Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

MỘT HÀI NHI ĐÃ SINH RA CHO CHÚNG TA (Is 9, 1-6)
Tiếng khóc chào đời của một em bé, là tiếng cười rộn vui của biết bao người xung quanh. Cha mẹ thật hạnh phúc, khi một đứa con sinh ra. Dòng họ vui mừng vì có một thành viên mới, trong gia đình. Một đêm sương gió lạnh, trong nơi góc khuất của thành đô Bê-lem, một đôi vợ chồng trẻ, mắt rưng rưng những giọt lệ, đón chào đứa con bé bỏng của họ, cất tiếng khóc chào đời. Quả thật một niềm vui khôn kể xiết, một sinh linh bé bỏng đã phá tan giấc ngủ của màn đêm, khi bật lên tiếng khóc của một con người.
Những ngày tháng bụng mang dạ chửa, những đêm mất ngủ bởi những cơn chuyển mình của bào thai. Người mẹ nào không khỏi ngậm ngùi khi được ngắm nhìn, ẵm bồng đứa con thơ bé nhỏ của mình, trong vòng tay. Cơn đau đã qua đi, niềm sung sướng dấy lên tận đáy lòng. Con thơ khóc để hít thở, mẹ khóc vì hạnh phúc khi thiên chức của người mẹ được rõ nét qua từng đứa con. Cái thời ấy thiếu thốn đủ điều, nào có đâu trạm xá, hay bệnh viện, cũng chẳng có những Y, Bác sĩ gì. Thuốc men đương nhiên cũng chỉ là những loài thảo mộc, được truyền tụng trong nhân gian. Một hành trình của một gia đình trên đường trở về quê quán, để đăng kiểm hộ khẩu theo lệnh vua ban hành. Phương tiện di chuyển, cũng chỉ là lưng con lạc đà, mà người thời đó thường hay dùng. Bạn mình chuyển bụng, Giuse chỉ biết tìm một nơi cho mẹ tròn con vuông, chớ tính làm sao được khi trong lưng không một đồng xu giắt túi. Cảnh ra đời của một em bé như một giọt nước trong sa mạc, giữa đêm đông chỉ có bò, lừa, và lũ mục đồng canh gác đàn gia súc. Không có gì, mà chỉ có ánh sáng từ bi của Đấng là Thiên Chúa, trong phận người bé thơ. Và môt Hài Nhi đã sinh ra như lời tiên tri Isai-a, đã loan báo trước đó hơn 700 năm. Bé thơ Giê-su xuống thế trong thân phận của một con người, giống như những em bé sinh ra mỗi ngày, trong cõi đời này. May mắn cho một trẻ thơ khi được sinh ra, và lớn lên. Bất hạnh thay khi có rất nhiều những trẻ thơ vô tội, không có những phút giây chào đời, trong sự ân cần và thương yêu của cha mẹ, và những người xung quanh. Con người đã không tiếp nhận Con Thiên Chúa, Ngài đến trong nhà mình mà những người nhà lại chối từ. Thảm họa của những bậc làm cha mẹ là khi từ chối những đứa con, mà đúng ra chúng phải được sinh ra. Đó đây, những hang đá đã lên đèn, những cây thông đủ mọi hình dáng, với ngàn vạn đèn điện muôn màu tỏa lan. Không khí Giáng sinh nô nức và hối hả,  rộn vang những cung bậc cảm xúc của đêm giáng sinh đã nhuốm màu khắp không gian. Thời tiết đã ấm dần lên khi những đám mây cũng dần lùi về phía cuối chân trời, để nhường lại cho một khoảng khắc rất gần của No-el.
Đêm nay ta say men nồng tình Giáng sinh. Đêm nay lung linh ngàn muôn tinh tú, hợp với lời ca của chín phẩm Thiên Thần. Và đêm nay, những chú mục đồng đi tìm những khúc củi khô, đốt lên sưởi ấm Chúa Hài Đồng. Cứ thế câu chuyện cổ tích hôm nay, có một bé thơ cất tiếng chào đời, lại  râm ran bên những chiếc nôi ru con của những bà mẹ, mỗi ngày được vang lên, và tỏa lan trong thế giới của nhân loại, qua muôn ngàn thế hệ, khi mỗi độ Giáng sinh về.
Lm Giacobe Tạ Chúc


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

OH MY GOD!
Người Việt Nam, gọi Thiên Chúa là Đấng Tạo thành, là Ông trời. Gặp bất cứ cái gì, chúng ta đều kêu lên: “ Trời”, hoặc: “ Trời ơi”, tiếng anh dịch là: “ Oh my God”. Như vậy, đêm hôm nay chúng ta mừng lễ Ông Trời xuống thế làm người. Thật vậy, lễ Giáng sinh ngày hôm nay, không còn của riêng người Công giáo nữa, nó đã trở thành, niềm vui chung của toàn thể nhân loại rồi.
Cứ bước vào đầu tháng mười hai, nếu ACE đi vào các thành phố lớn, hoặc những trung tâm mua bán. Chúng ta sẽ thấy, người ta bắt đầu sắm sửa cho Noel. Rồi vào khoảng giữa mùa vọng, đó đây các xứ đạo, cũng nô nức chuẩn bị đón Noel về. Ông Trời xuống thế làm người, và nếu tôi nói thêm rằng, Thiên Chúa làm người để mỗi chúng ta, trở thành Thiên Chúa, thì ACE rất ngạc nhiên. Chúng ta là gì, mà đòi trở thành TC được. Có một câu chuyện ngụ ngôn của Đông Phương kể rằng( xin mở ngoặc, đây là một câu chuyện thôi nhé): Có con chú sư tử con, không hiểu vì sao lại bị lạc đàn. Và rồi một bầy dê thấy chú, cũng dễ thương nên đưa về nuôi, trong đàn dê. Chú sư tử lớn lên giữa bầy dê, nó bú sữa dê, ăn cỏ và kêu: “be, be”, giống như dê. Nó hoàn toàn không biết mình là giống sư tử. Cho đến một ngày kia, khi tình cờ có con sư tử cái nó rình mồi để bắt con dê, và nó vô cùng ngạc nhiên, khi thấy trong đàn dê lại có một con sư tử, đang ngoan ngoan nô đùa bên những chú dê. Con sư tử già liền vồ lấy con sư tử đang sống giữa bầy dê, nó đưa chú sư tử kia đến bên một dòng suối, nó bảo chú sư tử kia mày hãy soi mình vào dòng nước, để biết mày là ai, là sư tử chứ không phải là dê.
Kính thưa cộng đoàn, chỉ là câu chuyện ngụ ngôn thôi, nhưng cũng nói cho chúng ta rằng: đôi khi vì cuộc sống, vì đồng tiền, vì miếng cơm manh áo, vì những lợi lộc thế trần, vì những ham muốn, của những dục vọng… Chúng ta cũng cứ nghĩ rằng, cuộc đời này là tất cả, và chỉ có vậy thôi, hãy ra sức mà hưởng thụ. Tất cả là: quyền lợi, vật chất, địa vị, vợ đẹp con xinh, chứ đâu còn gì khác đâu. Thiên Chúa đến để mang chúng ta ra khỏi những ngộ nhận đó. Ngài cho chúng ta thấy rằng, cuộc đời không chỉ có vậy, không hẳn là chúng ta cứ thấy bé, cứ lè tè trên mặt đất đâu. Không chúng ta còn có cả một sứ mạng cao cả hơn nữa. Là con Thiên Chúa, ACE giống hình ảnh của Đức Kito, vì thế Ngôi Hai xuống thế, mặc lấy xác phàm nhân loại. ngài chỉ cho chúng ta con đường đích thực, và dẫn đưa chúng ta về một cuộc sống lý tưởng, và cao đẹp hơn nhiều cuộc sống trần gian này.   

Và như vậy, chúng ta, những người tin Chúa tràn đầy niềm lạc quan, và hy vọng, vì tình thương của Thiên Chúa quá sức lớn lao. Con Thiên Chúa là Ngôi Hai đã sinh ra đời và hôm nay muôn Thiên Thần ca hát, báo tin vui cho muôn dân. Chúng ta hãy đến và thờ lạy, Hài Nhi Giê-su, và xin Ngài luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc đời này. Amen.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

MƯA BÃO MÙA NOEL
Các nguồn tin mỗi ngày từ các trang báo thanh niên, tuổi trẻ online cho thấy, đồng bào các Tỉnh Miền Trung đang oằn mình trong mưa lũ. Huế, Bình Định, Quảng Ngãi, Quãng Nam…và dự báo có thể Bình Thuận trong những ngày tới sẽ có mưa to, và liên tiếp xảy ra những đợt lũ kinh hoàng. Thành phố Hội An trở thành những dòng sông, cho con người bơi lội. Sáng trời sương mù trở lạnh, có chút gì trong hương sắc cay cay của đất trời. Noel sao phận người lao đao quá Chúa ơi.
Mà cũng giống Chúa thôi, ai đời trời cao không ở, lại muốn vùi phận mình vào trong kiếp bèo dạt, mây trôi, cù bơ cù bất, như những con người thời xưa, cũng như ngày hôm nay. Người ta chọn những nơi cao sang để định cư, còn Chúa lại chọn ở hang cùng ngõ hẻm. Người ta thích mặc vào mình những hào quang của công danh sự nghiệp, tên tuổi được đánh bóng khắp nơi. Dòng tộc đầy uy quyền và xa hoa. Còn Chúa, sinh ra và lớn lên trong một gia đình, vô danh tiểu tốt, chẳng khác nào như những gã tiều phu. Con của Vua cao cả trời đất, lại sinh ra trong hình hài một trẻ thơ. Không ai có thể hiểu nổi, tai sao Chúa làm người như vậy? Chẳng lẻ không còn phương cách nào nữa sao. Và Giáng sinh năm nay, con thấy Chúa chống chèo trong những cơn mưa lũ, con thấy Chúa trong những mái nhà đổ xiêu, và những dòng nước cuốn đi, trước sự bất lực của mọi người. Con thấy Chúa, ngược xuôi trên những phố xá, dưới những cơn mưa tầm tã, để cõng những người già, và trẻ thơ thoát qua vùng nước lớn. Con thấy Chúa trong những cô giáo trường mẫu giáo An Hiệp tỉnh Phú Yên, đã cùng nhau che chắn cho các em học sinh, trong cơn lũ cuốn, vì: “ Thà cô chết, chứ không để học trò chết”. Rồi những hang đá đèn sao nhấp nháy, những cổng chào uy nghi lộng lẫy, những điệu khúc nhộn nhịp từ muôn nơi, đang ở vào đỉnh một cao trào của nguồn cảm hứng, như chảy vào bất tận. Chúa có vui không, khi chúng con đã chuẩn bị cho đêm Chúa sinh ra thật là chu đáo. Tốn kém nhiều lắm, tiền của, công sức, thời giờ của biết bao nhiêu người. Vui lắm, lòng người như mở hội, Chúa cùng chúng con say sưa trong những điệu Valse, tango trầm bỗng, nhưng Chúa sẽ vui hơn khi chúng con biết cùng nhau chia sẻ Tin mừng, niềm vui của ơn Cứu độ. Chúa đến trần gian, để mang lại bình an cho con người. Tin từ hang đá Bê-lem là tin vui trọng đại cho muôn dân, vì hôm nay Thiên Chúa đã xuống thế làm người.
Và con thấy, hàng vạn ánh sao, tạo nên những đường sáng nối dài, soi bước chân nhân loại qua hơn hai ngàn năm. Cũng chính từ những ánh sáng của từ bi, sẽ giúp mỗi người sống ý nghĩa hơn, khi ngoài kia, gió đông lạnh vẫn đang tràn về, làm run rẩy những cành cây, kẽ lá. Ánh sao lạ năm xưa, ngày hôm nay cũng đang thức tỉnh lương tâm của chúng con, qua mỗi độ đón mừng Noel.

Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc 

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

GIỌT MƯA MÙA ĐÔNG
Ngắn dài từng cung bậc, mạnh nhẹ theo mỗi miền. Mưa mùa đông, nhất là khi đó đây đang chuẩn bị cho một đêm ân tình, đêm Giáng sinh sắp sửa về. Mưa mang vào hồn con người những cảm xúc khác nhau, có người vui, kẻ buồn, người hạnh phúc, kẻ cô đơn. Mưa trong những ngày gần đến lễ Giáng sinh, có lẻ phần nào cũng hơi hơi buồn, vì những lý do, đèn điện giăng lên, lễ đài trang trí, cũng bị ảnh hưởng phần nào.
Dẫu sao mưa cũng mang lại nhiều thi vị, nhất là những cái lạnh lạnh từ hơi sương mỗi sáng trở mình thức dậy. Những giọt nước ban ngày rải rắc khắp mọi nẻo đường, càng làm cho mùa đông, trở nên đúng tên gọi của mình. Trời ảnh hưởng mưa bão, mới ấm lòng sao khi cất lên tiếng hát: “ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”. Có một chút lạnh bởi thời tiết, mới thấy lòng nhẹ dâng, niềm cảm xúc khôn nguôi khi đứng giữa mùa đông, trong những ngày cuối của Mùa Vọng. Thiên Chúa đang gần đến, tên Ngài là Emmanuel: nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Trong mọi sắc thái của đất trời, những người có niềm tin vẫn luôn nhìn mọi sự dưới cái nhìn của đức tin. Một khi Con Thiên Chúa, đã bỏ tất cả để đến ở với con người, thì điều này cũng có thể hiểu là: Ngài yêu thương nhân loại biết là dường bao. Giữa những sáng tối của hơi sương, hay bao phủ bởi những giọt nước, con người vẫn là đích điểm cho mầu nhiệm Giáng sinh, của Ngôi lời nhập thể. “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi”, tất cả dành cho con người, đối tượng của tình yêu thương, mà Thiên Chúa, đã ban chính Con yêu của mình. Trời mùa đông có những ngày mưa kéo dài lê thê, phố xá và những con đường ngang qua ngập nước, những buổi chiều lạnh lên những đôi vai gầy guộc. Mùa đông vẫn ấm lòng bởi đại lễ Giáng sinh sắp về.
Và ta lại cùng nhau xem lễ đêm đông, tình yêu chan hòa của Hài Nhi Giê-su, sẽ nồng ấm và ngọt ngào cho tất cả những ai, đang trầm mặc trong những mất mát của thời gian, cuộc sống, và những tổn thương mà mùa đông đã đi qua. Cám ơn những cơn mưa ngẫu hứng, mang đến giữa đất trời mùa đông, như những gia vị thêm vào cho đậm chất của tình yêu mùa Giáng sinh năm nay.
Lm Giacobe Tạ Chúc


Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

THẦY CÓ PHẢI LÀ ĐẤNG PHẢI ĐẾN CHĂNG? (Mt 11, 2-11)
Trong hoàn cảnh thật trớ trêu, ở chốn lao tù đầy khổ hạnh. Thánh Gioan Tẩy Giả luôn canh cánh trong lòng, niềm khao khát mong đợi Đấng Cứu Thế, đến để giải thoát dân tộc Do thái, khỏi mọi xiềng xích nô lệ, tinh thần cũng như thân xác. Giờ đã đến, lúc Đấng Cứu Thế sẽ đến, và những dấu chỉ để nhận ra Ngài  như I-sai-a đã loan tin: “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa” (Is 35, 1-6)
Chúa Giê-su, không trực tiếp trả lời những chất vấn của Thánh Gioan, qua trung gian, những môn đệ mà Gioan sai đến, Ngài đã chỉ cho họ Đấng Cứu tinh đã đến và đang tới. Triều đại của Ngài được loan báo với những tín hiệu vui mừng, hân hoan và tràn đầy niềm vui vĩnh cửu. Giấc mơ một xứ sở, chảy sữa và mật ong không còn xa nữa. Thời gian như được rút ngắn lại. Thiên Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài cho con người. Vinh quang mà những ai khiêm nhu, nghèo khó, và siêu thoát thì mới có thể nhận ra Ngài. Thánh Gioan loan báo và chỉ cho mọi người biết để đón nhận Đấng Cứu Thế. Về phần mình, Chúa Giê-su bày tỏ cảm xúc đặc biệt với vị Tiền hô, đã vì chân lý Tin mừng mà phải chịu cảnh tù đày trước bạo chúa Hê-rô-đê An-ti-pa: “ Ta bảo thật các ngươi, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”(Mt 11,11). Gioan đã thi hành phận vụ là kẻ dọn đường cho Chúa Giê-su một cách hết sức cao cả, và ông đã kết thúc cuộc đời trong triều thiên, của một chứng nhân, cho Đấng Cứu Độ, mà muôn dân hằng đợi trông. Máu của Gioan một cách nào đó, như là những giọt máu, mồ hôi, nước mắt của cuộc đời Chúa Giê-su sau này. Sự khiêm hạ của ông đã làm Chúa Giê-su khen ngợi, và chỉ cho đám đông thấy chân dung của một vị ngôn sứ là: “ Anh em ra xem gì trong hoang địa, một cây sậy phất phơ trước gió” (Mt 11,7). Vâng đúng như cuộc đời thoát tục và trầm mình trong khổ chế của Gioan. Chúa Giê-su đến để mang lại hòa bình cho chúng ta. Ngài chính là Sứ Giả mà Chúa Cha đã gởi đến cho nhân loại. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong cảnh cơ hàn, cuộc sống của Ngài là một hành trình xuất thế và nhập thể, dẫu rằng con người không tin nhận, nhưng mãi mãi Ngài vẫn là Đấng mà Thánh Gioan đã loan báo, và chỉ cho dân chúng thấy khi Ngài xuất hiện.  Hãy kiên nhẫn chờ đợi, vì Thiên Chúa chúng ta đã gần đến: “ Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới”(Gc 5,7-10).
Mừng vui lên vì Chúa sắp ngự đến, nơi hoang địa khô cằn sẽ vui mừng và cõi tịch liêu sẽ hân hoan, đón mừng ngày Chúa sinh ra. Maranatha! Lạy Chúa Giê-su  xin hãy đến với chúng con, trong gia đình, cuộc sống, và từng phút giây trong cuộc đời. Amen.

Lm Giacobe Tạ Chúc 
NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤN VỠ

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤN VỠ

Ai đã một lần đến đây, cơ sở 2 thuộc Xã Tân Hà, Huyện Hàm  Tân, là nơi đang chăm sóc cho những người tâm thần, và những người có những hoàn cảnh đáng thương, thì không khỏi xót xa cho những mảnh đời, mà tôi tạm gọi là: vụn vỡ.

Hơn 170 người trong đó đủ những mảnh đời và phận người, làm tôi không sao cầm được nước mắt. Họ là những bệnh nhân tâm thần, với những bệnh tình khác nhau. Có những người hầu như mất hết lý trí, họ la hét, đưa những ánh mắt vô hồn nhìn chúng tôi, như trong một thế giới vô tri. Có những người nhẹ hơn, họ có thể có một vài nhận thức nhỏ, nhưng cũng chưa thể nói là hoàn toàn tự chủ. 24 anh chị em làm việc ở đây vô cùng vất vả, họ làm chủ yếu là dựa vào cái tâm, những mảnh vụn của tình người, được nhặt ghép lại, trong tấm lòng nhân ái và độ lượng. Nhìn những sinh hoạt của những người tâm thần, tôi chợt nghĩ sao phận người vụn vỡ đến ê chề. Cũng một kiếp người, nhưng ở đây sao thiệt thòi quá. Họ như những người vô gia đình, nụ cười của họ có điều gì đó thức tỉnh lương tâm của mỗi người. Vào đây, phần lớn họ là những người không chốn nương thân, không tình thân máu mủ. Họ sống nhờ vào những tấm lòng, của các Y Bác sĩ, của những người hy sinh phục vụ, vì tình thương đồng loại. Ở một khu khác, nơi đa phần là những người già yếu, không con cháu, không người thân hơi, họ vào đây gởi thân phận mình, như những cây chùm gửi quấn mình vào những thân cây. Có những người mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, lao phổi, ung thư, tai nạn làm cho họ sống đời thực vật…Nhìn những mảnh đời sáng tối và mong manh, lòng tôi chợt thấy nao nao đến lạ. Ngoài kia, biết bao người may mắn được thừa hưởng cuộc sống , với đầy đủ các phương tiện, và những điều kiện, có khi lại dư đầy. Ở đây thì mọi thứ xem ra còn chật vật quá, mong sao những góp nhặt, và những tấm lòng bác ái yêu thương, đến được những nơi này, để làm ấm lại những trái tim của những con người, hình như đã ngừng đập, trong những bệnh hoạn về thể xác, cũng như trong sâu thẳm của tâm hồn.

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có viết:
Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng 
Để làm gì em biết không?
( ca khúc để gió cuốn đi)
Vâng để nối kết tình yêu thương, để cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời như những mảnh vỡ của thủy tinh. Góp chút cho đời, đời sẽ mặn nồng hơn, chung nhau xây đắp, tình thương sẽ trở nên con đường hy vọng cho mỗi người, trong xã hội ngày hôm nay.

Linh mục Giacobe Tạ ChúcAi đã một lần đến đây, cơ sở 2 thuộc Xã Tân Hà, Huyện Hàm  Tân, là nơi đang chăm sóc cho những người tâm thần, và những người có những hoàn cảnh đáng thương, thì không khỏi xót xa cho những mảnh đời, mà tôi tạm gọi là: vụn vỡ.

Hơn 170 người trong đó đủ những mảnh đời và phận người, làm tôi không sao cầm được nước mắt. Họ là những bệnh nhân tâm thần, với những bệnh tình khác nhau. Có những người hầu như mất hết lý trí, họ la hét, đưa những ánh mắt vô hồn nhìn chúng tôi, như trong một thế giới vô tri. Có những người nhẹ hơn, họ có thể có một vài nhận thức nhỏ, nhưng cũng chưa thể nói là hoàn toàn tự chủ. 24 anh chị em làm việc ở đây vô cùng vất vả, họ làm chủ yếu là dựa vào cái tâm, những mảnh vụn của tình người, được nhặt ghép lại, trong tấm lòng nhân ái và độ lượng. Nhìn những sinh hoạt của những người tâm thần, tôi chợt nghĩ sao phận người vụn vỡ đến ê chề. Cũng một kiếp người, nhưng ở đây sao thiệt thòi quá. Họ như những người vô gia đình, nụ cười của họ có điều gì đó thức tỉnh lương tâm của mỗi người. Vào đây, phần lớn họ là những người không chốn nương thân, không tình thân máu mủ. Họ sống nhờ vào những tấm lòng, của các Y Bác sĩ, của những người hy sinh phục vụ, vì tình thương đồng loại. Ở một khu khác, nơi đa phần là những người già yếu, không con cháu, không người thân hơi, họ vào đây gởi thân phận mình, như những cây chùm gửi quấn mình vào những thân cây. Có những người mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, lao phổi, ung thư, tai nạn làm cho họ sống đời thực vật…Nhìn những mảnh đời sáng tối và mong manh, lòng tôi chợt thấy nao nao đến lạ. Ngoài kia, biết bao người may mắn được thừa hưởng cuộc sống , với đầy đủ các phương tiện, và những điều kiện, có khi lại dư đầy. Ở đây thì mọi thứ xem ra còn chật vật quá, mong sao những góp nhặt, và những tấm lòng bác ái yêu thương, đến được những nơi này, để làm ấm lại những trái tim của những con người, hình như đã ngừng đập, trong những bệnh hoạn về thể xác, cũng như trong sâu thẳm của tâm hồn.

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có viết:
Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng 
Để làm gì em biết không?
( ca khúc để gió cuốn đi)
Vâng để nối kết tình yêu thương, để cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời như những mảnh vỡ của thủy tinh. Góp chút cho đời, đời sẽ mặn nồng hơn, chung nhau xây đắp, tình thương sẽ trở nên con đường hy vọng cho mỗi người, trong xã hội ngày hôm nay.


Linh mục Giacobe Tạ Chúc 

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

MÙA VỌNG VÀ ÂM VỌNG CỦA GIOAN TIỀN HÔ
(Mt 3,1-12)
Bước vào Mùa vọng, những chủ đề quen thuộc lại trở về với con người: Tỉnh thức, sám hối, đổi mới…để đón chờ Chúa quang lâm. Lần đến thứ nhất trong thân phận con người bé nhỏ, lần đến thứ hai trong uy linh cao cả của Đấng phán xét: “ Cây rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 1-12)
Âm vọng của sám hối
Lệnh cấp bách vì không thể trì hoãn, con người đứng trước những vấn nạn vô cùng hiện sinh, thiên tai, nạn tai và những bệnh tật, rủi may trong cuộc đời. Hằng ngày, nếu lướt qua các tin tức trên thế giới và cũng như trong mỗi quốc gia. Người ta thấy, tin buồn nhiều hơn là những tin vui. Một cơn bão lũ đổ về, một trận động đất xảy ra, một cuộc đọ súng, hay những cuộc chém giết vì những tranh giành cho miếng ăn mỗi bữa…Con người như bị vong thân. Chính vì những lẻ đó, mà cần sám hối, trở về với Thiên Chúa để được Ngài thứ tha. Chắc gì, chúng ta có thể sống thêm được một vài giây nữa. Cuộc sống và phận người mong manh như hoa đồng, cỏ nội, sớm nở chiều tàn. Sám hối không phải ngồi đó mà khóc than, hay chỉ xưng thú đôi ba tội, rồi rước lễ trong một vài thánh lễ. Cũng không chỉ ăn chay đôi ba ngày, hay làm một vài việc bác ái. Sám hối là một hành trình và cuộc đổi mới tận căn. Như ông Gia-kêu, xin bồi thường gấp bốn lần những thiệt hại mà mình đã gây ra. Hoán cải tâm hồn và cuộc đời để đón chờ ơn cứu độ, không phải hôm qua, ngày mai mà chính là hôm nay, Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài.
Âm vọng của khổ chế
Những hình ảnh sa mạc, châu chấu và mật ong. Kiểu ăn mặc, áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, như muốn muốn gởi đến cho mỗi người thông điệp: khổ chế, tiết chế đời sống xác thân. Một khi thanh thoát, và không vướng bận áo mão, cân đai, lộng vàng che ngợp, thì con người mới dễ dàng gần Thiên Chúa hơn. Họ có thể nghe được tiếng của Chúa, như Thánh Gioan Tẩy giả. Con người ngày hôm nay được thừa hưởng quá nhiều, những thành tựu của khoa học, y học. Các phương tiện hằng ngày, đều rất dễ dàng tìm thấy trong tầm tay. Sự ra đời của các máy móc, thiết bị điện toán, điện thoại thông minh, như đưa con người vào những khung trời thế giới vừa thực, vừa ảo, cũng rất gần mà rất xa. Người ta có thể thấy nhau và biết nhau dù cách nhau gần nửa vòng trái đất. Khổ chế như Gioan quả là một thử thách cho những môn đệ của Chúa Giê-su, khi trong một thế giới vật chất, hưởng thụ như chiếm hết mọi ngõ ngách của đời người.
Đấng Cứu Tinh sẽ xuất hiện
Đấng mà Gioan Tiền hô loan báo là Đấng quyền năng, theo vị Ngôn sứ loan báo là Đấng cứu thế mà muôn dân hằng đợi mong. Gioan chỉ là tiếng kêu, còn Ngài chính là Logos: Lời hằng hữu, xuất phát từ cung lòng Thiên Chúa Cha, và được Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Gioan là kẻ dọn đường và chỉ cho dân chúng thấy Đấng Cứu tinh sẽ sinh ra. Người mà thiên hạ mong đợi, nhưng Người không đến trong cung điện nguy nga, mà Người đến trong dáng dấp của những kẻ thấp hèn: một trẻ thơ bé bỏng, sinh ra giữa hang cùng ngõ tận. Gioan Tiền hô đã giới thiệu về Đức Giê-su: “ Đấng đến sau tôi, nhưng có trước tôi. Tôi không đáng xách dép cho Ngài”.
Lạy Chúa Giê-su, bao lần Chúa đến, bao lần con sống trong bản giao hưởng của Mùa vọng: tỉnh thức và cầu nguyện. Xin cho chúng con biết dệt nên cuộc đời mình bằng những nốt nhạc: sám hối -canh tân- lên đường thi hành mệnh lệnh mà Chúa đã giao phó cho mỗi người trong chúng con. Amen.

Linh mục Gia-cô-bê Tạ Chúc