Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Bài chia sẻ thứ sáu lễ hành hương lòng thương xót Chúa
Kính thưa quý OBACE !
Năm Thánh lòng thương xót Chúa sẽ được khép lại vào ngày Chúa nhật, 20/11/2016 Lễ CKT Vua. Gp chúng ta, theo sự hướng dẫn cũa ĐC sẽ cử hành ngày kết thúc vào chúa nhật 13/11/2016. Riêng GH Đức tánh chúng ta, ngày lễ kết thúc là vào CN 06/11 trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn.
Trong dịp lễ hành hương vào mỗi thứ sáu đầu tháng, và chúng ta cũng xem như đây là ngày hành hương cuối của năm thánh lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót của Chúa trải dài trong lịch sự Tạo dựng và Cứu độ. Thiên Chúa và thuộc tính của Ngài là xót thương. Muôn ngàn đời chúa vẫn trọn tình thương. Chạnh lòng thương là cụm từ chúng ta có thể gặp thấy trong kinh thánh, từ Cựu ước cho đến Tân ước. Trong bài chia sẻ hôm nay, mỗi chúng ta thử xem gần như đã gần kết thúc năm thánh lòng thương xót Chúa, chúng ta đã làm những gì cụ thể để thể hiện dung mạo thương xót của Đức Giê-su ki-tô. Người có đạo Chúa, đôi khi chỉ sống với lý thuyết, chứ chưa thực hành lời dạy của Chúa. Chúa dạy khó lắm: “ Hãy yêu kẻ thù, tha thứ 70 lần 7, vả má này đưa má kia, đoạt áo ngoài, đưa luôn áo trong, ai xin thì cho, ai mượn đừng đòi lại. Ôi Chúa ơi, làm sao con làm được. Ông Gandi ông nói chỉ ông Giê-su mới  dạy yêu kẻ thù và tha thứ chứ có ai dạy học trò như vậy đâu. Có lần đi xức dầu cho một bà già và ôm nặng, gần đất xa trời. Bà hỏi tôi chúa có tha hết tội cho con k cha, tôi nói tha hết chứ, qua ơn toàn xá và BT xức dầu, bà đã được sạch tội rồi, giờ chết là vào thiên đàng cả giày lẫn dép mà. Chúa thì tha, mà con thì không, ủa sao vậy bà, con không tha thứ được. Bà giận ai vậy, bà đưa tay chỉ về phía cửa, đó là ông chồng của bà.  Thực thi lòng thương xót của chúa khó chứ không phải dễ. Mấy bà về trong nhà, chồng vả má mình một cái, mình có giơ thêm má khác ra không, hay mình quất lại?
Chưa nói là chúng ta chớ vội kết án người Do thái thời Chúa Giê-su, vì họ giữ những tập tục có vẻ như man rợ: mắt đền mắt, răng đền răng. Mày móc mắt tao, tao móc lại mắt mày nhé. Nghĩa là báo thù, yêu thương có chọn lựa. Ai thương tôi tôi thương lại, ai ghét tôi thì tôi cũng gét lại. Thì ra chúng tôi và anh chị em coi chừng chúng ta cũng đang sống trong những luật lệ thời xa xưa rồi, thời cựu ước.
Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em trên trời là Đấng nhân lành. Nếu ae chỉ thương yêu những người thương yêu mình, thì ae đâu hơn gì những người ngoại giáo, họ cũng làm như vậy.
Lạy chúa, thực thi lòng thương xót của Chúa qua đời sống của mỗi chúng con, quả là lội ngược dòng thác. Vốn dĩ mang phận người bất tất, xin Chúa tăng thêm lòng tin, sức mạnh và nhất là trái tim của chúa, để chúng con:
“       Biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.” ( Kinh hòa bình)
Amen


BỆNH PHONG CÙI (Lc 17, 11-19)
( Chúa nhật 28 năm C)
Căn bệnh quái ác này đã làm cho chúng ta nhớ về một thi sỹ rất nổi tiếng, trong làng thi ca của Việt Nam: Hàn Mặc tử. Bệnh phong cùi đã làm cho nhà thơ điên phải trải qua rất nhiều những khổ đau, trong thân phận của con người. Bị người đời ruồng rẫy, sống cách ly, và nỗi đau lớn nhất là khi chính người yêu cũng phụ tình:
“ Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ” ( Lấy Chồng - Hàn Mặc tử)
Dưới thời xã hội Do Thái ngày xưa, người ta cho rằng bệnh tật là do tội lỗi mình gây ra, những người bị chứng phong hủi sống cách ly khỏi cộng đồng. Đi tới đâu cũng phải la lên, để người khác biết mà tránh xa. Họ chịu thiệt thòi cả về thể xác, lẫn tinh thần. Không có ai dám gần gũi và giúp đỡ họ. Khát mong được lành sạch, được sống hòa nhập với mọi người, được tôn trọng và yêu thương, có lẻ là nỗi khát khao cháy bỏng, và mạnh mẽ trào dâng trong lòng họ nhất. Vì thế, mười người phong cùi đã quyết định chạy đến với Đức Giê-su, mặc cho bao ánh mắt khinh khi, miệt thị. Vượt lên trên những số phận hẩm hiu, và đáng thương kia, là niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa. Tiếng cầu cứu trong nỗi đau hầu như tuyệt vọng kêu lên, một cách thành khẩn và thiết tha: “ Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi” (Lc 17, 13). Sự can đảm cùng với niềm phó thác, cậy trông của mười người phong hủi, đã chạm đến cõi lòng của Đức Giê-su, Đấng luôn chạnh lòng thương với những ai chạy đến với Ngài. Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế. Có thế thôi, hàm ý trong lời đề nghị này, là họ đã được nhậm lời. Bệnh phong cùi biến mất, da dẻ trở nên hồng hào như ông Na-a-man, quan lãnh binh của vua xứ Syria. Chắc chắn họ đã được lành sạch, căn bệnh quái ác từ đây không còn nữa. Họ có thể đi lại giữa mọi người, cùng với những nhịp sống tôn giáo và xã hội, không ai còn xa lánh họ nữa, vì bệnh tật đã được chữa lành. Đức Giê-su chẳng hẹp hòi gì khi ban ơn cứu chữa cho mười người phong cùi. Dẫu rằng, sau khi được Chúa ban ơn, chỉ một người duy nhất, quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen, và chúc tụng Thiên Chúa. Một người gốc dân ngoại, xứ Sa-ma-ri-a. Mang ơn Chúa thì nhiều, nhưng tạ ơn và nhớ ơn thì quả là hiếm hoi.
“ Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao?”(Lc 17, 17). Một chút trách móc khi thi ân giáng phúc, mà không được đáp đền cho cân xứng. Người Sa-ma-ri-a, sao mà dễ thương quá vậy. Chín người kia chắc do mừng quá, hoặc thấy cũng chẳng cần để trở lại. Sa-ma-ri-a, thấp thoáng đâu đây trong miền ký ức, một ngày kia ngang qua Giê-ri-cô trông thấy một nạn nhân, và đã ân cần yêu thương giúp đỡ.
Lạy chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết sống tâm tình tạ ơn mỗi phút giây, vì mỗi ngày, những giọt nắng, giọt mưa, và hàng nghìn lít khí trời, cung cấp ô-xy cho chúng con, phải chăng chính là những ơn lành, mà Chúa đã ban tặng, một cách nhưng không cho chúng con. Amen.
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc