy ra dịp EURO 2012. CĐV người Trung Quốc Jiang Xiaoshan đêm nào cũng thức trắng để xem EURO cùng bạn bè nhưng ngày vẫn đi làm bình thường. Sau 11 đêm liền không ngủ vì EURO, xem xong trận đấu giữa Italia và CH Ireland, Jiang Xiaoshan về nhà vào lúc 5 giờ sáng. Tắm gội xong, anh ngủ thiếp đi và… không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Ngày 5/11/2011, trọng tài 42 tuổi Timoleon Castillo đang điều khiển một trận futsal tại thị trấn Cordero (Tachira, Venezuela). Chẳng hiểu trước đó Castillo đã đưa ra quyết định gây tranh cãi nào mà lúc các cầu thủ mải ăn mừng bàn thắng thì có một kẻ lao xuống sân, dí súng vào đầu ông rồi bóp cò 3 phát. Cảnh sát còn chưa kịp tóm tên sát nhân thì trọng tài Castillo đã mất mạng.
 Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông năm 2015 cả nước xảy ra 22.827 vụ, làm chết 8.727 người, bị thương 21.069 người.  Và còn nữa nhiều lắm, những cái chết bất ngờ xảy ra trong cuộc đời này, không ai có thể biết trước và đoán trước sinh mạng của mình, ngoài trừ một mình Thiên Chúa.
Anh em hãy tỉnh thức
Ngày quang lâm của Chúa xảy ra bất ngờ, khi con người mải mê lo tìm kiếm: danh vọng, của cải, lạc thú trần gian thì Chúa đến. Bất thình lình như một chiếc lưới chụp xuống, như kẻ trộm đến nhà vào ngày giờ chủ không ngờ đến. Tỉnh thức như các cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể, chẳng những mang theo đèn mà còn đổ đầy dầu vào các bình, để thắp sáng mỗi khi chàng rể đến. Vì họ không biết giờ, ngày nào chàng rể sẽ đến. Thái độ thụ động và chủ quan sẽ làm cho chúng ta không kịp trở tay, khi Chúa đến, như con tàu Nô-ê, trong lúc mọi ngươi đang vui hưởng  lợi lộc, bỗng lộc trên trần gian thì nạn hồng thủy ập đến, cuốn trôi tất cả. Tỉnh thức để biện phân và nhận ra những dấu chỉ của Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, để thoát khỏi vòng kềm kẹp của: danh, lợi, thú. Tỉnh thức cũng có nghĩa là cậy dựa vào tình thương, và ơn trợ giúp của Chúa, sám hối và quay về với Ngài, trong phút giây thường ngày: “ Hãy cố gắng, dù yếu đuối sa ngã, con hãy xin Chúa tha thứ và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sỹ cũng lắm lần ngã quỵ, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đạt giải vô địch quốc gia” ( Đường hy vọng số 971).
Sẵn sàng cho một cuộc hoán cải
Hành trình theo Chúa là con đường hẹp, con đường dẫn đến ơn cứu độ. Chúa đến trong trần gian là để Mạc khải mầu nhiệm Nước trời. Ngài chỉ cho con người con đường dẫn đến sự thật tuyệt hảo. Mong chờ Chúa đến không dừng lại ở thái độ bên ngoài, mà còn phải canh tân tận bên trong. Tỉnh thức thôi chưa đủ, cần phải hoán cải và thực hiện một cuộc thay đổi tận căn. Con người tự sức mình không thể chiến đấu nổi với ba thù: ma quỷ, xác thịt và thế gian. Nhưng một khi mặc lấy áo giáp là Chúa Ki-tô, với những ân sủng: Lời Chúa, Thánh Thể, các bí tích, thì có thể đứng vững, và ngẩng cao đầu để đón chờ ngày Chúa quang lâm.
Mùa Vọng kêu mời tất cả những ai tin vào Đấng Cứu Thế, hãy sẵn sàng, tỉnh thức và làm những việc lành phúc đức. Ngày giờ nào Chúa đến, không ai biết được. Mỗi người luôn ý thức về vai trò và trách nhiệm của những con cái Chúa, là chu tất mọi bổn phận, và bậc sống mình, sao cho xứng với tước hiệu là con cái Chúa Giê-su Ki-tô.

Lm Giacobe Tạ Chúc 

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Thầy tôi ( viết kính tặng các thầy cô giáo)
Ký ức như một cuốn phim đã củ, dòng thời gian trôi nhanh cũng làm cho trí nhớ của mỗi con người, như bị nhạt nhòe bởi tuổi tác, cuộc sống, và những lãng quên. Ấy thế, mà có những khi trong những chiều mùa thu, bất chợt ngang qua sân trường, thấy thấp thoáng những tà áo trắng tinh khôi tuổi học trò. Và rồi nghe lại một ca khúc rất hay của nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy, viết về người thầy. Bỗng đâu,  miền ký ức như thức dậy, hình ảnh người thầy năm xưa, nay như ẩn như hiện trong tôi, một quãng đời với những kỷ niệm, mà không thể nào quên được.
 Người thầy thuở ấy với bao vất vả, nhọc nhằn và đầy ắp những ngược xuôi, bôn ba trong dòng đời. Đúng như những ca từ mà nhạc sỹ Nhất Huy đã viết:
Người thầy vẫn lặng lẽ đi về chốn xưa
Từng ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy 
Để em đến bến bờ ước mơ
Giờ năm tháng sông dài gió mưa 
Cành hoa trắng vẫn lung linh trong hồn xưa
Mỗi ngày trên những chiếc xe đạp cọc kệch, thầy dãi nắng, dầm mưa, vẫn đều đặn đứng lớp, vì đàn em thương yêu. Trong những khoảng thời khắc hết sức là khó khăn, khi ngành “ gõ đầu trẻ”, lúc bấy giờ chưa được coi trọng. Thầy tôi vẫn miệt mài với những “ bụi phấn rơi rơi”, những trang giáo án bên ngọn đèn dầu có khi còn phảng phất của mùi khói.
Mỗi sớm mai, bên ánh nắng chiếu rọi qua ngàn cây kẻ lá. Giọng thầy ấm áp như lời ru của mẹ, dắt dìu lũ trẻ chúng tôi, qua các phương trình toán học. Chúng tôi mơ màng theo năm tháng của tuổi học trò. Thầy như người đưa đò dẫn dắt chúng tôi. Cứ thế từng chuyến đò, và từng lớp lớp người sang sông trên con đò năm xưa. Chỉ người đưa đò lặng lẽ ở lại, mắt buồn dõi theo, cho đến khi con đò mục nát dưới dòng sông.
Chúng tôi trở lại trường khi mỗi đứa đều đã ngả màu tóc hoa râm. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, có khi phải ú ớ đôi ba lần mới gọi được tên nhau. Thầy tôi không còn nữa, cơn bệnh đã mang thầy ra khỏi cuộc đời này. Chúng tôi lặng lẽ thắp lên những nén hương lòng, để mãi tưởng nhớ về một người thầy đã cầm tay dẫn chúng tôi vững bước đi vào cuộc đời. Cám ơn thầy, mãi mãi khắc ghi công ơn thầy.

Lm Giacobe Tạ Chúc

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ (Lc 23, 35-43)


Cuộc chạy đua vào nhà Trắng đã đến hồi khép lại. Ông Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa đã đánh bại đối thủ của mình là bà Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ.  Tổng thống thứ 45 của Hoa kỳ, một con người có thể nói đầy quyền uy, và mọi đường lối, lãnh đạo có tầm ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Mỹ, mà còn trên toàn thế giới. Người ta biết nhiều đến vị tân tổng thống của Hoa kỳ, qua các phương tiện truyền thông. Nếu không còn gì trở ngại, thì ngày nhận chức chắc là linh đình và nguy nga, hoành tráng và trang trọng biết là dường nào. Chẳng khác nào một vị vua chúa trong các cung điện hoàng gia. Trong chúa nhật cuối của năm phụng vụ, chúng ta được Giáo hội giới thiệu cho toàn thể nhân loại chân dung của một vị Vua, người ta gọi Ngài là: VUA GIÊ-SU.

Khác hẳn với những ông hoàng trần thế. Vị vua này không giống ai cả. Vua không có nơi gối đầu, không vương quốc, lãnh thổ, quân đội. Không đấu tranh, bạo động, không tranh giành quyền lực, chỉ sống và yêu như chính cuộc đời của Ngài. Chịu đóng đinh trên Thập Giá, giữa những người gian phi, tấm bảng trên đầu Ngài khẳng định đây là Vua dân Do thái. Vị vua đã đến trần gian và chịu nộp mình vì tội lỗi của con người. Vua Giê-su đã trở nên người phục vụ, và yêu nhân loại cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài đã bỏ cung điện là trời cao, để đến với đất thấp là con người. Chuyến vi hành vỏn vẹn có hơn 30 năm, kể từ lúc sinh ra, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn, trong dòng chảy của ơn cứu độ. Làm vua mà không có ngai vàng, đến nỗi các vị vua Hê-rô-đê, Phi-la-tô hết sức ngỡ ngàng khi đối diện với Chúa Giê-su. “Ông là Vua sao”. Vua mà để cho người ta đến bắt và đem đi hành hình, rồi đóng đinh vào cây gỗ giá. Chẳng ai có thể hiểu được, vương quốc của Ngài ở đâu, thần dân của Ngài ở đâu. Người ta lạnh lùng với hình ảnh một Đức Vua đang quặn mình tắt thở trên cây Thánh Giá. Họ đâu biết rằng, Đấng bị treo trên cao là Vua vũ trụ, Vua đất trời. Nước Ngài không thuộc về thế gian, vì thế gian sẽ qua đi. Còn vương của Chúa Giê-su mới trường tồn vĩnh cửu. Người trộm lành không biết xuất phát từ đâu, khi anh nhận ra nơi Đức Giê-su, là Đấng cứu độ: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Đức Giê-su đã chập nhận ngay đều thỉnh cầu của kẻ cùng chung số phận với mình. Kẻ trên Thánh Giá, và người ở bên dưới, hận thù sục sôi khi con người ra tay giết chết Đấng đã rất mực yêu thương mình. Thay vì trả thù cho những đối xử độc ác của con người, thì Chúa Giê-su đã xin Chúa Cha tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình.

Trong thư gởi tín hữu Philipphê, thánh Phao-lô đã viết rằng: “Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang” (Pl 2, 6-11).

Lạy Chúa Giê-su Vua muôn loài, xin Ngài ngự đến trong cõi lòng mỗi chúng con, để chúng con thuộc về Ngài và là thần dân của Ngài trong nước vinh hiển hằng sống. Amen.

Lm Giacobe Tạ Chúc 



Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

BÀI ĐỌC LỄ THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Bài đọc 1: Kn 3, 1-9     Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Bài đọc 2: 1 Cr 1, 17-25 Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được  là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.
Phúc Âm: Mt 10, 17-22
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.


Suy-niệm:   CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU
Thánh lễ hôm nay đỏ một mầu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 118 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.
Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.
Tình yêu Thiên Chúa.
Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.
Tình yêu của các ngài là tình yêu hy sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.
Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki – tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).
Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Tình yêu cuộc sống.
Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng.
Tình yêu nhân loại.
Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình.
Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).
Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo.
Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin chúc lành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Amen
(ĐTGM:Ngô Quang Kiệt).


Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

MUÔN NGÀN ĐỜI CHÚA VẪN TRỌN TÌNH THƯƠNG (Tv 136,2)
Năm Thánh lòng thương xót Chúa gần như khép lại, các cánh cửa có ý nghĩa biểu tượng được mở ra, nay dần đóng lại. Tại các Giáo hội địa phương, dưới sự hướng dẫn của các vị chủ chăn, với những ngày giờ, cách thức, cũng sẽ có những thánh lễ tạ ơn và kết thúc cho một thời gian sống Năm hồng ân của Chúa. Năm thánh lòng xót thương của Chúa được đóng lại, nhưng lòng nhân từ, đại lượng vô biên của Thiên Chúa thì không khép lại bao giờ, vì:
 Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2 Hãy tạ ơn Thần các thần,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
3 Hãy tạ ơn Chúa các chúa,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
Tình thương Chúa trải dài qua bao thế hệ, làm sao con người có thể dùng những ngôn từ, hình ảnh, cách thức vô cùng giới hạn của mình để có thể diễn tả hết được tình thương của Thiên Chúa. Tình thương Chúa đời đời con ca tụng (Tv 89), con chúc tụng và ngợi ca tình thương của Chúa mãi muôn đời, cho đến hơi thở sau cùng, chúng ta vẫn mãi khám phá tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa. Cụ thể trong Đức Giê-su Ki-tô, hiện thân của lòng Chúa xót thương. Như Thánh Gioan Tông đồ đã viết: “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Trong thư gởi tín hữu Ê-phê-sô Thánh Phao-lô cũng khẳng định: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”(Ep 2,4). Giàu lòng xót thương là thuộc tính của Thiên Chúa, nơi Ngài phát xuất tình yêu thương, và tình yêu thương trở thành những hành động cụ thể, qua việc Ngôi Hai Nhập thể để cứu nhân loại. Lich sử cứu độ cho dù được viết với những bất trung, phản bội của con người, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với giao ước, mà Ngài đã ký kết với dân mình. Dân tộc Chúa chọn làm sản nghiệp, và cũng để bày tỏ lòng nhân từ, cảm thông, tha thứ và mãi mãi yêu thương, những kẻ thuộc về mình. Một tình yêu cho đến nỗi đã xé rách cuộc đời của mình, để vá vào nhân loại, mảnh vải mới của tình yêu tự hủy ra không. Thiên Chúa yêu con người đang khi họ còn là những tội nhân. Ngài đi tìm họ như tìm con chiên lạc, đồng bạc bị mất, một đứa con hoang đàng…
Khép lại Năm Thánh không phải là một điểm dừng, mà là một khởi đầu mới cho người tín hữu, đã sống trọn vẹn những ơn thiêng của Chúa mỗi ngày.  Đã có những thực hành, và cũng có những chia sẻ, những bước chân tìm về những nơi hành hương được chỉ định. Tất cả như những cánh cửa mở ra, để vươn tới với những anh chị em đang sống xung quanh mình. Dung mạo lòng thương xót Chúa, chính là Giáo hội, trong mọi tín hữu trên khắp cùng bờ cõi trái đất này.

Lm Giacobe Tạ Chúc

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

MÙA THU LÁ BAY
Xuân, hạ, thu, đông vần xoay bốn mùa của trời đất. Tiếc rằng ở Việt Nam, những thay đổi của thời tiết đôi khi không rõ nét, làm cho chúng ta khó nhận ra những nét đặc trưng của đất trời. Tháng mười một đang nằm trong mùa thu. Mùa của những chiếc lá vàng rụng rơi bên thềm, của con nai vang ngơ ngác trong tiếng thu thổn thức của Lưu Trọng Lư:
“Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.”
Vâng đời người cũng như những chiếc lá cuối thu, rụng rơi bên thềm. Nơi ba tấc đất mới được gọi là nhà, bởi cuộc sống cỏi đời này thật chóng qua:
 Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”(Tv 90,10)
Những ngày của tháng 11, từ các nghĩa trang của người công giáo, nghi ngút khói hương, các thánh lễ được cử hành như lời nguyện cầu da diết, dâng lên trước tôn nhan Đấng có quyền năng, để ban sự sống đời đời, cho những anh chị em đã ly trần.  Con người sao manh manh đến lạ, chẳng khác nào những chiếc lá úa phai theo thời gian. Nghĩ mà thấy ray rứt đến tận cõi lòng, trong những ngày mưa bão, con số những người mất tích cứ tăng lên dần.  Chết trong nước lũ, chết trong hỏa hoạn ở các quán Karaoke, như làm cho thân phận con người gắn liền với hai chữ: hư vô. “Sinh ký tử quy”, một định luật từ thưở nào, con người sinh ra trong đời rồi lại từ giã cõi đời. Nếu không tin vào sự sống lại trong Đức Ki-tô, thì thật cuộc sống trần gian này chẳng còn ý nghĩa gì. Vì thế, Giáo hội luôn kêu mời mọi Ki-tô hữu nhớ đến những người đã chết, qua việc đọc kinh, đi lễ, viếng nghĩa trang, để tưởng nhớ đến các linh hồn. Giáo hội đang trong thời gian thanh luyện, cần được nhớ đến, nhờ Giáo hội lữ thứ với những nghĩa tình cao đẹp, sẽ mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng, cho những linh hồn người đã khuất.
Những chiếc lá vàng rụng rơi, trên những lối đi về, như mang theo cái tàn úa của mùa thu. Mùa man mác giọt buồn không tên. Phận lữ hành bất tất, mong sao giữa nhịp phách của thời gian khỏa vào trong những miền u khuất của kiếp người, sự sống bất diệt từ Đấng Phục sinh. Như thế thu không còn là thu chết, mà mùa thu là khoảng lặng hữu ích cho tâm hồn của mỗi người, để đón nhận ơn tái sinh, và để gặp Đấng là cửa dẫn vào miền ơn cứu độ.
Lm Giacobe Tạ Chúc







Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

VIẾNG NGHĨA TRANG LINH MỤC
Hằng năm, tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn. Tại nghĩa trang linh mục, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, hoặc cha Tổng Đại Diện sẽ chủ sự thánh lễ cầu cho các linh mục trong Giáo phận đã qua đời.
Tôi đến sớm hơn nữa giờ, và tản bộ ra nghĩa trang, theo con đường rất đẹp của Giáo xứ Vinh an. Nhìn những hàng cây bạch đàn đứng im lìm giữa những nấm mộ xinh xắn, bé nhỏ nằm kề nhau. Tôi rảo qua một lượt và chậm rãi đọc từng tên một. Mỗi cái tên, mỗi cuộc đời người Mục tử như hiện ra đó đây, rất gần như buổi sớm bình minh vừa thức dậy. Ký ức nhạt nhòa theo năm tháng, thời gian như một mệnh đề vô nghĩa: có có không không. Có những vị tôi đã gặp, đã sống và đã có lần được may mắn cộng tác trong những dịp thực tập mục vụ ở các xứ đạo. Nhưng cũng có những vị chưa từng gặp gỡ bao giờ. Chỉ biết qua từng cái tên hay nghe đâu đó qua những lớp cha anh đi trước kể lại. Nhưng cho dù thế nào, thì cũng không khỏi ngậm ngùi nhớ thương đến những anh em Tông đồ, mà đã một thời phục vụ trên mảnh đất thân yêu của Giáo phận nhà.
Trông người mà nghĩ đến ta, sống và chết nghĩa từ rất đơn gỉan trong cõi đời. Nhưng nó chứa đựng cả một triết lý rất phong phú. Không ai phủ nhận sự chết và cũng chẳng mấy ai không muốn được sinh ra, có mặt trên cõi đời này. Dù nó vô thường và ẩn  chứa cả một bể khổ. Sống chết như hai anh em sinh đôi, hai cá thể mà không thể tách biệt nhau được. Có sinh, ắt có tử chí lý vô cùng. Người xưa thường nói: “ Rắn già, rắn lột da, ta già ta tột vô xăng (quan tài)”, thật thấm thía biết bao. Con người dù uyên bác, học rộng hiểu sâu, hay là những người nông dân chất phác, quê mùa. Sống mỗi người mỗi hoàn cảnh, địa vị, giàu nghèo hay sang hèn. Nhưng khi chết đi, đều giống nhau, nằm yên trong mộ, nằm kề bên nhau. Không tranh chấp, chẳng lợi danh, cũng không tranh giành quyền lợi hay địa vị như lúc còn sống. Lúc sinh thời, các Ngài đã vắt cạn kiệt sức lực của mình để phục vụ đoàn chiên mà Chúa giao phó. Lúc chết rồi mấy ai nhớ tới các Ngài. Có chăng là những lúc lỡ bước qua đường, đến thắp vội vàng nén hương lòng dâng trao. Cám ơn Giáo hội khi dành riêng tháng 11, để cầu ngyện cho các tín hữu đã ra đi. Nhờ đó mà trên các ngôi mộ của các Ngài. Khói hương trầm quyện trong hương hoa tỏa lan lên trước tòa Thiên Chúa.
Tôi thầm mong Thiên Chúa, trên đỉnh cao của lòng xót thương đoái đến những người con đặc biệt của Ngài. Vì dẫu bất toàn và tội lỗi, các Ngài đã đáp lời mời gọi của Thiên Chúa mà đi theo làm Tông đồ của Đức Giê-su. Nắng đã lên cao, một thoáng của làn gió nhẹ cũng bay vào. Đâu đây xôn xao trong tận đáy lòng lời kinh cầu da diết: “ Lạy Chúa xin cho các linh hồn anh em linh mục được nghỉ yên muôn đời”.

Lm Giacobe Tạ Chúc 
TIN SỰ SỐNG LẠI (Lc 20,27-38)
Mỗi một tôn giáo đều có những quan niệm về cuộc sống sau khi chết. Vì suy cho cùng, nếu lý giải chết là hết xem ra không ổn chút nào. Con người “linh ư vạn vật”, “thác là thể phách hồn còn tinh anh”. Phật Gíao có Niết bàn, Hồi Giáo có miền thiên đàng cực lạc. Ki-tô Giáo đó là cuộc sống hạnh phúc trong Nước Trời. Dưới rất nhiều nhãn quan, người ta không thể chối bỏ một cuộc sống sau khi đã chết. Nếu vậy ý nghĩa của đời người thật phi lý, thật buồn nôn, như nhận định của triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre.
Những người Sa-đốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Theo quan niệm của ông Pla-ton thì thân xác con người là ngục tù giam hãm linh hồn. Con người từ thượng giới đã bị vong thân, nên giải thoát là ra khọi ngục tù thân xác. Vì vậy, khi nghe Đức Giê-su nói về sự sống lại thì họ không thể chấp nhận. Đã mong cứu cánh đời mình là ra khỏi nó để bay vào thế giới ý tưởng, hay là thượng giới. Thật không thể hiểu nổi khi phải sống lại trong thân xác, mà trường phái Pla-ton rất xem thường. Để biện hộ cho lập trường của mình, những người Sa-đốc bèn đưa ra một câu chuyện phù hợp với luật Mô-sê dạy, nhưng rất khó xảy ra không đời sống thường ngày, nếu không dám nói là nó không có thật. Một phụ nữ kết hôn trong một gia đình với bảy anh em trai. Vì theo luật, khi người anh chết đi mà người vợ chưa có con, thì buộc người em kế tiếp sẽ cưới chị dâu đó làm vợ mình. Bảy anh em cùng chung một số phận, đều là chồng của người vợ này và hết thảy đều chết. Vấn nạn trở nên vô cùng éo le, khi vào ngày sống lại, làm sao để giải quyết các trường hợp này. Đức Giê-su chẳng đưa ra một phán quyết hay lời giải thích nào. Ngài chỉ khẳng định: “ Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau, và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 34-35). Như vậy, Đức Giê-su qua lời giải đáp đã bật mí cho con người biết sự khác nhau giữa đời này và đời sau. Vì Thiên Chúa là Chúa của những kẻ sống, chứ đâu phải của những người đã chết.
Trong những tuần gần hết năm phụng vụ, các bài đọc lời Chúa như được trưng bày qua lăng kính cánh chung. Cuộc sống sau này và số phận mỗi người, sẽ được định đoạt tùy theo những việc mình làm. Thiện ác sẽ được giải quyết một cách dứt khoát. Và Thiên Chúa của tổ phụ Aqp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ac, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Ngài cũng chính là Chúa của mọi con người trên khắp cõi trần gian. Nguyện xin Ngài đưa dẫn tất cả anh chị em vào cõi sống, phúc vinh muôn đời. Amen.

Lm Giacobe Tạ Chúc