Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

GIÁO HỌ EMMANUEL ĐỌC KINH ĐẦU THÁNG 9-2013
Để nâng cao Tin - Cậy - Mến cho mỗi Giáo dân Gx Gia an. Cha Quản Xứ Giacôbê Tạ Chúc, đã bao năm tổ chức đọc kinh mỗi Giáo
họ một đêm, vào những ngày đầu tháng.
Tối nay thứ hai ngày 02 - 9, lúc 19h 30, được sự sắp xếp của Cha quản xứ. Tại nhà Anh Giuse Cao Văn Hoà thuộc Giáo họ Emmanuel là một gia đình vợ chồng anh được 02 đứa con, Anh chị mới tân tòng vào tháng 6 năm 2013." Đêm nay Anh rất hảnh diện trước những anh chị em chưa Tin, và chưa nhận biết Thiên Chúa ở chung quanh xóm làng mình. Vì anh muốn Mình và cộng đoàn Gx tuyên xưng Đức Tin của mình mà chính Thiên Chúa đã tuyển chọn gia đình anh, được gia nhập làm dân riêng của Chúa, mà được hưởng nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô. Ngài đã thương dẫn đưa Anh về con đường sự Sáng - sự Thật - và sự Sống". Đó là lời tâm sự tối hôm nay của anh chị mới tân tòng, trước khi Cha Quản Xứ làm phép nhà cho anh, và khai mạc giờ kinh của Ban thường vụ Giáo họ chủ sự ,với sự hiệp thông của Cha Quản xứ, Thầy, Quý soeur cùng cộng đoàn Giáo dân Giáo xứ Gia an. trong cùng một ý cầu nguyện. Xin cho mọi người trong toàn Gx tham gia công tác tông đồ trên cánh đồng truyền giáo của Gx, nâng cao đời sống Đức Tin cho con cháu, là thế hệ tương lai của Gx. Nguyện Xin Thiên Chúa chúc lành cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi công việc làm trong Gx chúng con. 
            TTGx. Paul Nguyễn Văn Thanh
Cha Làm phép nhà
Xin Chúa ở Lại với chúng con



Một Đức Tin - Một Cha trên Trời

Chúa có Lời Ban Sự Sống Đời Đời

Chúa là ánh Sáng cho Gia đình Con

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ GIA AN

  Địa chỉ: Thôn 3 xã Gia An huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận.
  Điện thoại:              0623.588801
  Năm thành lập:      1957
Số giáo dân hiện nay:     2621
Ngày Bổn mạng:  ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI  (15 – 8)
Linh mục quản xứ: Giacobe Tạ Chúc


Theo niên giám năm 1964 của Địa phận Nha Trang, giáo xứ Gia An (còn có tên là Duy Cần) được thành lập cuối năm 1957, thuộc hạt Phan Thiết, do linh mục Giuse – Maria Phạm Trọng Kim chính xứ tiên khởi.
Cùng với sự ra đời của một khu dinh điền mang tên Duy Cần. Đa số dân cư lúc ban đầu có gốc từ Quảng Ngãi (Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ được chia làm 4 ấp: Cần, Kiêm, Liêm, Chính) với một số rất ít, 28 gia đình công giáo thuộc ấp Chính, về sau  (1958)  thêm một số khá đông giáo dân di cư gốc Bắc Ninh, Thái Bình từ Hố Nai ra lập nghiệp (khoảng 62 gia đình), dưới sự lãnh đạo của linh mục Giuse – Maria Phạm Trọng Kim. Với ngôi nhà thờ lợp tranh vách lá đơn sơ nhỏ bé.
Số giáo dân theo niên giám năm 1964 là 1162 với 235 gia đình. Từ khi thành lập cho tới năm nay, giáo xứ luôn luôn có các linh mục phục vụ:
Giuse – Maria Phạm Trọng Kim (1957 – 1958), thời điểm này giáo xứ hầu như chưa có gì, chỉ có ngôi nhà thờ nhỏ lợp tole.
G.B Trần Xuân Long (1958 – 1964), lúc này cha xứ cho làm lại nhà thờ lợp tole vách ván, nhà xứ tương đối khang trang với 5 phòng. Thời gian này phong trào tòng giáo rất mạnh mẽ, có nhiều lương dân gia nhập Đạo, các đoàn thể được xây dựng và phát triển rất tốt. Giáo xứ chọn Lễn Đức Mẹ hồn xác lên trời (15/8) làm bổn mạng. Sau biến cố 1963 một số gia đình trở lại Hố Nai, các gia đình mới trở lại không tham gia các công việc của giáo xứ, lúc này các phong trào chung đi xuống rỏ rệt, số giáo dân giảm dần…
Phaolô Nguyễn Lập Huệ  (1964 – 1965), vì thời cuộc chiến tranh loạn lạc nên cha chỉ lưu lại thời gian rất ngắn.
Cha Antôn Mai Khắc Cảnh (1965 – 1966),  về nhận xứ Duy Cần. Vào ngày thứ năm Tuần Thánh (1966) cha đi Lạc Tánh nhận dầu Thánh, trên đường về cha bị chính quyền cách mạng lâm thời mời đi học tập cải tạo. Do ốm đau bệnh tật cùng với rừng thiêng nước độc, cha đã qua đời trong núi rừng Tánh Linh. Thời gian này, giáo xứ thiếu linh mục cai quản. Được sự quan phòng của Chúa, cha Nguyễn Quốc Sinh quản xứ Sùng Nhơn đã về dâng Thánh lễ các ngày Chúa nhật.
Cha Giuse Nguyễn Thanh Vân (1968 – 1973), tháng 8/1968, cha từ giáo xứ Tư Tề về nhận giáo xứ Duy Cần, cha đã cho cũng cố lại các sinh hoạt chung của giáo xứ, có các thầy về giúp xứ nên đời sống đạo của giáo xứ bắt đầu khởi sắc như Hội Đạo Binh Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Chí…. Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, ngày 27 tháng giêng năm 1973, với đức ái mục tử cha đã hy sinh tính mạng để bảo vệ đàn chiên, cùng với ngôi nhà thờ bị cháy rụi sau khi bị bom Napan,  lúc này có thầy giúp xứ Luca Nguyễn Ngọc Thúy cùng 2 em Đaminh Nguyễn Văn Cảnh và Maria Madalena Nguyễn Thị Kim giúp việc nhà thờ cùng chịu chết cháy.
Cha Vinh Sơn Nguyễn Đạo Quán  (1973 – 1975), tháng 4/1973 cha về với giáo xứ, lúc này có một số gia đình từ Tân Thành, Long Hoa đến lập nghiệp và thành lập một giáo họ mới, chọn Thánh Vinh Sơn làm bổn mạng. Cha xứ cho xây dựng lại nhà thờ tạm 2 phòng,  nhà  xứ 1 phòng lợp tranh vách ván, dồng thời làm thêm 4 phòng để dạy văn hóa cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Đầu năm 1974 cha cho khởi công xây dựng nhà thờ mới, ngày 25.12.1974 vùng Tánh Linh Đức rơi vào tay chính quyền  cách mạng,  lúc này một số giáo dân phải tạm lánh về vùng Bình Tuy, sau 30.4.1975 mới trở lại giáo xứ. Lúc này nhà thờ  mới hoàn thành được phần móng và các cột bê tông, công trình buộc phải dừng lại vì thiếu kinh phí, tole và các vật liệu khác thất thoát dần.
Cha F.X Đinh Tấn Thời (1975 -1994), sau biến  cố 1975 giáo  xứ  gặp rất nhiều khó khăn trong mọi công việc. Chỉ có ngày Chúa nhật mới có Thánh lễ, ngày thường trong tuần cha dâng thánh lễ “chui”, không có giáo dân nào dám tham dự, các sinh hoạt tôn giáo bị ngăn cấm, các đoàn thể tự tan rã, lúc này cha xứ chia các giáo họ theo đơn vị hành chính (giáo họ 1,2,3,5…). Vào các ngày lễ lớn: Phục Sinh, Giáng Sinh giáo dân khắp các vùng lân cận thuộc huyện Đức Linh, Tánh Linh quy tụ về nhà thờ Gia An để tham dự các  nghi thức và Thánh Lễ. Năm 1979 một số giáo dân vùng Vũ Thư – Thái Bình đi kinh tế mới vào vùng Đức Linh, nên có thêm giáo họ Vũ Hòa, chính giáo dân Vũ Hòa đã tăng thêm sức  mạnh cho giáo xứ, bởi lẽ anh em đã quen sống  trong chế độ XHCN ở Miền Bắc một thời gian dài. Tháng 2/1990  do điều kiện thuận lợi cha xứ đã cho tiếp tục xây dựng nhà thờ mới trên nền nhà thờ cũ, như trời hạn gặp mưa rào, bà con giáo dân,nhất là giáo họ Vũ Hòa đã không tiếc công, tiếc của cùng nhau xây dựng nơi thờ phương Chúa. Năm 1977 một số anh chị em gốc Huế thuộc các Giáo xứ Tân Mỹ và Quy lai cũng đến và định cư tại Gia an. Tháng 8 năm 1991 công trình nhà thờ đã hoàn thành và được thánh hiến bởi Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, đây là ngôi thánh đường đầu tiên được khánh thành của giáo phận Phan Thiết kể từ sau biến cố 1975.
Phêrô Nguyễn Thiên Cung (1994 - 2004), vào thời gian này tương đối ổn định về đời sống đạo và đời sống vật chất.
Cha Phaolô Lê Quang Luân (2004 - 2006), thời gian cha ở cùng giáo xứ không dài, nhưng cha đã quan tâm xây đựng được một đội ngũ các bộ, nhất là giáo lý viên rất trưởng thành và có trách nhiệm, có tinh thần tông đồ. Cha đã cho làm mới gian cung thánh, làm thêm trần, thay mới tole nhà thờ, bê tông hóa các lối đi…
Cha Giacôbê Tạ Chúc (2007  đến nay). Từ ngày cha đến, với sức trẻ và sự nhiệt huyết của một Mục tử, ngoài việc phục vụ bàn thánh, thăm viếng từng gia đình trong Giáo xứ, xây dựng các đoàn thể, cha rất lưu tâm đến xây dựng cơ sở vật chất cho giáo xứ, cha đã cho xây Nhà thờ giáo họ Vũ Hòa một ngôi Thánh đường an khang và rộng rãi (nay là Giáo xứ Vũ Hòa ). Tại Gia an một tháp chuông với chiều cao 30m được mọc lên, đài Thánh Giuse, 5 phòng học giáo lý, xây dựng một đường kiệu chung quanh nhà thờ…Hiện nay, Giáo xứ đang mở rộng cung thánh với diện tích khoảng 300m2.
Hiện nay số giáo dân là 2621 với tổng gia đình là 628, đa số ở trong các đoàn thể: Gia trưởng, BMCG, Legiô, các ca đoàn thanh  thiếu niên,… Về tinh thần, nhờ ơn Chúa, dù hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng giáo dân đã dần dần trở về với Giáo Hội. Thêm vào đó, một số giáo dân ở các nơi đến lập nghiệp, nên tinh thần của giáo xứ ngày càng đi lên.. Hiện nay giáo xứ có truyền thống đọc kinh chung tại các giáo họ vào đầu mỗi tháng, khoảng 200-250 người tham gia. Thứ tư hằng tuần Hội Gia trường đọc kinh luân phiên gia các nhóm.
Về mặt văn hóa, trình độ văn hóa trung bình của giáo dân là ở cấp Trung học cơ sở. Có nhiều em có trình độ Đại học, cao đẳng nhưng sau khi ra trường đều làm việc tại Sài gòn vì về quê không xin được việc.
Đối với công tác xã hội, giáo xứ lưu ý đến những đối tượng như: nghèo khổ, già cả, neo đơn, bệnh tật. Hằng tuần được nhận Mình thánh Chúa, hằng tháng có cha xứ đến giải tội tại nhà…hội Legiô liên tục thăm viếng, cầu nguyện giúp đỡ trong khả năng…
 Là một giáo xứ thuộc vùng nông nghiệp, nên hiện tại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hy vọng sau khi công trình thủy lợi Tà Pao được hoàn thành, giáo xứ Gia An sẽ có một tương lai phát triển sáng lạn hơn về mặt kinh tế. Ước mong đời sống văn hóa và giáo dục sẽ phát triển theo.
Đặc biệt hướng tới tương lai, giáo xứ đang chú ý đến khía cạnh đời sống Đức Tin, huấn luyện cán bộ và đẩy mạnh công tác truyền giáo bằng đời sống chứng tá của mình, nhất là mãng truyền thông.

Gia an ngày 29 tháng 08 năm 2013
Ban truyền thông Gia An


GIỚI TRẺ VÀ THÁNH LỄ

Sống trong một xã hội bùng nổ về các phương diện: kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hoá, truyền thông… và rất nhiều những lãnh vực khác đang ngày một phát triển với mức độ là siêu tốc. Con người dần dần như những Robbot di động. Mãi mê và tất bật, chật vật khuya sớm để lo cho nhu cầu hợp thời trong một thế giới đầy biến động. Các lãnh vực về đời sống vật chật đang ngày một phủ đầy trên cuộc sống của đại đa số con nguời. Trong khi đó đời sống đạo đức, tâm linh, siêu nhiên đang ngày một xói mòn, đặc biệt là tầng lớp trẻ. Tham dự thánh lễ mỗi ngày đang ngày càng trở nên một thách đố cho các bạn trẻ công giáo.

Thách đố về môi trừơng xã hội

Một khi xã hội không ngừng phát triển, thì các nhu cầu tối thiểu của con người ngày cũng một nâng cao. Công ăn việc làm, học hành, giải trí…Tất cả nuốt chửng hết thời gian. Một ngày không còn làm việc tám tiếng nữa mà là quần quật suốt ngày, từ nông thôn cho đến thành thị, các thành phố lớn. Chủ nghĩa vật chất và hưởng thụ cũng ngày một lên ngôi. Giá cả thì tăng vùn vụt, trong khi đồng lương thì rất khiêm tốn. Các trào lưu tục hoá như những dòng thác lũ cuồn cuộn xoáy vào trong cuộc sống của những người trẻ. Sau một ngày bôn ba vất vả, từ các bạn học sinh, sinh viên, công chức cho đến những người chân bùn tay lấm. Tối về thì biết bao những phim ảnh trên Tivi, hấp dẫn gọi mời. Sáng sớm thì phải lo cho những nỗi lo của một ngày. Để có thể đến với Chúa, đòi hỏi mỗi một bạn trẻ, phải làm một cuộc lội ngược dòng.

Thách đố từ phía bản thân

Nhân đức là một thói quen thường xuyên tập luyện, những ai có thói quen thức dậy đi lễ, lâu ngày tập thành một thói quen tốt. Đành rằng những tác nhân ngoại cảnh không mấy thuận lợi cho mỗi người trong việc đến với thánh lễ mỗi ngày, thế nhưng phải nói đến lòng đạo đức và cố gắng của chính bản thân. Những người trẻ nào sinh ra trong một gia đình đạo đức truyền thống, cha mẹ luôn nhắc nhở, thì sẽ thường xuyên tham dự thánh lễ và rồi cảm thấy thiếu đi một điều gì đó, nếu như không đến với Chúa được. Ngược lại, nếu tự bản thân mỗi người, cộng với những hoàn cảnh sống của gia đình thiếu đi những điều kiện thuận lợi, người trẻ sẽ xa Chúa và thậm chí bỏ đi lễ, bỏ xưng tội, ngay cả ngày Chúa nhật và lễ buộc.

Mong sao các gia đình, giáo xứ và các hội đoàn là nơi ươm mầm cho những tâm hồn trẻ biết dấn thân và đáp lại lời mời gọi của Chúa. Họ chính là những cột trụ vững chắc cho một Giáo hội trong tương lai, mà ngày hôm nay không thể không vun trồng .

Linh mục Giacôbê Tạ Chúc





GIA NHẬP ĐẠO CHÚA

Ở cái thời xã hội hiện nay, một phần lớn anh chị em dự tòng học đạo và theo đạo chỉ với một lý do: theo vợ hay theo chồng, hiếm khi thấy trở lại đạo với sự tự nguyện của mình. Tôi thường nói đùa với những anh em đi học đạo:
Con thờ lạy Chúa Ba Ngôi
Con lấy được vợ con thôi nhà thờ.

Điều đó cũng dễ hiểu, con người sống trong một xã hội đầy đủ tiện nghi vật chất, vấn đề thực dụng đang ngày càng phát triển mạnh. Người ta luôn muốn làm những gì mà hệ quả của nó luôn là có lợi cho mình. Không ai muốn chịu thiệt thòi cho bản thân mình cả. Theo Chúa cũng thế, để lấy được vợ, cái gì cũng chịu Thế nhưng giống như người qua đò, chiếc thuyền không sinh ích gì cả, bỏ đi là xong chuyện. Giáo hội sơ khai đã rất quan tâm đặc biệt đến thời kỳ chuẩn bị của những anh chị em tòng giáo. Thời dự tòng trong giai đọan này thường kéo dài nhiều năm, thông thường từ hai đến ba năm, có khi còn dài hơn. Những anh chị em dự tòng chỉ được phép tham dự phần phụng vụ Lời Chúa, rồi sau đó ra về. Những điều này chúng ta có thể tìm thấy trong hai tác phẩm quan trọng như Sách Didachès và cuốn Hộ giáo-Aplologie của thánh Justinô. Thánh Justinô căn dặn những anh chị em dự tòng:” Tất cả những ai tin vào chân lý trong giáo huấn và học thuyết của chúng ta, cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với giáo lý mà họ đón nhận, đồng thời họ phải chăm chỉ cầu nguyện để nài xin lòng thương xót của Chúa tha thứ các tội họ đã phạm trước đây”. Origène còn nhấn mạnh thêm:” người dự tòng không lắng nghe giáo huấn của Hội thánh như nghe các bài diễn thuyết của các hiền triết và các bậc khôn ngoan, nhưng đón nhận chân lý hằng sống để biến đổi đời sống theo tinh thần Kitô Giáo”. Cử hành khai tâm cho những anh chị em dự tòng luôn đi theo một tiến trình để chuẩn bị cho họ đón nhân các ân sủng của Chúa. Sau khi hành bí tích thánh tẩy, người dự tòng sẽ lần đầu tiên tham dự Thánh Thể, Thánh Ambrôsiô coi giây phút người tân tòng tham dự Thánh Thể là lúc quan trọng đặc biệt đối với họ và cộng đòan. Còn Thánh Hppôlytô lại nhấn mạnh vinh dự của người tân tòng  lần đầu tiên được tham dự vào cử hành Thánh thể: họ sẽ dâng lời nguyện giáo dân với cộng đòan và được mời gọi dâng lễ vật để chủ tế thánh hiến thành Mình Máu Chúa Kitô( Tradition Apostolique, 7,5). Cả ba bích tích: Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể liên kết chặt chẽ với nhau, hầu làm phong phú đời sống đức tin và ân sủng cho những kitô hữu trương thành. Người ta có thể tóm tắt tiến trình khai tâm cho những anh chị em tòng giáo qua ba tích tích của Tertullien :
Thân xác được dìm xuống nước để linh hồn được tẩy sạch ( BT rửa tội)
Thân xác được xức dầu để linh hồn được thánh hóa( BT thêm sức)
Thân xác được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa kitô để linh hồn được sống nhờ Thiên chúa( BT Thánh Thể).

Đức tin là một hồng ân và một hành trình dài, hồng ân là vì do ơn của chúa, chứ không chỉ sức lực của con người. Hành trình là bởi vì cần học hỏi và khám phá luôn mãi khuôn mặt của Đức Giêsu phục sinh sau cuộc khổ nạn của Ngài. Ước mong sao những anh chị em tân tòng can đảm và theo Chúa đến cùng.


Lm Giacôbê Tạ Chúc.