Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Suy niem

TÍCH TRỮ CỦA CẢI  (Lc 12,13-21)

Trong thời gian gần đây, báo chí hay đưa tin những doanh nghiệp làm ăn thành công cũng như  thất bại. Thậm chí có những tên tuổi của những người trong giới văn nghệ sỹ, rất được công chúng hâm mộ, nhưng rồi khi hay tin doanh nhân này, ca sỹ nọ, người mẫu kia làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất…Rồi cũng rất nhiều những ông to bà lớn mà tài sản của họ rất kếch sù, không phải là những con số nhỏ mà là lên đến một vài tỷ mỹ kim. Xem ra của cải vật chất như là thước đo của khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Người giàu ngày càng muốn giàu hơn, trong khi kẻ nghèo cũng cật lực để làm cho mình có của cải tiêu dùng. Ai cũng muốn đầu tư tích trữ, như nhà phú hộ mà Tin mừng Luca giới thiệu,ông không biết để đâu, hay làm gì nữa, vì ông ta có quá nhiều của cải.

Trước hết, dùng của cải vật chất như là những phương tiện

Khi sáng tạo nên con người, Thiên Chúa đã đặt để Adam canh gác vười Ê-den, Ngài cho con người tự do canh tác, làm lụng vất vả để có lương thực nuôi sống bản thân. Con người là chủ tế vạn vật, và cũng là những quản lý vườn nho cho Chúa. Đức Giê-sa cũng dạy các môn đệ làm việc và Ngài cũng là người tích cựa làm việc từ sáng sớm cho đến lúc hoàng hôn. Vật chất, tiền bạc tự nó không xấu, vì đó là điều kiện tối cần cho nhu cầu của con người. Tiền bạc là phương tiện, nó giúp mỗi người đạt đến cứu cánh là ơn cứu độ. Giáo hội cũng luôn khuyến khích con cái mình hãy ra sức làm việc, để cải thiện đời sống, để thoát khỏi cảnh nghèo nàn, và cũng là để có cơ hội chia sẻ và hoạt động cho công cuộc truyền giáo, bác ái xã hội của toàn thế giới.

Thứ hai, của cải vật chất là ân huệ của Chúa thương ban

Khi Ngài rộng mở tay ban,
Là bao sinh vật, thoả thuê muôn vàn.(Tv 144, 16).

Lời Thánh vịnh nhắc nhở mỗi người hiểu rằng, tất cả những gì mình đang có, hay đang sở hữu là do hồng ân của Thiên Chúa thương ban,  như Chúa Giê-su khẳng định: “Không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì”. Thật vậy : “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”(Tv 126(127). Không phải tôi tài giỏi cho bằng Đấng đã dựng nên tôi, đã cho tôi trí khôn, sức khoẻ và có điều kiện, cũng như cộng vào đó là một chút may mắn, gặp thời vận. Nên tôi thành công, tôi có nhiều của cải, nhưng cũng nên nhớ một điều mà chính người Phú hộ đã ldạy cho chúng ta một bài học, đang khi ông mải mê tính toán, xây thêm nhiều kho lẫm thì: “ Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”(Lc 12, 20).

Sau cùng, hãy làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Nhiều lần, Chúa Giê-su đã dạy dỗ mỗi người: “ Chúng con đừng lo lắng, áy náy…”, hãy kiếm tìm những giá trị vĩnh cửu hơn là những thứ chóng qua ở đời này. Người môn đệ của Chúa, luôn tìm kiếm những cúu cánh vững bền, đó là hạnh phúc thiên đàng, chứ không phải ảo ảnh trần gian. Mặc dù đang khi hoàn tất số mạng lữ  hành trần gian, họ vẫn phải chu tất mọi trách nhiệm, sự liên đới đầy nhân văn trong thế giới hiện đại hôm nay. Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người không thể tách rời ra khỏi cuộc sống của các Ki-tô hữu. Thế nhưng, những tín hữu vẫn luôn ý thức thức rằng: “ Chúng con sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian”.

Những bất thuận bất hoà, những tranh chấp, bất công, đàn áp như là những trì trệ, nó làm cho con người không thể vươn lên để xây dựng một cuộc sống văn minh tình thương. Trong khi đó, biết chia sẻ áo cơm cho những người đói khát, biết cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau sẽ thăng tiến con người và đưa họ đến gần Thiên Chúa hơn.


Lm Giacobe Tạ Chúc 

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Phung vu

Xông hương trong Thánh lễ
Lm. Giuse Thiện Tĩnh4/14/2013
XÔNG HƯƠNG TRONG THÁNH LỄ

Hương trong Kinh Thánh, ý nghĩa thần học, lịch sử và nghi thức.

Một số bạn trẻ hỏi: xông hương khi nào và xông như thế nào trong thánh lễ? Khi cử hành thánh lễ ở nhiều nơi, vị chủ tế hay thừa tác viên giúp lễ đã thực hiện nghi lễ xông hương khác nhau. Điều đó đã gây ra nhiều thắc mắc cho những người trẻ, thậm chí cho cả các tu sĩ, chủng sinh và linh mục. Sách Lễ Roma được Đức Thánh Cha Gioan Paolo II chấp thuận những điểm tu chính và chuẩn nhận ấn bản mẫu năm 2002, tái bản lần III tính từ sau Công Đồng Chung Vaticano II. Trong sách đó số 276 và số 277 thuộc Quy Chế Tổng Quát qui định nghi thức xông hương trong thánh lễ. Bài viết này dựa vào 2 số nói trên, mong giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn trẻ về nghi thức này. Vậy trước khi muốn biết xông hương khi nào và xông hương như thế nào trong thánh lễ cũng nên biết hương được nói đến trong Kinh Thánh, ý nghĩa thần học và vài nét lịch sử của nó trong phụng vụ.

Hương được nói đến trong Kinh Thánh

Thời cựu ước, Giavê Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê xây một bàn thờ đặc biệt dành riêng để dâng hương thờ phượng Ngài. Sách Xuất Hành chương 30 ghi lại rằng:

"Ngươi sẽ làm một bàn thờ để đốt hương; ngươi sẽ làm bằng gỗ keo. Hương án đó sẽ dài nửa thước, rộng nửa thước - nghĩa là hình vuông - và cao một thước; các góc hình sừng làm thành một khối với hương án… Trên đó, A-ha-ron sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc A-ha-ron thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan Ðức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30, 1-2, 7-8).

Hương được đặt trên lễ vật toàn thiêu tại bàn thờ như là việc dâng hy lễ tưởng niệm. “hương thơm êm dịu dâng lên Chúa” (x. Lv 2). Sau này, trong đền thờ Giêrusalem, vào ngày lễ xá tội vị thượng tế vén tấm màn ngăn đi vào nơi cực thánh để đốt cháy 2 nắm hương bột có mùi thơm. Lúc bấy giờ khói hương dày đặc và hương thơm tỏa khắp nơi cực thánh, trong đó có đặt hòm bia giao ước (x. Lv 16, 12-13). Tại Israel, người ta xông hương cho những người, những đồ vật và những nơi dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa duy nhất. Tất cả họ tham gia vào việc thờ phượng Thiên Chúa, họ được mời gọi loan truyền hương thơm tinh thần êm dịu: “các ngươi hãy nghe, các con trai thánh … các ngươi hãy tỏa như hương trầm thơm tho tốt lành” (Hc 39,13-14).

Xông hương buộc thực hiện trong tôn giáo của người Israele nhưng các ý nghĩa biểu tượng thì xuất hiện muộn hơn, kể cả trong phụng vụ Kitô giáo, trước hết là trong giáo hội Đông phương.

Trong tin mừng Matthêu, đã miêu tả lòng sùng kính đối với Chúa Giêsu Hài Đồng của các đạo sĩ, người ta gọi họ là 3 vua. Họ đến từ vùng đất Đông Phương xa xôi để gặp vua dân Do Thái. Họ dâng cho Ngài những thứ quý giá đựng trong hộp, là: vàng, mộc dược và nhũ hương (x. Mt 2, 11).

Thánh Phaolô huấn dụ tín hữu Kitô rằng: "Tôi nài van anh em, trong tình thương của Thiên chúa: hãy hiến dâng toàn thân và đời sống anh em như hy lễ thánh thiện, thơm tho lên cùng Thiên chúa" (Roma 12, 1). Theo thánh Paolo, tất cả các tín hữu, với chứng tá đức tin của mình họ làm lan tỏa trên thế giới hương thơm của Đức Kitô và dâng lên Chúa Cha “trong hiến lễ thơm tho diệu vợi” (x. 2 Cor 2,14-16; Ef 5,2).

Ý nghĩa thần học

Thánh Vịnh 142 câu 2 nói việc xông hương là dấu chỉ diễn đạt sự cung kính và như lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa.

“Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan,

và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141, 2).

Con người nối kết với Thiên Chúa và thờ phượng Đấng Tối Cao qua các lễ nghi. Các lễ nghi đó được diễn đạt và thể hiện qua các biểu tượng, những dấu hiệu, những cử chỉ vật lý trong lãnh vực của con người. Việc thờ phượng Thiên Chúa được diễn đạt không chỉ trong tâm hồn nhưng cả ngoài thể xác. Mùi thơm êm dịu của trầm hương, chắp tay, cúi đầu... chúng làm cho người ta cảm nhận và dễ dàng đi vào bầu khí của mầu nhiệm thánh đang cử hành.

Lý thuyết của việc xông hương có một dấu hiệu đặc thù hy tế như của lễ toàn thiêu. Đốt hương, xông hương giống như việc đốt cháy một vật quý giá với ý hướng dâng hiến nó cho Thiên Chúa. Khói hương trầm thơm bay lên gợi lại không gian đền thờ Giêrusalem nơi người ta thờ phượng Giavê Thiên Chúa, với Ngài người ta dâng tế vật toàn thiêu cùng với hương thơm êm ái. Ý nghĩa này hiển nhiên vẫn còn đầy đủ nội dung trong nghi thức dâng hiến lễ vật và xông hương trong thánh lễ.

Vài nét lịch sử về việc dùng hương trong phụng vụ

Tại dân ngoại, hương được đốt cháy trước những tượng ảnh của các vị thần hay trước hoàng đế để nhìn nhận và tôn kính họ. Trong những thế kỷ đầu của kitô giáo, đông đảo các tín hữu bị tử đạo vì đã từ chối thực hiện những cử chỉ sùng bái hoặc xông hương cho hoàng đế hay ngẫu tượng. Những sức mạnh lôi cuốn không hay từ những cuộc bách hại đạo hay những cuộc bắt bớ các tín hữu đi lưu đày, để phân biệt giữa kitô giáo và dân ngoại, việc dùng hương trong phụng vụ bị bãi bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên việc dùng hương được phục hồi sau khi hoàng đế Constantino ra chỉ dụ Milano năm 313 công nhận đạo kitô hợp pháp, chấm dứt các cuộc thảm sát các kitô hữu trong toàn đế quốc và bắt đầu sự suy tàn của dân ngoại. Tại Roma người ta không dùng bình hương, đỉnh hương hay cây hương như ở đông phương mà sử dụng một ít hương trong một cái hộp thích hợp để tỏa mùi thơm.

Thế kỷ thứ tư (thời kỳ vàng của phụng vụ), những cuộc hành hương Egeria nổi tiếng đến viếng Mộ Thánh tại Giêrusalem, đã mô tả sự phát triển của phụng vụ. Mỗi khi cộng đoàn “hát 3 thánh vịnh thì 3 lần dùng bình hương xông bên trong Mộ Thánh, và như thế tất cả vương cung thánh đường Mộ Thánh tràn đầy mùi hương thơm” (Nhật Ký Hành Hương 24, 10) [1]. Việc xông hương trọng thể nơi Đức Kitô được an táng và đã phục sinh đã duy trì và về sau được ghi vào trong sách nghi lễ của các giám mục. Tập tục xông hương nơi Mộ Thánh gợi lại hình ảnh mấy phụ nữ mang dầu thơm đến để ướp xác Chúa nhưng trái lại họ đã được thiên thần báo cho hay Chúa đã Phục Sinh Vinh Quang (x. Mc 1,6).

Việc xông hương lễ vật được đưa vào trong phụng vụ Carolingia (thời Charlemagne) từ thế kỷ thứ IX và thực sự đưa vào phụng vụ Roma từ thế kỷ XI.

Trong các Sách Lễ Nghi Rôma cổ có quy tắc chặt chẽ, ấn định việc dùng hương trong các thánh lễ, đặc biệt trong các lễ kính và lễ trọng không thể thiếu việc xông hương. Nhưng trong sách lễ “Missale Romanum” các ấn bản được ban hành sau Công Đồng Chung Vaticano II thì việc dùng hương được mở rộng và tự do. Việc mở rộng và tự do dùng hương trong phụng vụ đã có giai đoạn người ta hiểu và áp dụng chưa đúng với tinh thần của Công Đồng do việc dịch những ẩn ý của các chỉ dẫn chữ đỏ trong sách phụng vụ.

Ví dụ số 276 trong phần Tổng tắc lễ qui Roma: Việc sử dụng hương trong tiếng latinh là ad libitum, trong các sách lễ bằng tiếng bản xứ người ta đã dịch thuật ngữ này với nhiều ý khác nhau:

Trong Sách Lễ Roma bản văn tiếng việt dịch theo bản Missale Romanum 1975 trang 57 số 235 quy chế tổng quát, thì dịch là “có thể tùy nghi dùng hương” trong bất cứ hình thức thánh lễ nào. Trong Sách Lễ Roma bản văn tiếng anh dịch theo bản Missale Romanum 1970 trang lviii (58) số 235 quy chế tổng quát, thì dùng từ “optional” nghĩa là việc dùng hương thì nhiệm ý không bắt buộc trong bất cứ hình thức thánh lễ nào. Trong sách lễ Roma bằng tiếng ý bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Italia (Conferenza Episcopale Italiana: CEI) thì dùng từ “a piacere” có nghĩa là tùy thích dùng hương. Và như vậy việc dùng hương trong tất cả các thánh lễ đã trở nên một cách đơn giản tùy nghi không bắt buộc. Người ta đã đi quá xa tinh thần canh tân phụng vụ của Công Đồng. Phong trào tương đối hóa và giản lược hóa các nghi lễ đã tác động và đã đánh mất đi những vẻ đẹp phụng vụ truyền thống. Với các nội dung trong các bản dịch như thế nó đã in sâu vào trong tâm thức của hàng giáo sĩ, việc dùng hương trong thánh lễ là tùy ý với ý nghĩa là đừng làm. Thậm chí có người còn cho rằng đó là việc hào nhoáng vô ích.

Trái lại Ad libitum, thành ngữ latinh này có nghĩa chính xác là thích, tùy ý. Nghĩa khác là không bắt buộc, nhiệm ý, không đòi hỏi. Nhưng đó là tùy ý trong nghĩa tích cực. Nghĩa là người ta có quyền dùng nó, sử dụng nó, nhưng nghĩa này trong tiếng Việt, tiếng Anh hay nhiều tiếng khác không diễn đạt để hiểu thấu được.

Nghi thức xông hương trong thánh lễ

Sách Lễ Roma, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticano II, được Đức Thánh Cha Phaolo VI chuẩn nhận ấn bản mẫu năm 1970, tu chính và tái bản lần II năm 1975. Đức Thánh Cha Gioan Paolo II chấp thuận những sửa đổi và chuẩn nhận ấn bản mẫu năm 2002 tái bản lần III [2]. “Ngày nay, Hội đồng Giám mục đang cho tu chính lại Sách lễ Rôma (1992) và hiện thời đang xem xét lại bản văn này và sẽ cập nhật hóa theo Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu lần thứ III” [3]. Nhiều cộng đoàn người việt tại hải ngoại hay tại Việt Nam khi cử hành thánh lễ vẫn còn dùng Sách Lễ Roma dịch theo ấn bản 1975).

Số 276 và 277 trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma năm 2002 quy định nghi thức sử dụng hương trong thánh lễ như sau:

Xông hương khi nào

Số 276 Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma

Việc xông hương có thể tùy nghi sử dụng trong bất cứ nghi thức thánh lễ nào. Có thể sử dụng trong các thánh lễ nhớ buộc hay lễ nhớ tùy và cả trong các thánh lễ thường ngày.

-              Trong khi đi rước ra bàn thờ.
-              Lúc đầu thánh lễ xông hương thánh giá và bàn thờ.
-              Khi đi rước sách Tin Mừng và trước khi công bố Tin Mừng.
-              Khi bánh rượu đặt trên bàn thờ, xông hương của lễ, Thánh Giá, bàn thờ, linh mục chủ tế (linh mục đồng tế nếu có) và dân chúng.
-              Khi giơ Mình Thánh và Chén Thánh lên sau truyền phép.

Xông hương thế nào

Số 277 Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma
Linh mục khi bỏ hương vào bình thì thinh lặng và làm phép bằng một dấu thánh giá.
Người xông hương, trước và sau khi xông thì cúi đầu đối với những người, những sự vật được xông hương, nhưng không cúi đầu đối với bàn thờ và của lễ để hiến tế trong thánh lễ.

Ba lần đưa bình hương lên xông [7] đối với:

-              Mình Thánh Chúa
-              Tượng chịu nạn (Thánh Giá).
-              Các tượng hay ảnh Chúa khi trưng bày công khai để tôn kính
- Những của lễ trên bàn thờ để hiến tế trong thánh lễ.
- Thánh giá trên bàn thờ
- Sách Tin Mừng
- Nến Phục Sinh
- Linh mục
- Cộng đoàn.

Hai lần đưa bình hương lên xông đối với:

-              Các di tích của các thánh (ví dụ: di hài các thánh...)
-              Các ảnh, tượng các thánh được đặt công khai tôn kính.

Và chỉ xông một lần vào lúc bắt đầu cử hành thánh lễ, tức là khi xông hương bàn thờ.

Đối với bàn thờ thì xông đơn [8], theo cách thức sau:

Nếu bàn thờ tách rời với vách tường thì linh mục xông xung quanh bàn thờ.

Nếu bàn thờ một mặt gắn liền hay sát với vách tường thì linh mục xông bên phải rồi xông bên trái bàn thờ.

Đối với tượng chịu nạn: nếu tượng chịu nạn được đặt trên bàn thờ hay kế cận bàn thờ, thì xông tượng chịu nạn trước khi xông bàn thờ, nếu không thì sẽ xông tượng chịu nạn khi linh mục đi ngang qua.

Linh mục xông hương những lễ vật trước việc xông hương tượng chịu nạn và bàn thờ với ba cú, mỗi cú hai lắc; hoặc xông với việc lắc bình hương theo hình thánh giá và hình tròn trên lễ vật [9].

Cũng nên lưu ý rằng, tại Việt Nam Ủy Ban Giám mục về Phụng Vụ, ngày 25-09-1974 đã ra thông cáo như sau [10]:

“Ủy ban Giám mục về Phụng vụ xin trân trọng thông báo: Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong phiên họp ngày 12-6-1974, tại Tu viện Phước Sơn, Thủ Đức, đã đồng ý cho các nơi thí nghiệm những điểm sau đây:

1) Có thể bái gối hoặc cúi mình.
2) Có thể sử dụng tiếng tôi, chúng tôi, hoặc chúng con.
3) Có thể xông hương như xưa nay, hoặc bỏ hương vào lư, hoặc đốt hương nén (nhang), và cắm vào bát hương.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông báo 3 nội dung trên đây khi cử hành thánh lễ, nói lên tính thời sự, cập nhật, theo sát với tinh thần Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo Roma [11] và việc hội nhập văn hóa theo Hiến Chế Phụng Vụ [12] của Công Đồng Chung Vaticano II.


Sơ đồ theo nghi thức của Đức Thánh Cha Phaolo VI

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Đại hội giới trẻ



Đại Hội giới trẻ thế giới XXVIII.


Năm 1984 Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaoloô II. đã đưa ra sáng kiến kêu gọi mời Bạn Trẻ về Roma họp mặt dịp mừng Kỷ niệm giới trẻ thế giới. Từ sáng kiến thiên tài đó, Đại Hội giới trẻ thế giới đã thành hình trong đời sống Giáo Hội Công Giáo từ ngày đó với 27. lần Đại Hội, và lần thứ 28. sẽ được tổ chức diễn ra từ ngày 23. đến 28. tháng Bảy ở Rio de Janeiro bên nước Brazil thuộc miền Nam Châu Mỹ Latinh.

Đại Hội Giới trẻ thế giới đã trở thành một nếp sống đạo cho người trẻ trong Giáo Hội Công gíao đến nay trải qua với ba đời Gíao Hoàng, Gioan Phaolo II., Benedicto XVI và Phanxico. Vì Đức gíao Hoàng là người đứng ra triệu tập Bạn Trẻ lại, và chủ sự những buổi cầu nguyện, giảng dạy gặp gỡ với Bạn Trẻ. Trong qúa khứ đã có từng hàng trăm ngàn, hàng triệu Bạn Trẻ kéo về tham dự Đại Hội ở những lần trước.

1. Chủ đề đại hội 2013

Mỗi kỳ Đại hội diễn ra với một chủ đề. Đại hội giới trẻ thế giới 2013 với chủ đề lấy từ câu Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ:“ Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân“ (Mattheo 28, 19.)

Khi đưa ra chủ đề cho đại hội, đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI. đã có suy tư:

„Các Bạn thân mến, các con đừng bao giờ quên rằng hành động đầu tiên của tình yêu mà các con có thể trao ban cho người khác chính là chia sẻ niềm hy vọng của chúng ta. Nếu chúng ta không trao cho họ chính Thiên Chúa, chúng ta đã trao cho họ quá ít ỏi! Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ rằng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20).( Thông điệp Đại Hội Giới trẻ thế giới 2013)

Và đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI. nhìn đại hội các Bạn Trẻ tụ họp về gặp gỡ trao đổi cách sống đức tin, đó là nền văn hóa gặp gỡ.

„Con đường để làm cho muôn dân trở thành môn đệ là thông qua Phép Rửa và việc học giáo lý. Như vậy, để dẫn người khác đi vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu trước hết phải là một cuộc gặp gỡ sống động ngang qua Lời và các Bích Tích. Theo cách này, họ có thể tin vào Ngài; họ có thể đi đến việc biết Người và sống trong ân sủng của Ngài. Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự vấn chính mình: Tôi đã bao giờ có đủ can đảm để đề nghị một người trẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chưa? Tôi đã bao giờ mời gọi ai đó dấn thân vào hành trình khám phá niềm tin Kitô giáo chưa? Các bạn thân mến, đừng e ngại đề nghị một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô cho con người trong thời đại hôm nay. Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho các bạn con đường để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, và để trở nên đầy sáng tạo trong việc công bố Tin Mừng.“ ( Thông điệp Đại Hội Giới trẻ thế giới 2013)

Đức đương kim giáo hoàng Phanxicô có suy tư về ý nghĩa câu kinh thánh chủ đề đại hội, khi làm chứng rao giảng tin mừng của Chúa là khơi dậy dấu chỉ sự hiện diện của Chúa luôn mãi trong đời sống (Jorge Mario Bergoglio, Papst Franziskus, Offner Geist und gläubiges Herz, Herder 2013,Tr. 21.)

Theo truyền thống đạo đức tốt lành, Đại Hội giới trẻ thế giới 2013 được đặt dưới sự bảo trợ thiêng liêng của các Thánh: Á Thánh giáo hoàng Gioan Phaoloô II., Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội Aparecida, Thánh Sebastian, Thánh Anton, Thánh nữ Terexa thành Lisieux.

Và 13 Vị Thánh khẩn cho Đại Hội nữa Thanh nữ Rosa Lima, Thánh Terexa thành Los andes, Á Thánh Laura, Á Thánh Giuse thành Anchieta, Á Thánh Albertina thành Berkenbrock, Á Thánh Chiara thành Luce Badano, Á Thánh Nữ tu Dulce, Á Thánh Adilo, Á Thánh Pier Giorgio, Á Thánh Isidore, Áb Thánh Frederich Oyanam, Thánh Georg, Thánh Andre Kim và các Bạn Tử đạo.

Đại Hội giới trẻ thế giới thứ 28. chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxico đến cùng với 2,5 triệu Bạn Trẻ trên thế giới về tham dự. Phần lớn Bạn Trẻ đến từ nước Brayil, nước Argentina và Hoa Kỳ. Có hơn 8.500 Linh mục ghi tên, 5.500 phóng viên nhà báo ghi danh tham dự tường thuật. Các tham dự viên Đại Hội được phân phối cư ngụ ở các nhà tư nhân trong thành phố Rio de Janeiro, các trường học, các phòng thể thao thành phố.

Trong suốt thời gian Đại hội có 270 địa điểm dậy cắt nghĩa Giáo lý bao gồm 26 ngôn ngữ khác nhau. Hơn 60.000 nhân viên làm việc thiện nguyện giúp đỡ săn sóc các tham dự viên Đại Hội. Có 800 Ca sĩ, Vũ công, diễn viên cakịch và nhạc công cùng trình diễn những màn ca hắt, vũ múa trong những chương trình chính của Đại Hội.

Theo ước tính Đại hội đã sửa soạn 4 triệu bánh lễ cho các Thánh lễ và 100 Tòa giải tội dùng cho Đại Hội.

Ngoài sân cánh đồng Copa Cabana rộng bằng 150 sân đá banh cộng chung lại, là nơi chính lễ đài Đại Hội và có 18 mân hình lớn dựng treo chung quanh để giúp những người ở xa khăn đài tiện theo dõi đêm canh thức ngày 27.07. 2013, và ngày lễ bế mạc 28.07.2013.

2. Logo Đại Hội

Đại hội được vẽ trình bày theo hình một trái tim, mà Chúa Giêsu mầu vàng đang giang tay đứng ở trung tâm đại hội sai các Tông đồ, sai các Bạn Trẻ ra đi truyền gíao với bức tượng Chúa Giêsu nổi tiếng thế giới ở Rio de Janeiro nước Brazil.

„Bức tượng Chúa Kitô Cứu Thế nổi tiếng hướng nhìn về thành phố xinh đẹp của Brazil sẽ là biểu tượng cho chúng ta. Đôi tay rộng mở của Đức Kitô là một dấu chỉ của một khao khát mạnh mẽ nơi Ngài, khao khát ôm trọn những ai đến với mình; và trái tim của Đức Kitô tượng trưng cho tình yêu lớn lao của Ngài dành cho mọi người và cho từng người trong các con. Hãy để cho Đức Giêsu lôi cuốn các con!“ ( Thông điệp Đại Hội Giới trẻ thế giới 2013)

Mầu xanh lá cây (Zuckerhut) là hình ảnh những ngọn núi đặc trưng của thành phố Rio de Janeiro. Cây Thánh Giá màu trắng được đặt ở giữa nhấn mạnh đến nhận thức rằng nước Ba Tây được biết đến như là miền đất của Thánh Giá (Pilgerkreuz). Lớp màu xanh dương (Die Kuester Brasiliens) nói đến tài nguyên biển của đất nước Ba Tây Brasil. Ba màu sắc: vàng, xanh lá cây và xanh dương biểu hiện rỏ nét là ba màu căn bản của quốc kỳ Brazil.

3.            Đất nước Brazil

Quốc gia Brazil Tây ở miền nam châu Mỹ Latinh. Brazil là một quốc gia rộng lớn với 8,5 triệu cây số vuông chiếm 47 % toàn diện tích Châu Mỹ Latinh. Một bên là vùng bờ biển Đại tây Dương chạy dài, một bên vùng đất lền giáp biên giới với những quốc gia Uruguay, Argentina, Paraguay, Bolivien, Peru, Kolumbia, Venezuela.

Brazil cũng là quốc gia có dân số đông nhất Châu Mỹ Latinh với 194 triệu dân, gồm nhiều sắc dân khác nhau. Thủ đô của Brazil là Basilia. Những thành phố lớn đông dân và nổi tiếng của Brazil đều nằm theo phía dọc bờ biển, như thành phố Sao Paolo,, Rio de Janeiro, Porto Alegre....Ngôn ngữ chính của Brazil là tiếng Bồ đào nha. Vì xưa kia là thuộc địa của Bồ đào Nha. Năm 1822 Brazil đã đứng lên tuyên bố đòi độc lập, và ba năm sau 1825 Bồ đào Nha công nhận để cho Brazila được trở thành một quốc gia độc lập.

Về chính trị, Brazil theo chính thể Cộng Hòa liên bang, chính phủ, Quốc Hội do dân bầu ra. Theo ước tính trên dưới 70% dân chúng theo Công Giáo Roma chiếm khoảng 120 triệu người. Ngài ra còn có những Tôn gíao khác như Tin Lành phái Giáo Hội tự do, Do Thái giáo, Hồi Gíao, Tín ngưỡng địa phương...

Brazil là một quốc gia có những cầu thủ bóng đá điêu luyện nổi tiếng. Đội bóng đá quốc gia Brazil nổi tiếng dẫn đầu thế giới là đội bóng có lối chơi nhồi bóng hùng mạnh nhanh lẹ và đã năm lần đoạt World Cup.

4. Thành phố Rio de Janeiro

Rio de Janeiro là thành phố lớn thứ hai của Brazil và đồng thời cũng là thủ phủ của bang Rio de Janeiro. Thành phố này nằm ở vùng vịnh Guanabara phía Đông Nam của nước Brazil. Tên thành phố theo nguyên ngữ tiếng Bồ đào Nha có nghĩa là „con sông tháng Giêng“. Vì Gaspar de Lemons đã khám phá ra vùng vịnh này vào ngày 01. tháng Giêng năm 1502, và Ông đã nhầm lẫn tưởng đây là cửa một con sông lớn chảy ra biển. Nên mới gọi nơi đó là con sông. Nguyên thành phố Rio de Janeiro có hơn 6 triệu dân cư, nếu tính cả vùng chung quanh Rio có gần 12 triệu dân số.

Cho tới 1960 Rio de Janeiro là thủ đô của nước Brazil, nhưng sau 1960 thủ đô quốc gia Brazil dời vể Brasilia. Rio de Janeiro cùng với Sao Paolo trước sau vẫn là trung tâm thương mại của toàn nước Brazil.

Ở thành phố Rio de Janeiro có hai biểu tượng chính là ngọn núi Zuckerhut - Sugarload mountian ̣ cao 394 mét, và ngọn núi Corcovado cao 704 mét với bức tượng Cristo Redentor, Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế Vua dang tay đứng trên đỉnh núi.

Ngoài ra bờ biển Copacabana nổi tiếng, và nhất là lễ hội Carneval de Rio có nhiều xe hoa rước kiệu vũ múa ca hát Samba hằng năm vào ngày thứ hai và thứ ba trước thứ Tư Lễ Tro rất to lớn tưng bừng lộng lẫy nổi tiếng trên thế giới.

Phần đại đa số dân chúng Brazil theo đạo công gíao Roma, nên Giáo Hội công gíao ở đây được chia thành 41 Tổng giáo phận với 265 Giáo phận. Ngoài ra ở Brazil còn có Tòa Khâm sứ Tòa Thánh và giáo phận quân đội.

Tổng gíao phận Sao Sebastiao do Rio de Janeiro được thành lập ngày 19.07.1575 dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregor XIII. theo nghi lễ Công gíao Roma. Tổng gíao phận có 251 Gíao xứ với hơn 3 triệu Giáo dân, 327 Linh mục.

Theo truyền thống lịch sử của Gíao Hội, vị Tổng giám mục của Tổng giáo phận này là vị có tước vị Hồng Y. Tổng giáo phận Rio de Janeiro còn có đại học Công Giáo của tòa thánh Vatican.

1.            Cristo Redentor - Bức tượng Chúa Giêsu, Đấng cứu thế

Bức tượng Cristo Redentor là một đài kỷ niệm trên đỉnh ngọn núi Corcovado ở phía Nam thánh phố. Bức tượng được dự định xây dựng để kỷ niệm 100 năm độc lập của nước Brazil do Kỹ sư kiến thiết Heitor da Silva Costa người Brazil phác họa vẽ mẫu.

Bức tượng được khởi công thi hành năm 1922, nhưng gặp trở ngại vấn đề tài chánh. Nên việc thi hành kéo dài hằng 10 năm. Sau khi Tổng giáo phận Rio de Janeiro, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp cùng trợ giúp cho dự án, công trình được hoàn thành, và khánh thành ngày 12.10.1931.

Bức tượng Chúa Giêsu cao 30 mét, chân đế cao 8 mét, đủ chỗ chứa cho 150 người vào trú ẩn trong tượng. Hai cánh tay Chúa Giêsu dang ra rộng 28 mét. Bức tượng nặng 1145 tấn. Đầu và hai tay Chúa Giêsu do nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski làm ở Paris. Bức tượng làm bằng vật liệu betong cốt sắt theo từng phần ráp nối lại, và được kết bên ngoài bằng những viên đá dát theo kiểu Mosaic. Bức tương Cristo Redentor mầu trằng thiên nhiên hướng nhìn về phía ngọn núi Zuckerhut - Sugarload.

Năm 2006 dịp mừng kỷ niệm bức tượng được 75 năm, Giáo Hội đã chính thức nâng nơi đây thành nơi hành hương kính viếng Chúa Giêsu, Đấng cứu thế.

„Bức Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro tỏ lộ nhiều điều: Trái tim của Ngài mở ra để yêu thương mỗi người và mọi người, cánh tay của Ngài mở rộng để vươn đến mọi người. Chính các con là con tim và đôi tay của Đức Giêsu! Hãy ra đi và làm chứng cho tình yêu của Ngài. Hãy trở thành một thế hệ truyền giáo mới, được thúc đẩy bởi tình yêu và rộng mở với tất cả. Hãy theo gương mẫu những nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội như như thánh Phanxicô Xaviê và bao nhiêu vị khác.“ ( Gíao hoàng Benedicto XVI. Thông điệp ngày Đại hội giới trẻ thế giới 2013)

***********************

Đại Hội giới trẻ thế giới là sáng kiến của Á Thánh Giáo hoàng Phaolo II. lập ra nhằm khơi lên niềm vui phấn khởi nơi người trẻ về cách sống đức tin đi vào Chúa giữa lòng thế giới ngày hôm nay.

„ Hãy mang Thập Giá đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Các con hãy đi và làm cho mọi dân nước thành môn đệ” (Mt 28,19), như chủ đề của Ngày Quốc Tế giới trẻ năm nay. Các bạn hãy mang Thập giá để nói với tất cả mọi người rằng trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã phá đổ bức tường thù hận, phân cách con người và các dân tộc, và đã mang sự hòa giải và an bình.

Các Bạn thân mến cả tôi cũng lên đường với các bạn, từ hôm nay, theo vết chân phước Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16. Nay chúng ta gần giai đoạn cuối cùng của cuộc đại lữ hành của Thập Giá. Tôi vui mừng nhìn về tháng bẩy tới, tại Rio de Janeiro! Tôi hẹn các bạn tại thành phố lớn ấy ở Brazil! Các bạn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là chuẩn bị tinh thần trong các cộng đoàn của các bạn, để cuộc gặp gỡ ấy là một dấu chỉ đức tin cho toàn thế giới.

Các bạn trẻ phải nói với thế giới: theo Chúa Giêsu thật là điều tốt đẹp; thật là tốt lành khi đồng hành với Chúa Giêsu; sứ điệp của Chúa Giêsu thật là tốt đẹp; thật là tốt khi ra khỏi chính mình, đi tới các khu ngoại ô của thế giới và của cuộc sống để mang Chúa Giêsu! Có ba lời là: vui mừng, thập giá, và giới trẻ.“ ( Đức Gíao hoàng Phanxico, Bài giảng Lễ Lá ngày 24.03.2013).

Đại Hội giới trẻ thế giới 23.- 28. Tháng Bảy 2013

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

ME tAPAO



Cảm hứng Mẹ Tà-pao

Con về bên Mẹ Tà-pao
Khi chuông chiều vọng nao nao cõi lòng
Mẹ,  cả trời bể mênh mông
Khi cơn mưa xuống ấm lòng con thơ.

Đời con vất vả bơ phờ,
Miếng cơm manh áo bụi bờ sớm khuya.
Như cây thay lá theo mùa,
Phận con cũng nhuộm nắng mưa bụi trần.

Giơ tay mới thấy phong trần,
Đưa chân mới thấy rần rần thịt da.
Con về mong Mẹ thứ tha,
Đứa con hoang phí thật thà khấn xin.

Xin con xin một lòng Tin,
Để con lớn mãi trong tình Mẹ trao.
Mẹ ! ôi Mẹ Tà-pao !
Nữ Trinh phúc đức dạt dào Chúa ban.

Con đi năm tháng xa dần,
Yêu con Mẹ cũng lần lần dõi theo.
Con yêu bóng Mẹ gian trần
Và con yêu cả thiên đàng Mẹ mong.

Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc