Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

LUẬT TRÊN HẾT CÁC LUẬT

Chúa nhật 15 – Lc10, 25-37

Có lẽ từ khi có con người, là lúc những rắc rối luôn xảy ra. Nếu Thiên Chúa không tác thành Adam thì không có gì để nói, và nếu vườn địa đàng ngày ấy thiếu bóng Eva, chắc nhân loại bớt khổ đau hơn. Nhưng dẫu sao, nhân loại vẫn mang hình hài của một vị Thiên Chúa: Sáng Tạo và Quan phòng bằng chính tình yêu của Ngài. Ngài mời gọi con người đón nhận tình yêu và trao ban tình yêu. Giữa rất nhiều những lề luật của những người Do thái ( 613 luật, trong đó 248 điều phải làm, và 365 điều cấm). Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa, Thầy thông luật, Ngài chỉ đưa ra có hai điều, hai mà một, một mà hai : Mến chúa, yêu người.

Thực ra hai giới răn này Đức Giêsu đã lấy lại từ trong cựu ước mà cụ thể là trong sách Đệ Nhị Luật có viết: “Ngươi sẽ yêu mến Giavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, và hết sức lực ngươi”(Đnl 6, 5), và trong sách Lêvi cũng nói: “Ngươi sẽ không báo oán, không cựu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình”(Lv 19,18). Chính lề luật đã làm cho nhiều người không giữ nổi, và cũng không biết điều nào chính yếu, điều nào tuỳ phụ. Đức Giêsu đã làm nhẹ bới gánh nặng mà các Luật sĩ, Biệt phái và những người thông luật đã chất chồng lên đôi vai của những người Do Thái. Ngài cho họ thấy cái cốt lõi của Lề luật là gì. Thánh Phaolô đã diễn tả bằng những từ ngữ như sau : "Ðức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu; không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng vui khi thấy sự ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1Cr 13,4-7).

Tin mừng Chúa nhật 15 nằm trong một ngữ cảnh hết sức đặc biệt, có thể nói đây là những cuộc khủng bố Đức Giêsu, nhóm những người Sađốc đưa vấn đề kẻ chết sống lại để gài bẫy Chúa Giêsu, còn những người Biệt phái và Luật sĩ thì chất vấn Chúa về lề luật. Người Luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “ Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”(Lc10, 25). Và Đức Giê-sa đã chỉ ra cho anh, bằng giới luật yêu thương như khuôn vàng thước ngọc.

Giới răn trọng nhất

Nếu có ai đó hỏi tôi: “ Đối với bạn điều gì quan trọng nhất”, câu trả lời có lẽ nhiều lắm. Sức khoẻ, vâng không có nó tôi sẽ không làm được gì, thiếu nó tôi sẽ không thể suy nghĩ, hoạt động và thực hiện những ước mơ của mình. Hãy hỏi những người vừa thoát qua những cơn bệnh hiểm nghèo, để thấy sức khỏe quý giá vô cùng. Tiền bạc, vâng quý lắm và cần thiết lắm. Không có nó tôi cũng như người cụt tay, những dự án chỉ trên sách vở chứ không mang ra thực hành. Danh vọng và lạc thú, nó có sức thu hút rất mạnh liệt, biết bao cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt đã xảy ra chỉ vì hai anh này. Tình yêu, quan trọng vô cùng, nhưng chưa đủ khi không phải là tình yêu của Thiên Chúa. Giới răn trọng nhất mà Chúa Giêsu đã dạy cho con nguời là: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi. Thứ đến cũng giống như điều ấy: ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi”(Mt 22, 37-38). Sống là một lựa chọn, nếu mỗi người đã chọn Chúa thì cũng có nghiã là chấp nhận mọi thua thiệt vì Danh Chúa. Yêu mến Chúa cũng là yêu thương anh em như chính mình. Chúa Giêsu dùng lối so sánh cực cấp để cho thấy điều răn quan trọng nhất và lớn nhất. Là người Kitô hữu, cần có bổn phận thi hành giới răn của Chúa.

Mến Chúa có dễ không ?

Câu trả lời có lẻ là dễ, vì ai cũng có thể làm được. Thánh Phêrô cũng đã từng nói: “ Lạy chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Thế mà trong hồi thương khó, Phêrô lại chối Chúa. Nhiều người đến nhà thờ mỗi ngày, đọc kinh, rước lễ, hoạt động công tác Tông đồ, rất siêng năng, đạo đức thánh thiện. Những điều này chứng tỏ họ yêu mến Chúa. Khi đi đàng Thánh Giá, hay cử hành các nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, rất nhiều người khóc, khóc sướt mướt., những giọt lệ cảm thông và yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa, rất dễ, vì Chúa ở trên cao, Chúa Giêsu tay chân Ngài bị cột chặt trên Thập Tự Giá, Ngài không làm gì mất lòng ai, nên yêu mến Ngài dễ, dễ lắm. Nếu không tin thì cứ thử, thử yêu Ngài rồi sẽ thấy dễ để yêu Chúa lắm.

Thương người thì sao?


Chúa Giêsu có lần Ngài đã bảo, không phải những kẻ lạy Chúa, lạy Chúa là được vào thiên đàng cả đâu, nhưng chỉ những ai nghe và giữ lời Chúa mới được vào Nước Trời. Thương người như thể thương thân, nói thì dễ mà làm mới khó. Theo lẽ tự nhiên, mỗi người chỉ thích yêu những người yêu mình, những người ủng hộ mình, giúp đỡ mình. Còn lại thì chúng ta sống thờ ơ, lãnh đạm với anh em. Còn Chúa, Ngài dạy yêu thương hết mọi người và bằng  một cách quảng đại, ngay với cả kẻ thù mình: “Anh em đã nghe luật dạy rằng : Hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). Yêu người không phải chỉ là lý thuyết nhưng là hành động, cụ thẻ bằng những việc làm của mình. Dụ ngôn mà Tin mừng ghi nhận về người Samaria nhân hậu là một thí dụ điển hình cho cuộc sống của chúng ta. Yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Thương yêu cần sự đáp đền từ hai phía: người yêu và kẻ được yêu. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta qua thư gửi cho tín hữu Do Thái : “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm việc tốt” (Dt 10,24).

Tình yêu là đề tài xưa như trái đất, thế nhưng nó là nguồn gợi hứng rất phong phú cho các nhà thơ, văn, kịch nghệ, và nhiều người tuôn tràn những cảm xúc, tự tận đáy lòng. Một em học sinh hy sinh mạng sống để cứu bạn, một nhóm tình nguyên viên lên đường đến nhũng nơi bị thiên tai, lũ lụt để giúp đỡ. Một Maximilia Kolbê đánh đổi mạng sống mình để cứu lấy bạn tù, một mẹ Têrêxa Calcuta luôn giúp đỡ những người nghèo bị bỏ rơi, một Đức cố  Hồng y Fx: Nguyễn Văn Thuận, một Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, luôn là những dáng dấp và chỗ đứng của Thiên Chúa, cho con người trong thế giới ngày hôm nay.
Hãy yêu nhau như Chúa đã yêu và đã dạy mỗi người:
Vì yêu, Thiên Chúa đã trao ban cho thế gian chính “Con Một” yêu quí của Ngài (Ga 3,16).
Vì yêu, Đức Giêsu đã tự cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,4-15).
Vì yêu, Đức Giêsu đã tuyệt đối vâng lời Chúa Cha, cho dù bản thân Ngài không muốn (Lc 22,42).
Vì yêu, Đức Giêsu đã tự hiến thân mình làm lương thực nuôi dưỡng con người (Mt 26, 26 - 28).
Và đỉnh cao của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người chính là cái chết trên Thập giá. Một tình yêu trao ban trọn vẹn. Một tình yêu tuyệt đối. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và câu trả lời mà Chúa Giê-su dành cho nhà thông luật, cũng dành để cho mỗi chúng ta: “ Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy và ông sẽ sống” (Lc 10, 28).

Lm Giacôbê Tạ Chúc


suy niem

LỜI THÌ THẦM CỦA CHA
Con biết không, cha yêu con! Từ đời đời và mãi mãi.  Trong hư vô và vào hiện hữu. Nếu không, con sẽ không có trên cõi đời này, con yêu ạ.
Lúc con còn trong bụng mẹ, ngay  cả khi con chưa thành  hình trong dạ mẹ, vâng Cha đã nâng niu và ẵm bồng con. Luôn luôn sự có mặt của con trên đời, là một vinh quang  trong tình yêu tác tạo của Cha. Con nghĩ xem, trong muôn loài Cha đã dựng nên, có loài nào có được vóc dáng và khôn ngoan như con đâu. Mặc dù tội lỗi đã làm con hoen úa, sự bất trung như thảm họa làm con phải cách xa Cha, nhưng con hãy luôn nh cho rằng: mãi mãi tình Cha không đổi thay bao giờ. Cha đã tạo dựng nên con và không bao giờ hối hận, vì sao đã sinh ra con, và vì sao phải cứu độ con. Con hiểu không, ở Cha luôn là một tình yêu Phụ tử và bất diệt. Có khi nào con cảm thấy thật sung sướng khi trên đời này, mình có một người Cha thật tuyệt vời như vậy không? Mà dù con có thế nào chăng nữa, Cha vẫn không bỏ rơi con trong tuyệt vọng. Cha vẫn luôn là người Cha tốt lành, nhân hậu và xót thương.
Con yêu, hãy mau quay về với Cha, vì nhà Cha có rất nhiều tiện nghi, nơi ăn, chốn ở, con sẽ không thiếu thốn sự gì, hãy về nhé con yêu của Cha.

Lm Giacobe Tạ Chúc