Chúa
Nhật I Mùa Vọng-Năm A
Phúc
Âm: Mc 24, 37-44
"Các
con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".
Một ngày sống và làm việc, vất vả, lao nhọc, thời gian
như bóng câu qua cửa sổ. Con người ai
cũng muốn mỗi đêm về có được những giây phút thư thái, bình an, chưa nằm đã
ngủ. Ngủ để rồi lấy lại sức cho một bình minh của một ngày mới đang đón đợi.
Những khi xem những cuốn phim hay, những trận đá bóng hấp dẫn mà phải thức
khuya, sẽ thấy mỏi mệt như thế nào, khi vào ngày mới, thân xác và tâm hồn rã
rời, còn đâu mà sức sống mới nữa. Chúa Giêsu dùng điệp khúc tới bốn lần của từ
“Tỉnh thức”, để dìu đưa mỗi người bước vào Mùa Vọng.
Tỉnh thức là thái độ của người tôi tớ
Người tôi tớ có nhiệm vụ trông coi tài sản, bảo vệ sự an
toàn tuyệt đối cho ông chủ, phải nói là 24/24. Bất cứ giờ nào cũng phải sẵn
sàng, vì biết đâu, kẻ thù sẽ gieo cỏ lùng vào ruộng lúa đang khi những người
canh mê ngủ. Ông chủ sẽ về bất cứ lúc nào. Cho nên, tốt hơn hết, người tôi tớ
luôn túc trực sẵn sàng, để đề phòng kẻ trộm và cũng là đợi ông chủ trở về, vì
phúc cho những đầy tớ nào mà khi chủ về, vẫn còn tỉnh thức. Nhiệm vụ của người
tôi tớ luôn đòi hỏi sự chọn lựa, quyết định số phận của mình. Đây không phải là
một đặc quyền đặc lợi, cũng không phải là một sở thích hay một ân thưởng. Trái
lại, người tôi tớ phải làm bổn phận của mình một cách, trách nhiệm, ý thức và
tự do. Bởi lẻ, nó liên quan đến tính mạng và hạnh phúc của chính mình. Người tôi tớ nào mà khi chủ về còn thấy tỉnh
thức, thì chủ sẽ đặt vào bàn và đi lại hầu hạ chúng, còn người tôi tớ mà khi
chủ về đang còn chè chén say sưa, đánh đập các tôi tớ khác, thì sẽ bị chủ trừng
phạt. Người tôi tớ cần ý thức về sự tỉnh thức để hoàn thành tôn ý mà chủ đã tin
tưởng giao ban. Thiếu ý thức, người tôi tớ sẽ dễ dàng chểnh mảng, lơ là và đi
vào thái độ mất cảnh giác, mất tập trung, và không thể nào chủ động được, để
đối phó với những tình huống, bất ngờ xảy ra.
Tỉnh thức cũng là thái độ của mỗi
người chúng ta
Hằng ngày, nhan nhản những tin tức về những
thiên tai, nạn tai xảy ra trên khắp thế giới. Phải chăng mỗi người luôn được
mời gọi, sống tâm tình thức tỉnh. Thức
tỉnh để tỉnh táo biện phân, và thi hành Thánh ý của Chúa. Bởi vì, các âm thanh
mỗi ngày một đa phức và hỗn loạn, không đề phòng, không khéo con người sẽ sa
ngã. Đoạn phúc âm dùng các cụm tính từ chỉ thời gian để diễn tả thái độ hết sức
dè chừng của những người tin theo Chúa. Hoặc
là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, bất cứ
giờ nào Chúa sẽ đến. Như những Trinh Nữ khôn ngoan, ai nấy sẵn sàng dầu đèn
thắp sáng đợi chàng rễ đến. Chúa sẽ đến bất chợt, không hẹn trước, trong khiêm
nhường và khó có thể nhận ra, nếu mỗi người không tỉnh thức chờ đợi. Những
người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New
York ngày 11-9-2001, hay trong tòa nhà 6 tầng các
Trung Tâm Thương Mại tại Sàigòn ngày 29-10-2002 không ai ngờ được trước khi vào
đó rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì
bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy? Thế mới biết tai họa
hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ
nơi nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức
khỏe nào là an toàn cả! Thật đúng như thánh Phao-lô nói: «Khi người ta nói:
"Bình an biết bao, yên ổn biết bao!" thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình
ập xuống» (1Tx 5,3). Tỉnh thức để khỏi bị vây hãm vào bốn bức tường: Danh ,
lợi, lạc, thú, nó sẽ thiêu huỷ cả xác lẫn hồn con người như những con thiêu
thân. Tỉnh thức cũng không có nghĩa là thự động “ Há miệng đợi sung rụng”, mà
bắt tay vào hành động, dấn thân quảng đại phục vụ Tin mừng Nước Trời trong từng
hoàn cảnh sống, và ơn gọi mỗi người.
Tỉnh thức là lời mời gọi sám hối
Lời mời gọi tỉnh thức, dẫn dắt mỗi người đến với tâm tình
hoán cải, đổi mới nhận thức, cách sống đạo sao cho phù hợp với phẩm giá cao quý
mà Chúa đã tác thành. Con người dù “ nhân vô thập toàn”, nhưng với ơn Chúa giúp
sức và nổ lực của bản thân, có thể nên Thánh trong đời thường. Sám hối để nhận
ra những yếu đuối, những bất toàn cá nhân mình và xin tình Chúa bao dung, tha
thứ. Trước Giáng sinh năm 1980, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quy tụ hơn
2000 trẻ em của một giáo xứ ở Rôma. Bằng cuộc đối thoại, ngài dạy giáo lý cho
các em và hỏi: “Làm thế nào các con sửa soạn mừng lễ Giáng sinh?” “Bằng cầu
nguyện” từ phía sau các em la to. “Rất tốt, bằng cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng
nói, nhưng cũng phải bằng việc đi xưng tội nữa. Các con phải đi xưng tội để có
thể lên rước lễ sau đó nữa. Các con có làm như thế không?” Hàng ngàn trẻ em trả
lời trong cùng một tiếng lớn giọng hơn: “Chúng con sẽ làm!” Và Đức Giáo Hoàng
nói với các em. “Phải, các con nên đi xưng tội”. Rồi ngài hạ thấp giọng xuống
thì thầm, “Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đi xưng tội để đón tiếp Chúa Giêsu Hài đồng
một cách xứng đáng.
Từng phút giây, trên khắp hành tinh này, luôn
luôn có nhiều linh mục dâng lễ mỗi ngày, giải tội và cử hành các Bí tích, và
khắp nơi, các giờ suy tôn Thánh Thể, lần hạt Mân côi, lần chuỗi lòng thương
xót, nối nhau tạo thành dòng chảy của ân sủng, và thứ tha. Nếu chúng ta ngủ,
thì phía bên kia bán cầu là bình minh của một ngày mới, và điều ngược lại cũng
thế. Hãy tỉnh thức, một điệp khúc của lời tình yêu, luôn vút cao để nhắc nhở
mọi người, sống đạo tích cực và bày tỏ niềm tin có việc làm, chứ không phải
tiêu cực và thụ động trong đời làm con Thiên Chúa. Cha Charles de Foucault đã
coi lời sau đây như châm ngôn sống: “Cố sống mỗi ngày, như thể chiều tối nay
bạn sẽ chết”.
Lm Giacobê Tạ Chúc