Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

chia se

Vào Hạ

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Những ca từ thật đẹp của nhạc sỹ Vũ Hoàng và chất thơ mộc mạc của Đỗ Trung Quân dìu đưa hồn người ngất ngây vào hạ. Hắn lâng lâng nắn nót từng phím đàn và lướt trên từng dòng nhạc để lắng nghe mùa hoa phượng gọi mùa thi, gọi mùa hè,và  gọi mùa giã từ những khung trời tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm đẹp, của một thời áo trắng thư sinh.

Năm cuối cùng, thi tốt nghiệp và thi vào đại học, thú thật tâm trạng hắn rối bời, không biết giữa ngã ba đường, “chọn một dòng hay để nước trôi”. Cha xứ và cha mẹ muốn hắn thi vào chủng viện, để làm linh mục, hắn cũng muốn trở nên một vị Tông Đồ cho những người nghèo, những người bị thiệt thòi trong xã hội. Nhưng trong lòng hắn, bóng dáng của những thiên thần tà áo trắng luôn làm hắn khựng lại và trằn trọc thao thức bao đêm. Không biết phải chọn con đường nào đây? Theo Chúa không thể làm tôi hai chủ, hắn nhắn tin hỏi Chúa, không thấy tín hiệu trả lời. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”, đầu óc hắn quay cuồng, chân tay hắn khua ra những nhịp điệu vô nghĩa. Mười hai năm đèn sách, năm cuối cùng trĩu một gánh âu lo. Làm sao đây? Chọn con đường nào, hắn muốn làm một cuộc tung hứng hai con xúc xích lên không trung và bắt thăm cho một hành trình quan trọng của cuộc đời và phó mình như đám lục bình trôi nổi. Nhưng như vậy mạo hiểm quá, bạn bè hắn khuyên hắn nên thi vào một trường Đại học, theo học để lập nghiệp, để thỏa chí của thời trai trẻ. Cha mẹ già và những đứa em, cuộc sống từng ngày lam lũ ở chốn quê nhà… Tất cả như cuốn phim quay chậm hiện lên trên màn hình tâm trí hắn. Dòng đời phức tạp quá, nó không êm ả như dòng sông quê mà mỗi chiều tan học, hắn cùng lũ bạn, tha hồ mà vùng vẫy. Tuổi thơ cũng đã bắt đầu trôi qua, phía trước là một quãng trời tràn ngập muôn sắc hương lòng. Có níu kéo với những kỷ niệm cũng vô ích. Hắn đang dò dẫm và cố phá tan những giấc mơ để bơi vào trong dòng nước của hiện thực. Quyết định rất quan trọng, vì tất cả sự thành công hay thất bại đều do những hướng đi lúc ban đầu. Ôi thật là cái thưở ban đầu vô vàn gay cấn này. Nó làm hắn nghĩ mãi đến qên ăn, quên ngủ.

Tiếng chuông chiều từ Thánh đường vọng đổ, vẫn đều đặn mỗi ngày, chẳng biết từ bao giờ. Mẹ kể gác chuông đã qua năm đời cha xứ, hẳn cũng trên 50 năm kinh qua chiến cuộc. Nhiều lần bom đạn phá đổ, và cũng nhiều lần được xây dựng lại. Tiếng chuông thánh thót, ngân dài, trầm bỗng. Ba quả chuông là ba note nhạc: đô-mi-sol, rung lên hợp âm đô trưởng, réo rắt và vút cao như nâng hồn người lên đỉnh cao của cõi nhiệm mầu. Tiếng chuông là tiếng Chúa, hắn nhủ thầm và sửa soạn đi đến nhà thờ. Hôm nay hắn sẽ cầu nguyện với Chúa, hắn sẽ dâng cuộc thi sắp đến cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse và Thánh Bổn mạng. Biết đâu Chúa chọn hắn làm linh mục. Thánh lễ thiếu nhi mỗi tuần đối với hắn rất quen thuộc, nhưng hôm nay, hắn cảm nhận rất lạ, có điều gì đó làm hắn say sưa và dâng trào những xao xuyến của cõi lòng. Không phải anh em chọn Thầy, nhưng là Thầy chọn anh em, lời Chúa trong Thánh lễ làm hắn nghẹn ngào, hắn muốn thân thưa cùng Chúa, và đáp tiếng Ngài gọi mời.

Gần kỳ thi tốt nghiệp, hắn và bạn bè tranh thủ từng chút thời gian, ai cũng có chung một tâm trạng: hồi hộp và lo lắng. Đứa nào cũng dốc toàn bộ sực lực để ngấu nhiến từng con chữ. Phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp, đứa nào cũng quyết tâm cao. Có nhiều đứa cao hứng vạch ra cho mình một tương lai đầy hứa hẹn. Thi tú tài, thi vào đại học, đứa muốn làm kỹ sư, đứa mơ làm bác sĩ, đứa chọn nghề sư phạm, rôm rả bàn tán, toan tính tương lai. Khi bạn bè hỏi hắn, hắn chỉ mỉm cười và im lặng. Trong hắn chỉ mong sao thi đậu vào chủng viện, hoặc có học hành gì thì điểm đến hắn vẫn thích làm linh mục. Ước mơ này được hắn ấp ủ và chỉ tâm sự với một mình mẹ.

Nắng đã nhạt dần, đường về chiều hoàng hôn giăng kín. Hắn bước vội qua những con đê dẫn về nhà. Ngang qua cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những ngọn gió rì rào nhẹ đưa vô vàn chiếc lá rụng rơi. Hắn khe khẽ hát lên: “Ngài sai tôi đi vào đời, niềm tin yêu vời vợi, Ngài sai tôi đi mọi nơi”. Những sợi tơ lòng rung theo điệu hát, nhịp bước chân phơi phới như đang bay. Hắn vui sướng vì cuối cùng hắn cũng chọn được một con đường. Đường ngập nắng và ngút ngàn   hương. Đường  yêu thương như những sớm tan trường. Đường bình thường như hơi  ấm chiều sương. Đường hy vọng ngời sáng tên Giê-su.

Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc





gioi tre

Đức Tin và Giới Trẻ

Sống trong thế giới của những phát minh khoa học kĩ thuật, Các bạn trẻ dường như càng có thêm nhiều cơ hội để tự khẳng định mình. Qua việc học tập mở mang kiến thức, nhiều bạn trẻ đã thực sự đem lại nhiều cống hiến cho xã hội và giáo hội. Khoa học kĩ thuật giúp ích nhiều cho đời sống con người nhưng cũng mang đến không ít mặt trái. Với các bạn trẻ mong muốn hiểu biết, khao khát chinh phục, thích sống tự do hưởng thụ thì xã hội hôm nay cũng đang dần thay đổi theo ước mơ của họ.  Giữa một thế giới chạy theo những giá trị vật chất và yêu thích sống hưởng thụ, tôi tự hỏi cái tên GiêSu có còn chút ấn tượng nào với các bạn trẻ chăng ? Liệu Các bạn trẻ nhất là giới trẻ công giáo có còn giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa nơi mình không ?
Thật đáng lo ngại khi nhìn vào hiện trạng sống đức tin của giới trẻ hiện nay. Nhiều bạn trẻ không biết đến nhà thờ, hoặc đi nhà thờ theo cảm hứng, thích đi lúc nào thì đi. Hay có nhiều bạn nếu đến nhà thờ đi lễ thì là vì bổn phận, vì làm theo ý muốn của Ba Mẹ.  Không tha thiết, không thích thú, nhiều bạn chỉ dự lễ ở bên ngoài, đôi khi còn tụ tập hút thuốc nói chuyện. Khi được những người khác khuyên, các bạn trả lời rằng “ sống đạo tại tâm là được rồi. Đi nhà thờ nhiều cũng thế thôi. Nhiều người đi lễ đọc kinh nhiều nhưng rồi có sống tốt hơn ai đâu .” Có nhiều bạn trẻ, ráng cố gắng giữ đạo, đọc kinh, đi lễ cho tới khi lấy được vợ, cưới được chồng thì lại trở về chứng nào tật nấy. Nếu thử hỏi các bạn trẻ có thường đọc Kinh Thánh không ? Hay sau mỗi thánh lễ còn nhớ một câu lời chúa nào chăng ? Thì có lẽ câu trả lời có thật hiếm gặp. Nhiều giáo xứ đã không khỏi băn khoăn lo lắng khi thấy các đoàn thể của giới trẻ đang dần giảm sút về thành viên.
Càng đáng buồn hơn, trong thời gian gần đây, rất nhiều tội phạm đăng trên các báo lại là các bạn trẻ công giáo. Nhiều bạn đã tham gia vào các tệ nạn xã hội và để lại nhiều hậu quả đáng thương tâm. Vâng còn rất nhiều biểu hiện sa sút về đức tin của giới trẻ mà bài viết không thể kể hết.
Với thực trạng ấy, chúng ta tự hỏi rằng đâu là nguyên nhân ảnh hưởng đến đức tin của giới trẻ ? Vâng, có rất nhiều nguyên nhân. Trong giai đoạn chập chững vào đời, nếu các bạn trẻ không được hấp thu một nền giáo dục  đức tin tốt thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều về sau.
Gia đình là chiếc nôi hình thành nên nhân cách và tính cách con người. Vì thế gia đình là môi trường giáo dục đức tin quan trọng nhất. Nếu Ba Mẹ thiếu chăm lo dạy dỗ đức tin cho con cái, và không làm gương sáng thì làm sao các bạn trẻ có được đức tin.
Ở một vài nơi, vì thiếu điều kiện, giáo xứ thiếu vắng linh mục, các bạn trẻ không được dạy giáo lý nhiều, không thể tham dự thánh lễ thường xuyên nên đức tin rất dễ bị lung lay.
Và một nguyên nhân không thể không kể đến. Đó là hầu hết các ban trẻ đều đã trải qua quãng đời học sinh, sinh viên. Những kiến thức chúng ta học được từ nhà trường quả là hữu ích. Tuy nhiên không ít môn học làm cho ta phải luôn đấu tranh với niềm tin của mình.  Ở trường học, không ai dạy ta sống đức tin, càng không có nhiều nhân chứng đức tin cho chúng ta. Hơn thế nữa, những bài học về giá trị nhân bản đạo đức cũng rất hiếm thấy.  Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhiều bạn trẻ hiện nay. 
Trong thế giới hôm nay, nhiều người đã đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Vì không có Thiên Chúa, họ không còn bị ràng buộc, có thể sống thoải mái hơn, hưởng thụ nhiều hơn. Nhiều bạn trẻ từ chối Thiên Chúa, vì theo Chúa chỉ có thiệt thòi mà thôi. Sống giữa xã hội tôn thờ những giá trị vật chất, thiếu coi trọng những giá trị tinh thần, xem thường những giá trị luân lý đạo đức, giới trẻ cũng đã chịu ít nhiều tác động.
Bên cạnh những lí do khách quan kể trên, thiết nghĩ lí do quan trọng nhất ảnh hưởng hoặc làm mất đi đức tin vẫn là từ chính các bạn trẻ. Những tác động bên ngoài cũng chỉ ảnh hưởng phần nào mà thôi. Vì nếu các bạn từ chối đón nhận chân lí đức tin, từ chối một Thiên Chúa giàu lòng xót thương thì làm sao các bạn có thể gặp gỡ được Thiên Chúa. Và nếu chính mỗi bạn trẻ không tin và sống điều mình tin, thì làm sao giữ được niềm tin của mình.
Đức tin của giới trẻ hiện nay quả là vấn đề hết sức khẩn thiết. Điều này đang đặt ra một dấu hỏi lớn cho giáo hội, cho các giáo xứ, cho gia đình và cho mỗi bạn trẻ. Làm sao để giáo dục đức tin cho giới trẻ hôm nay ?
Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, nhưng Ngài cần con người mở lòng đón nhận những chân lý đức tin.  Với những tâm hồn càng khiêm nhu, dường như họ càng đón nhận nhiều ơn mặc khải và thêm vững mạnh trong đức tin. Thiết nghĩ, thành tâm thiện chí là điều kiện quan trọng để có đức tin.  Để đức tin được hình thành cần có sự  giáo dục từ phía gia đình, từ giáo xứ . Để đức tin trưởng thành lớn mạnh cần có sự  cảm nghiệm, trải nghiệm và thực nghiệm của chính bản thân mỗi người. Ước mong mỗi gia đình, nhất là Ba Mẹ luôn là mẫu gương sáng về đời sống đức tin cho con cái. Ước mong mỗi giáo xứ sẽ có nhiều bước đi sáng tạo, có nhiều sáng kiến hay trong việc đến với giới trẻ, giáo dục đức tin cho giới trẻ. Sẽ thật tuyệt vời, nếu các Linh mục, tu sĩ trở nên gần gũi và thân thiện với các bạn trẻ để từ sự thông hiểu sẽ hướng dẫn họ bước đi trong ánh sáng đức tin. Theo gương Cha Thánh Gioan Donbosco, mong sao những người có trách nhiệm luôn coi trọng, yêu thương và giáo dục giới trẻ. Vì giới trẻ hôm nay là giáo hội ngày mai.
Với chính mỗi bạn trẻ, hãy luôn tự ý thức đào luyện cho mình về đời sống nhân bản, giàu tính nhân văn.  Các bạn phải luôn nhớ trách nhiệm nặng nề mình đang gánh vác, đó là tương lai giáo hội và xã hội. Hãy mở rộng trái tim mình để Thiên Chúa bước vào tâm hồn ta, để ta cảm nhận sự hiện hữu và tình yêu vô biên của Ngài. Và hãy tôn trọng và bảo vệ những giá trị luân lý. Ước mong sao các bạn sẽ luôn tin và luôn sống những điều mình được học. “ Đức tin không hành động là đức tin chết”.  Chúng ta hãy cùng làm triển nở đức tin của mình qua đời sống chứng nhân giữa lòng thế giới hôm nay.
Tuy giới trẻ công giáo có nhiều biểu hiện đi xuống trong đời sống đức tin, nhưng vẫn còn không ít bạn trẻ đã khơi lên cho giáo hội niềm hy vọng. Rất nhiều hội đoàn của giới trẻ được thành lập để tham gia công tác xã hội và giáo hội. Những bước chân của giới trẻ đã không từ chối lời mời gọi lên đường truyền giáo của Mẹ Giáo Hội.  Nhiều bạn trẻ đã can đảm chọn cho mình thần tượng tên Giêsu để rồi luôn gắn bó với Ngài trong cuộc sống.
Giáo hội luôn yêu mến và luôn cần đến các bạn trẻ. Những người trẻ với khả năng chuyên môn, sự nhiệt tình, năng động, trẻ trung, yêu đời, và một lòng say mến Chúa mãnh liệt đã trở nên những cột trụ tương lai cho giáo hội. Mỗi người chúng ta hãy cùng góp phần xây dựng giáo hội qua việc giáo dục đức tin cho giới trẻ.

Maria Như Ngọc






Loi Chua

HÃY ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG(Chúa nhật 14 thườngniênC) Lc 10, 1-12,17-20

Việc truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội Chúa Kitô (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4, 16), dựa trên sứ mạng mà Chúa Cha đã giao cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)  Sứ mạng mà chính Đức Giê-su đã ôm ấp và thao thức khi Ngài nói với các Môn đệ: “ Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về” (Lc 10, 2). Ngay sau đó Đức Giê-su đã sai từng hai người một trong số 72 môn đệ ra đi gặt lúa về.

Từng hai người một: công việc của Chúa đòi hỏi có sự cộng tác, chia sẻ và nâng đỡ nhau. Người Việt nam có câu: “ Ra ngoài chị ngã em nâng”. Người môn đệ của Chúa phải luôn có sự nối kết, gặp gỡ và hoà đồng trên bước đường truyền giáo, vì những nẻo đường đi qua và được Chúa sai đến có thể: “ Như chiên con đi vào giữa bầy sói (Lc10,4). Sống với, cho và vì anh chị em, như một dấu chỉ để minh chứng sự thật toàn diện về Chúa Giê-su. Không ai có thể tin vào Đấng mà họ không trông thấy bao giờ, nếu không có người nói về Đấng ấy. Từng hai người một như là một minh chứng hữu hiệu cho mọi hoạt động Tông đồ, quy hướng về chính Đức Giê-su Ki-tô.

Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép: như một quy luật tất yếu của người theo Chúa, vì: “ Chim trời có tổ, con chồn có hang và con Người không có nơi gối đi”, “Ra đi là chết trong lòng một ít”. Người học trò của Thầy Giê-su không bám víu vào các thực tại trần gian một cách quá lệ thuộc. Hành trang là kinh nguyện, ân sủng trong các Bí tích, và luôn khắc ghi vào lòng: “Không có Thầy, chúng con không làm gì được”.

Anh em hãy đi khắp thế gian, loan Tin mừng cho mọi loài thụ tạo (Mc 16,15). Chúa rất cần sự cộng tác một cách quảng đại và vô điều kiện của từng người. Đã đến lúc lên đường, mùa gặt đã chín, cánh đồng phơi phới dưới nắng ân sủng rực tràn. Lòng hân hoan nối tiếp gót chân vàng của 72 môn đệ, chúng con nguyện ra đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa.


Lm Giacobe Tạ Chúc.

Cha

NGÀY CỦA CHA

Cơn mưa chiều bất ngờ ập đến, những làn gió theo mưa vào hạ, con đường sủng ướt nước cuốn theo. Ngồi một mình trong căn gác vắng, hắn cảm thấy nhớ cha vô cùng. Nhất là mỗi lần tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Từ ngày mất cha, cũng là lúc hắn cảm thấy thiếu đi một điều gì đó, mà không sao có thể bù đắp nỗi.

Kỷ niệm mãi khắc ghi, hình bóng người cha thân yêu trong hắn luôn là một ký ức len lỏi vào trong những nỗi nhớ niềm thương, không phải bất chợt, mà là những khoảng khắc khó phai mờ trong lòng hắn. Một thưở còn thơ, có thể khi trí khôn hắn bắt đầu xếp thành lớp những hình ảnh tạo thành từ những miền còn ấu thơ. Cha thường chở hắn đến trường. Mỗi tối, sau một ngày vất vả, cha cõng hắn trên vai, rảo qua các con hẻm và ghé lại các tiệm bán bánh kẹo, bán đồ chơi. Hắn tha hồ theo tiết tấu của nhạc khúc: lộc cà lộc cà lộc, nhong nhong nhong, cha làm con ngựa, để cho con vui cỡi con ơi…Cha hắn làm trong bệnh viện, ngoài giờ hành chánh, ông lại chạy xe ôm để kiếm thêm tiền nuôi anh chị em hắn đi học. Những ngày chúa nhật, sau giờ tan lễ, cha lại chở anh em hắn ra bền sông Bạch Đằng, để ngắm nhìn dòng sông và những con tàu cập bến. Tuổi thơ hắn trôi đi trong vòng tay yêu thương của cha thật ngọt ngào.
Sau biến cố năm 1975, gia đình hắn loạn lạc, cha phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, vào sinh ra tử để gia đình được yên hàn. Sau thời binh biến, cha phải nhọc nhằn vất vả, một nắng hai sương, gồng gánh bằng mồ hôi và nước mắt để nuôi hắn ăn học, trong thời buổi khó khăn, gian khổ. Cứ thế và thời gian trôi đi, hắn lớn khôn mỗi ngày và cha cũng ngày một già hơn. Sau nhiều năm quá vất vả, và rồi để một ngày, cha mãi mãi ra đi, bỏ lại hắn và gia đình trong nỗi đau tê tái lòng. Mất cha, hắn không tài nào nguôi ngoai được, câu ca dao mà người ta thường nói thật là ý nghĩa vô cùng:
“ Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết, gót con đen sì”
Nhân ngày của cha, hắn lặng lẽ bên căn gác với cung đàn nhỏ giọt thê lương. Chiều lại mưa, những giọt mưa lạnh lùng phủ kín đường vào nghĩa trang heo hút gió lạnh đầy. Hắn đốt vội điếu thuốc, đưa lên miệng để phả một vài làn khói xua tan đi cái lạnh của chiều mưa. Xa xa, con đường mờ mờ,  ẩn khuất dưới cơn mưa buổi chiều. Lòng hắn cảm thấy lạnh lạnh khi khói nhang trên bàn thờ sắp tàn, và chiều vội vã giăng màn theo cơn mưa, nỗi nhớ cha dai dẵng, như không thể dứt  trong cơn mưa của một buổi chiều .


Lm Giacobe Tạ Chúc 

Mua ha

NỖI LÒNG MÙA HẠ

Cố nhạc sỹ Thanh Sơn đã viết trong ca khúc: “Nỗi buồn hoa phượng” rằng: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương”, vâng là thế khi những cơn mưa chợt đến, chợt đi. Hoa phượng thắm đỏ như máu con tim. Ve buồn tấu khúc biệt ly nhớ nhung từ đây. Tuổi học trò vội vã cuốn theo những chiều mưa mùa hạ, mưa mùa thi và mưa bên cửa lớp. Ai cũng một lần, gọi mùa hạ nắng lên thắp đầy, và mưa lất phất bay trong một chiều chúa nhật hẹn hò đây đó.

Mùa hạ khép lại tuổi học trò và mở ra biết bao hoài bão. Áo trắng thư sinh, viết nên bao câu chuyện tình đẹp nhất trần gian. Tuổi chữ I, chữ tờ, cứ mãi loay hoay để rồi đến lớp phải ăn một quả trứng vịt thật to tướng. Tuổi một thời: “Trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao”( trong bài thơ Quê hương của Giang Nam). Ôi tuổi của những ngày tháng hạ rong chơi thả diều, bắt dế, đá banh…Sân trường vắng hoe khi ve sầu khóc nức nở. Thi vị và cũng thật tội nghiệp cho sân trường, những ngày hạ mưa trắng xoá và buồn bã,  khi vắng tiếng nô đùa của lũ học trò,  tiếng giảng bài thánh thót của thầy cô, tiếng của những chú chim sâu chuyền cành tìm mồi mỗi sáng. Hạ đong đầy những nỗi nhớ niềm thương. Tìm nhau qua mấy thưở bạc đầu. Se chỉ tay vẫn thấy màu mực đọng qua năm dài tháng rộng. Hồn nhiên như tuổi học trò, tan trường như ong bầy vỡ tổ. Hạ về sách bút tạm gác qua một chỗ, các cô cậu năm cuối cấp canh cánh một gánh nặng của những nhọc nhằn, pha lẫn âu lo. Rồi đây tương lai sẽ ra sao, đậu tú tài, đậu dại học. Cánh cửa giảng đường đại học có rộng mở hay phải vào qua cửa hẹp. Tốt nghiệp đại học, cao đẳng rồi vẫn thao thức với chuyện nghề nghiệp, lương bỗng. Thì ra mùa hạ có  lắm điều phải nói, phải gói trọn những tâm tình. Đôi khi chạnh lòng, với những xao động lúc bình minh hay khi hôn hoàng. Mùa hạ vẫn tự bao đời: rung cảm và lãng du như những thi sĩ tài  hoa  trong cuộc đời.

 Cám ơn những cơn mưa chiều mùa hạ. Có ướt át, có chút se lạnh nhưng vẫn nồng ấm hương kinh của những tín hữu sùng đạo cất lên từ một xóm nhỏ nào đó trong chiều mưa bay.


Lm Giacobe Tạ Chúc 

chia se

NỖI ĐAU NGÀY MẤT CHA

Cha tôi ra đi vào ngày mồng hai tết, giữa mùa xuân đang mọng chín ngọt lành. Sáng thức dậy, đang chuẩn bị cho giờ kinh đầu ngày và thánh lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, nhân dịp đầu năm mới. Bất chợt, chuông điện thoại reo lên. Tôi nhận được tin từ đứa cháu: “Ông mất rồi, chú về đi”. Trời đất như sụp đổ, tôi gào lên và gọi trong nghẹn ngào hai chữ: “ Ba ơi”.

Gắng gượng dậy để che dấu đi một nỗi mất mát quá lớn lao, tưởng chừng như không sao vượt qua được. Tôi kết những dòng lệ thành lời kinh ban mai của một ngày đầu xuân dâng lên Thiên Chúa, tôi tin Ngài và mãi mãi tín thác vào Ngài. Thế nhưng, trong phận người bất tất, tôi không sao cản nỗi trên hai gò má, những dòng lệ tuôn rơi. Tội nghiệp các em lễ sinh, chúng không sao hiểu được, sao cha lại khóc? Lời của bài hát : “ Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình”, càng làm tim tôi se sắt. Tôi chưa kịp về để mừng tuổi ba, thì ba đã ra đi vĩnh viễn khỏi cỏi đời này. Phải chăng trong trách nhiệm của một vị Mục tử, tôi phải làm tròn sứ mạng mà Chúa và Giáo hội đã uỷ thác. Tôi dâng Thánh lễ trong nhạt nhoà nước mắt, và có lẻ, đó là một thánh lễ tôi cử hành với một niềm xác tín mãnh liệt nhất trong đời. Cầu cho ông bà tổ tiên, những người đã ra đi, hay còn ở lại. Tất cả là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương con người đã ban tặng. Ba mất, chúng tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng, từ đây, mỗi lần về thăm nhà, tôi không thể nhìn thấy bóng hình cha yêu nữa. Công đức sinh thành, dưỡng dục, suốt đời làm sao tôi quên được. Dù rằng đã lớn khôn, nhưng với ba tôi vẫn thấy mình như trẻ thơ ngày nào.

Trong đời, ba mong ước được ra đi bình an, và điều đó đã được toại nguyện. Ba còn mong sao thánh lễ có nhiều cha đồng tế, và chắc rằng ba đã thoả mãn những ước mơ. Khép lại nỗi đau riêng để bước vào một hành trình thiêng liêng, của Mùa chay và Năm đức tin. Tôi cảm thấy một niềm bình an nhẹ nhàng, và một thoáng gió xuân mang theo niềm tri ân, và niếm cậy trông vào sự quan phòng của Đấng là Cha hết mọi loài.

Lm Giacobe Tạ Chúc