Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

BỆNH PHONG CÙI (Lc 17, 11-19)
( Chúa nhật 28 năm C)
Căn bệnh quái ác này đã làm cho chúng ta nhớ về một thi sỹ rất nổi tiếng, trong làng thi ca của Việt Nam: Hàn Mặc tử. Bệnh phong cùi đã làm cho nhà thơ điên phải trải qua rất nhiều những khổ đau, trong thân phận của con người. Bị người đời ruồng rẫy, sống cách ly, và nỗi đau lớn nhất là khi chính người yêu cũng phụ tình:
“ Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ” ( Lấy Chồng - Hàn Mặc tử)
Dưới thời xã hội Do Thái ngày xưa, người ta cho rằng bệnh tật là do tội lỗi mình gây ra, những người bị chứng phong hủi sống cách ly khỏi cộng đồng. Đi tới đâu cũng phải la lên, để người khác biết mà tránh xa. Họ chịu thiệt thòi cả về thể xác, lẫn tinh thần. Không có ai dám gần gũi và giúp đỡ họ. Khát mong được lành sạch, được sống hòa nhập với mọi người, được tôn trọng và yêu thương, có lẻ là nỗi khát khao cháy bỏng, và mạnh mẽ trào dâng trong lòng họ nhất. Vì thế, mười người phong cùi đã quyết định chạy đến với Đức Giê-su, mặc cho bao ánh mắt khinh khi, miệt thị. Vượt lên trên những số phận hẩm hiu, và đáng thương kia, là niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa. Tiếng cầu cứu trong nỗi đau hầu như tuyệt vọng kêu lên, một cách thành khẩn và thiết tha: “ Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi” (Lc 17, 13). Sự can đảm cùng với niềm phó thác, cậy trông của mười người phong hủi, đã chạm đến cõi lòng của Đức Giê-su, Đấng luôn chạnh lòng thương với những ai chạy đến với Ngài. Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế. Có thế thôi, hàm ý trong lời đề nghị này, là họ đã được nhậm lời. Bệnh phong cùi biến mất, da dẻ trở nên hồng hào như ông Na-a-man, quan lãnh binh của vua xứ Syria. Chắc chắn họ đã được lành sạch, căn bệnh quái ác từ đây không còn nữa. Họ có thể đi lại giữa mọi người, cùng với những nhịp sống tôn giáo và xã hội, không ai còn xa lánh họ nữa, vì bệnh tật đã được chữa lành. Đức Giê-su chẳng hẹp hòi gì khi ban ơn cứu chữa cho mười người phong cùi. Dẫu rằng, sau khi được Chúa ban ơn, chỉ một người duy nhất, quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen, và chúc tụng Thiên Chúa. Một người gốc dân ngoại, xứ Sa-ma-ri-a. Mang ơn Chúa thì nhiều, nhưng tạ ơn và nhớ ơn thì quả là hiếm hoi.
“ Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao?”(Lc 17, 17). Một chút trách móc khi thi ân giáng phúc, mà không được đáp đền cho cân xứng. Người Sa-ma-ri-a, sao mà dễ thương quá vậy. Chín người kia chắc do mừng quá, hoặc thấy cũng chẳng cần để trở lại. Sa-ma-ri-a, thấp thoáng đâu đây trong miền ký ức, một ngày kia ngang qua Giê-ri-cô trông thấy một nạn nhân, và đã ân cần yêu thương giúp đỡ.
Lạy chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết sống tâm tình tạ ơn mỗi phút giây, vì mỗi ngày, những giọt nắng, giọt mưa, và hàng nghìn lít khí trời, cung cấp ô-xy cho chúng con, phải chăng chính là những ơn lành, mà Chúa đã ban tặng, một cách nhưng không cho chúng con. Amen.
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét