Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

VIẾNG NGHĨA TRANG LINH MỤC
Hằng năm, tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn. Tại nghĩa trang linh mục, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, hoặc cha Tổng Đại Diện sẽ chủ sự thánh lễ cầu cho các linh mục trong Giáo phận đã qua đời.
Tôi đến sớm hơn nữa giờ, và tản bộ ra nghĩa trang, theo con đường rất đẹp của Giáo xứ Vinh an. Nhìn những hàng cây bạch đàn đứng im lìm giữa những nấm mộ xinh xắn, bé nhỏ nằm kề nhau. Tôi rảo qua một lượt và chậm rãi đọc từng tên một. Mỗi cái tên, mỗi cuộc đời người Mục tử như hiện ra đó đây, rất gần như buổi sớm bình minh vừa thức dậy. Ký ức nhạt nhòa theo năm tháng, thời gian như một mệnh đề vô nghĩa: có có không không. Có những vị tôi đã gặp, đã sống và đã có lần được may mắn cộng tác trong những dịp thực tập mục vụ ở các xứ đạo. Nhưng cũng có những vị chưa từng gặp gỡ bao giờ. Chỉ biết qua từng cái tên hay nghe đâu đó qua những lớp cha anh đi trước kể lại. Nhưng cho dù thế nào, thì cũng không khỏi ngậm ngùi nhớ thương đến những anh em Tông đồ, mà đã một thời phục vụ trên mảnh đất thân yêu của Giáo phận nhà.
Trông người mà nghĩ đến ta, sống và chết nghĩa từ rất đơn gỉan trong cõi đời. Nhưng nó chứa đựng cả một triết lý rất phong phú. Không ai phủ nhận sự chết và cũng chẳng mấy ai không muốn được sinh ra, có mặt trên cõi đời này. Dù nó vô thường và ẩn  chứa cả một bể khổ. Sống chết như hai anh em sinh đôi, hai cá thể mà không thể tách biệt nhau được. Có sinh, ắt có tử chí lý vô cùng. Người xưa thường nói: “ Rắn già, rắn lột da, ta già ta tột vô xăng (quan tài)”, thật thấm thía biết bao. Con người dù uyên bác, học rộng hiểu sâu, hay là những người nông dân chất phác, quê mùa. Sống mỗi người mỗi hoàn cảnh, địa vị, giàu nghèo hay sang hèn. Nhưng khi chết đi, đều giống nhau, nằm yên trong mộ, nằm kề bên nhau. Không tranh chấp, chẳng lợi danh, cũng không tranh giành quyền lợi hay địa vị như lúc còn sống. Lúc sinh thời, các Ngài đã vắt cạn kiệt sức lực của mình để phục vụ đoàn chiên mà Chúa giao phó. Lúc chết rồi mấy ai nhớ tới các Ngài. Có chăng là những lúc lỡ bước qua đường, đến thắp vội vàng nén hương lòng dâng trao. Cám ơn Giáo hội khi dành riêng tháng 11, để cầu ngyện cho các tín hữu đã ra đi. Nhờ đó mà trên các ngôi mộ của các Ngài. Khói hương trầm quyện trong hương hoa tỏa lan lên trước tòa Thiên Chúa.
Tôi thầm mong Thiên Chúa, trên đỉnh cao của lòng xót thương đoái đến những người con đặc biệt của Ngài. Vì dẫu bất toàn và tội lỗi, các Ngài đã đáp lời mời gọi của Thiên Chúa mà đi theo làm Tông đồ của Đức Giê-su. Nắng đã lên cao, một thoáng của làn gió nhẹ cũng bay vào. Đâu đây xôn xao trong tận đáy lòng lời kinh cầu da diết: “ Lạy Chúa xin cho các linh hồn anh em linh mục được nghỉ yên muôn đời”.

Lm Giacobe Tạ Chúc 
TIN SỰ SỐNG LẠI (Lc 20,27-38)
Mỗi một tôn giáo đều có những quan niệm về cuộc sống sau khi chết. Vì suy cho cùng, nếu lý giải chết là hết xem ra không ổn chút nào. Con người “linh ư vạn vật”, “thác là thể phách hồn còn tinh anh”. Phật Gíao có Niết bàn, Hồi Giáo có miền thiên đàng cực lạc. Ki-tô Giáo đó là cuộc sống hạnh phúc trong Nước Trời. Dưới rất nhiều nhãn quan, người ta không thể chối bỏ một cuộc sống sau khi đã chết. Nếu vậy ý nghĩa của đời người thật phi lý, thật buồn nôn, như nhận định của triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre.
Những người Sa-đốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Theo quan niệm của ông Pla-ton thì thân xác con người là ngục tù giam hãm linh hồn. Con người từ thượng giới đã bị vong thân, nên giải thoát là ra khọi ngục tù thân xác. Vì vậy, khi nghe Đức Giê-su nói về sự sống lại thì họ không thể chấp nhận. Đã mong cứu cánh đời mình là ra khỏi nó để bay vào thế giới ý tưởng, hay là thượng giới. Thật không thể hiểu nổi khi phải sống lại trong thân xác, mà trường phái Pla-ton rất xem thường. Để biện hộ cho lập trường của mình, những người Sa-đốc bèn đưa ra một câu chuyện phù hợp với luật Mô-sê dạy, nhưng rất khó xảy ra không đời sống thường ngày, nếu không dám nói là nó không có thật. Một phụ nữ kết hôn trong một gia đình với bảy anh em trai. Vì theo luật, khi người anh chết đi mà người vợ chưa có con, thì buộc người em kế tiếp sẽ cưới chị dâu đó làm vợ mình. Bảy anh em cùng chung một số phận, đều là chồng của người vợ này và hết thảy đều chết. Vấn nạn trở nên vô cùng éo le, khi vào ngày sống lại, làm sao để giải quyết các trường hợp này. Đức Giê-su chẳng đưa ra một phán quyết hay lời giải thích nào. Ngài chỉ khẳng định: “ Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau, và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 34-35). Như vậy, Đức Giê-su qua lời giải đáp đã bật mí cho con người biết sự khác nhau giữa đời này và đời sau. Vì Thiên Chúa là Chúa của những kẻ sống, chứ đâu phải của những người đã chết.
Trong những tuần gần hết năm phụng vụ, các bài đọc lời Chúa như được trưng bày qua lăng kính cánh chung. Cuộc sống sau này và số phận mỗi người, sẽ được định đoạt tùy theo những việc mình làm. Thiện ác sẽ được giải quyết một cách dứt khoát. Và Thiên Chúa của tổ phụ Aqp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ac, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Ngài cũng chính là Chúa của mọi con người trên khắp cõi trần gian. Nguyện xin Ngài đưa dẫn tất cả anh chị em vào cõi sống, phúc vinh muôn đời. Amen.

Lm Giacobe Tạ Chúc