TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 6/2015
Anh chị em thân mến,
“Mùa hè đã về, mùa đưa ta tung chân khắp chốn…”, ca khúc của linh mục nhạc sĩ Mỹ Sơn nói lên thao thức và háo hức của tuổi học trò mỗi khi hè về, như là thời điểm thuận lợi đi lại đó đây để giải trí sau năm học căng thẳng và cũng để thăm viếng danh lam thắng cảnh quê hương. Mùa hè bắt đầu vào tháng sáu. Mặc lấy tâm tình của những học trò, tháng sáu này anh chị em cũng được mời gọi để tìm đến những địa chỉ tinh thần của mùa hè tôn giáo.
1. Thánh Tâm Chúa Giêsu
Tháng sáu theo tâm tình đạo đức của Giáo Hội Công giáo là tháng dâng kính Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim nồng nàn lửa yêu thương nhân loại, như được minh họa qua các bức ảnh Thánh Tâm phổ biến, cũng là trái tim khắc khoải đợi chờ yêu thương đáp trả, như được mạc khải cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque cuối thế kỷ 17. Đây không là một hình ảnh tĩnh mà là bức ảnh có nhiều lời mời gọi. Lời đầu tiên là “hãy chiêm ngắm tình yêu” của Đấng đã tự hiến mạng sống cho nhân loại, Đấng đã cho đi đến hết là bằng lòng chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ, và nhất là cái chết của Đấng ấy đã nên nguồn giải thoát cho tất cả mọi người. Lời kế tiếp là “hãy ở lại trong tình yêu”. Nếu trái tim được nhìn nhận như trung tâm của yêu thương thì chiêm ngắm thôi vẫn chưa thỏa, còn phải lưu lại trong tình yêu của Chúa nữa, để sao cho nhịp rung của tim mình được biến đổi thành nhịp rung của tim Chúa và ngược lại, của Chúa nên của mình. Và lời khác là “hãy đền đáp tình yêu”. Thực ra, con người có làm gì đi nữa cũng chẳng thêm gì cho Thánh Tâm Chúa, nhưng như ghi nhận của thánh nữ Têrêsa “chỉ có tình yêu mới đáp đền được tình yêu”, ta quyết tâm trong tháng này nỗ lực thể hiện một tình yêu cụ thể mong gõ cửa Trái Tim Chúa, là sám hối tội lỗi, canh tân đời sống, tôn sùng Trái Tim Chúa và sống yêu thương đối với anh chị em xung quanh mình.
Trong tháng còn có lễ Thánh Tâm, đỉnh cao của lòng tôn sùng Trái Tim Chúa, cũng là ngày thánh hóa các linh mục. Anh chị em nhớ cầu nguyện nhiều cho các linh mục trong giáo phận biết đón nhận dồi dào ơn thánh từ tình yêu Chúa, để có thể phân phát lại cho cộng đoàn.
2. Thiếu nhi Thánh Thể Giáo phận
Ngoài ra, tháng sáu cũng là tháng các em thiếu nhi được quan tâm đặc biệt hơn, vì các em nghỉ học có mặt tại gia đình và tại giáo xứ nhiều hơn, nên những sinh hoạt mục vụ dành cho tuổi thơ cũng đặc biệt khởi sắc. Nhiều giáo xứ đã tận dụng thời gian này để tổ chức các lớp giáo lý chính khóa, ngoại khóa hay bổ sung, giúp cho con cháu các gia đình có thể lãnh nhận các bí tích khai tâm như Xưng tội rước lễ lần đầu hay Thêm sức vào cuối hè. Nhiều linh mục quản xứ đã có sáng kiến tổ chức trại hè thiếu nhi kết hợp với việc thi đua học giáo lý, khiến cho tháng sáu trở thành niềm vui chung cho các gia đình. Và nhiều anh chị em giáo lý viên huynh trưởng đã hy sinh thời giơ, sức lực, khả năng để góp phần vun bồi tuổi thơ giáo xứ, mong kiến thức giáo lý hôm nay giúp các em sống vui tuổi đời và mai sau trở nên thành viên tích cực của Giáo Hội.
Ngày 1/6, ngày Quốc tế thiếu nhi, chắc chắn các em sẽ được nhớ đến không phải bằng quà cáp vui chơi, nhưng chắc chắn bằng lời kinh của mọi người, cách riêng của gia đình, giáo xứ và giáo phận. Đặc biệt dịp 13/6 tháng sáu, Thiếu nhi Thánh Thể có ngày họp mặt làm nên Đại Hội tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao. Chắc là thiếu nhi chúng con đã chuẩn bị sẵn sàng cho dịp trọng đại này để cùng với Mẹ Maria tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể, mà lặp lại tôn chỉ đời sống chúng con trong một cung bậc mới? Dù tuổi đời mỗi năm chúng con thêm lớn, nhưng đừng để khẩu hiệu của Thiếu nhi Thánh Thể bị nhạt nhòa đi. Mỗi ngày hãy âm thầm lặp lại bốn khẩu hiệu ấy và quyết tâm thực hiện trong ngày sống, đó là cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ. Trong khi chờ đợi ngày gặp mặt chúng con, chúc mọi thiếu nhi trong giáo phận thật nhiều niềm vui trong tháng sáu này, và đừng quên cầu nguyện cho cha của chúng con nhân “ngày người cha”, nhé!
3. Ơn gọi và đời sống thánh hiến
Cuối cùng, tháng sáu còn là tháng gợi nhớ về ơn gọi và đời sống thánh hiến. Trực tiếp vì trong ý cầu nguyện truyền giáo tháng này, Giáo Hội mời gọi cộng đoàn tín hữu chung lời “Cầu cho cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu khơi dậy nơi nhiều người trẻ niềm khát khao dâng hiến đời sống mình trong ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến”; nhưng gián tiếp cũng vì tháng sáu, theo nhịp mục vụ của giáo phận, là tháng diễn ra các lễ tiên khấn hoặc vĩnh khấn của các hội dòng. Dấn bước trong ơn gọi dâng hiến ai chẳng mong tới ngày đạt được ước vọng. Lễ khấn chính là điểm đến của quá trình theo đuổi lý tưởng gắn bó với linh đạo đặc thù của mỗi hội dòng. Dòng Mến Thánh Giá theo linh đạo chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí; Tu đoàn Bác Ai Xã Hội chọn xây dựng Giáo Hội bằng các công trình bác ái giữa đời thường; Tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu lại chọn theo gương Đức Maria mà lên đường thực thi sứ mạng thừa sai… Dù có khác biệt về linh đạo, mỗi lễ khấn là một niềm vui của người đến đích, nhưng cũng nhanh chóng trở thành khởi điểm mới cho cuộc hành trình, trong đó ba chiều kíchmầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ luôn đan dệt với nhau một cách mật thiết và hài hòa. Gắn bó với Chúa gọi đến gắn bó với cộng đoàn để mở ra sứ mạng gắn bó với muôn dân.
Cám ơn các gia đình anh chị em đã quảng đại nhường cho Giáo Hội những thành viên yêu quý của gia đình mình đi tu trở nên tông đồ Chúa tại Giáo Phận nhà. Cầu chúc các khấn sinh năm nay gặt hái được nhiều niềm vui thánh thiện, để quyết tâm cũng sẽ là nhân tố của niềm vui Tin Mừng tại nơi mình hiện diện và phục vụ.
Anh chị em thân mến, tháng sáu đẹp lên với ba địa chỉ của lòng sùng kính, của mối quan tâm và của tâm tình cầu nguyện, hy vọng sẽ đem đến cho mọi người hương vị ngọt lành của mùa hè 2015; có sâu lắng, có rộn rã và cũng có hạnh phúc trong lẽ hiến dâng. Cầu nguyện và cầu chúc anh chị em luôn cảm nhận được tình yêu và hồng ân Chúa trong mọi cảnh ngộ cuộc sống.
+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết
Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015
THÁNG SÁU THÁNH TÂM TÌNH THƯƠNG
Truyền thuyết dựng nước
và giữ nước của Đất Việt với biết bao trang sử hào hùng, nhưng cũng không thiếu
những tình cảnh éo le, bi đát trong từng phận người. Nhắc đến chuyện tình gián điệp
của Triệu Đà, chúng ta hẳn không quên công chúa Mỵ Châu, với bốn câu thơ quặn
xé lòng người:
“Tôi kể
ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái
tim lầm lẫn để trên đầu
Nỏ thần
vô ý trao tay giặc
Nên nỗi
cơ đồ đắm biển sâu”.
Trái tim Mỵ Châu đặt
sai chỗ, tin nhầm người nên đất nước rơi vào tay giặc. Còn Trái Tim của Đức
Giêsu có lầm lẫn không khi Ngài trao cho cả nhân lọai này, với những con người đầy
phản bội, vô ơn và vong ân bội nghĩa? Những lần hiện ra với Thánh nữ Margaret
Mary Alacoque, sau khi tỏ cho bà thấy Trái Tim rất thánh, Chúa đã phán những lời
tha thiết, nung nấu lòng sốt sắng của nhiều linh hồn: “Con hãy
xem Trái Tim này yêu dấu lòai người quá bội, không giữ lại gì cho mình, đến nỗi
đã hòan tòan cạn kiệt để chứng tỏ cho họ thấy lòng yêu. Đáp lại, Ta chẳng nhận được
gì ngòai sự vô ơn tệ bạc, vì những thái độ bất kính và phạm thánh của họ, vì sự
nguội lạnh và khinh dể họ dành cho Ta trong Bí Tích tình yêu. Nhưng điều làm
cho Ta đau đớn nhất là trái tim của những người tận hiến cho Ta cũng xử với Ta
như thế. Vì vậy, Ta xin con dùng ngày thứ sáu sau tuần bát nhật kính Mình Máu
Thánh làm ngày tôn vinh Thánh Tâm, hãy rước lễ đền tạ, cùng với một hành vi khổ
chế…”
Nếu đọc lại các trang
Tin mừng của bốn Thánh sử, khi kể lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta dễ
dàng nhận ra những lời tâm sự trên của Chúa. Trên con đường ra pháp trường,
Chúa Giêsu đã nếm đủ những mùi vị đắng cay, những nhục nhã đầy nước mắt của
phận người. Người ta dành cho Chúa không phải là những vinh quang phú quý, mà
là những lời thóa mạ, đòn vọt, khạc nhổ, vòng gai và Thập giá, cùng với cái
chết giữa những người trộm cướp. Thế nhưng trong Trái tim đầy nhân từ và nhân
ái, Chúa vẫn dành cho mỗi người một chỗ, dù là nhỏ bé thôi, nhưng cũng đủ chỗ
cho cả con người trên trái đất này.
Trên cây Thập tự, giữa những đớn đau về thể xác, cơn đói khát của con người,
Chúa vẫn cầu xin sự tha thứ cho những ai xúc phạm đến Ngài. Vâng quả là một
tình thương bao la và trên hết mọi tình yêu, Trái tim Chúa, Máu và nước chảy ra
từ ngọn giáo vô tình của một anh lính đã như dòng sông dạt dào bao la cuồn cuộn
từ trái tim của một Thiên Chúa có tên gọi là TÌNH YÊU.
Tháng sáu với những
cơn mưa vào hạ, như nhắc nhở cho mỗi người nhớ đến mọi Nguồi mạch và Ân sủng từTrái
tim dịu hiền của Chúa Giêsu, một trái tim yêu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết
trên cây Thánh Giá để đem ơn cứu độ cho
con người.
Linh mục Giacôbê Tạ Chúc.
LỄ MÌNH MÁU THÁNH
Trong các gia đình
Việt Nam ,
có lẻ bữa ăn là nơi thể hiện được nhiều nhất, tình yêu thương giữa các thành
viên trong một mái ấm gia đình.
Ca dao tục ngữ có
những câu chữ rất đẹp để diễn tả thực tại này:
“ Râu
tôm nấu với ruột bầu
Chồng
chan vợ húp, gật gù khen ngon”
Cái ngon không ở vật
chất mà là giá trị của tình yêu mà hai người yêu nhau, dành cho nhau. Tình yêu
đã làm cho “râu tôm”, “ruột bầu” trở nên những đặc sản vô cùng hấp dẫn.
Đức Giê-su yêu thương
con người, Ngài yêu một cách say đắm và tha thiết. Tình yêu của Ngài đã làm cho
Bánh Rượu vật chật, trở nên thức ăn, thức uống trường sinh nuôi sống con người.
Ăn và uống là điều hết sức cần thiết, nhưng phải ăn và uống như thế nào. Vì nếu
không có sự chọn lựa, chúng ta sẽ ăn phải mầm bệnh, hoặc sẽ bị ngộ độc. Thánh
Phao-lô trong thư thứ nhất, gởi cho giáo đoàn Cô-rin-tô đã dạy: “ Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy, và uống chén
ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến. Cho nên kẻ ăn Bánh
hay uống Chén cách bất xứng, tất sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa”(1Cr 11,
26-27). Những người Do thái và thậm chí một ít môn đệ đã phản kháng lại,
khi nghe Chúa Giê-su nói: “ Thịt Ta là
của ăn, và Máu Ta là của uống”. Ngôn ngữ bất đồng, làm sao con người có thể
thấu đạt điều này khi mà họ chưa trải nghiệm và cảm nếm tình yêu của Đức
Giê-su. Chỉ khi nào bước vào và có kinh nghiệm gặp gỡ thực sự với Đức Giê-su,
thì khi ấy con người mới có thể hiểu được cách thức mà Ngài đã dùng để bày tỏ
tình yêu của mình, một tình yêu chết thay cho muôn người.
Người ta thường nói: “Thương nhau lắm thì cắn nhau đau”,
những ai yêu mến Thánh Thể sẽ cảm nhận được điều này, khi mà mỗi ngày trải qua
những cơn đau của: hy sinh, từ bỏ, hạ mình, để trở thành của lễ hiến dâng và
vác Thập Giá mà theo Chúa Giê-su.
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)