BÀI
ĐỌC LỄ THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Bài
đọc 1: Kn
3, 1-9 Trích sách Khôn Ngoan.
Linh
hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì
được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài
đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng
thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có
chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát
chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài
như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các
ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua
bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên
Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ
hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình
an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Bài đọc 2: 1
Cr 1, 17-25 Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em
thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không
phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là
sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được là
chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ
phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của
những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý
sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá
ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của
Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của
lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những
dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao
giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người
Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người
được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của
Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì
vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt
hẳn sức mạnh của loài người.
Phúc Âm: Mt
10, 17-22
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng
người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội
đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm
chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con,
thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các
con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh
Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái
sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị
mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
Suy-niệm: CHỨNG NHÂN
TÌNH YÊU
Thánh lễ hôm nay đỏ một mầu máu. Máu
của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 118 vị đã được tôn phong lên hàng
hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.
Có điều máu lênh láng nhưng không
tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong
hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí.
Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu
thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù
nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.
Tình yêu Thiên Chúa.
Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin
mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín,
nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài
yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn
được đáp đền tình yêu đó.
Tình yêu của các ngài là tình yêu hy
sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả
mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình.
Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức
quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với
những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.
Tình yêu của các ngài là tình yêu
chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong
những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: Tôi tin chắc
rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại
hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một
loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của
Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki – tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).
Tình yêu của các ngài là tình yêu cao
quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài
cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa
nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính
mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Tình yêu cuộc sống.
Các ngài là những người yêu mến cuộc
sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những
chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý
tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất.
Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong
thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con
người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến
cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và
xây dựng.
Tình yêu nhân loại.
Cái chết của các ngài minh chứng một
tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu
mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê thị Thành an ủi
con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính
gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình.
Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất
là không có vị nào thù ghét các lý hình.
Tình yêu của các ngài phát xuất từ
tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống.
Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn
sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong
tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến
chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).
Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài
là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà
ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng
được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng
cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình
yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì
đạo.
Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin
chúc lành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Amen
(ĐTGM:Ngô Quang Kiệt).