Lễ các linh hồn
Chập chờn trong vô vàn ánh lửa lung
linh của những cây nến trên các ngôi mộ. Hòa trong những sợi khói tan theo làn
hơi sương của đêm nhẹ giăng màn. Từng lời kinh tha thiết vang lên. Tháng 11,
như điểm hẹn để nối kết giữa những người còn sống, với những người đã sang cõi
bên kia.
Lời kinh cầu ngân vang: “Lạy Chúa,
xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời”, nghe ra tha thiết và đầy ý nghĩa.
Cõi nhân sinh vô thường. Phận người đầy bất tất. Khả năng con người giới hạn đến
thế là cùng. Sự chết như một nghịch lý dần vào vô tận, “Sinh, lão, bệnh, tử”,
quắt quay đến chóng mặt. Con người sống để làm gì? Chết đi về đâu? Vẫn như một
bài toán học búa mà không dễ tìm ra đáp án. Đức Giê-su đã đến trong trần gian,
Ngài đã đi vào trong thẳm sâu của phận người. Ngài đã chết và đã chiến thắng sự
chết. Sự Phục sinh của Đức Ki-tô là niềm hy vọng cho mọi tín hữu. Sự chết không
phải là một dấu chấm hết. Nó chỉ là điểm dừng và cũng để chuyển tiếp sang một
hành trình mới, phong phú và huyền linh. Người tín hữa không thất vọng khi cái
chết gây nên sự chia ly trong một chuyến đi dài nhất của đời người. “Xa mặt
cách lòng” có thể xảy ra trong triết lý đời thường, nó không thể có khi sống,
chết là hai lằn ranh rất gần. Cũng như
hai tam giác bằng nhau, chúng có thể trùng khít lên nhau. Truyền thống của Giáo
hội từ rất sớm đã cầu nguyện, xin lễ cho các linh hồn những người đã qua đời. Không
gì đẹp và cao quý hơn khi “người chết nối linh thiêng vào đời”, và mọi người sống-chết
cùng hiệp thông trong lời kinh cầu dâng lên cho Thiên Chúa.
Thánh lễ đặc biệt trong những ngày đầu
tháng mười một: kính các đẳng linh hồn, như một nhắc nhở: “Uống nước nhớ nguồn”,
“Ăn quả nhớ người trồng cây”, để kính dâng cho các hương hồn. Các Ngài mãi mãi
rời xa chúng ta về mặt thể lý. Thế nhưng trong Mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội,
thì các Ngài luôn gần gũi mỗi người trong thế gian. Sẽ là những món quà vô giá
mỗi khi chúng ta hy sinh, chay tịnh và cầu nguyện cho những người thân yêu đã
đi vào cõi vĩnh hằng.
Lm Giacobe Tạ Chúc