SỐNG KHIÊM NHƯỜNG (Lc
14.1.7-14)
Chúa nhật 22, năm C.
Trong kinh đọc hằng ngày, ta gặp
thấy nhân đức khiêm nhường xuất hiện đầu tiên trong bảy nhân đức. Cải tội bảy mối
có bảy đức: “ Thứ nhất khiêm nhượng chớ kêu ngạo”. Một đức tính tự nhiên của
con người, mà Thiên Chúa đã phú ban. Sách Huấn ca và trang Tin mừng hôm nay,
chúa nhật 22 thường niên đều nói đến nhân đức này.
Càng tự hạ con sẽ càng đẹp lòng
Chúa (Hc 3,17-18)
Tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng
khiêm hạ thẳm sâu. Trời xanh, biển cả và muôn loài đều là công trình của Chúa.
Vạn khắp nơi nơi bày tỏ vinh quang của Ngài. Trời là ngai và đất là bệ dưới
chân Chúa. Vậy mà, Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng vô cùng khiêm cung. Ngài đã tự hạ
mình xuống làm người qua con mình là Đức Giê-su Ki-tô. Hình ảnh Đức Giê-su cúi
xuống rửa chân cho các môn đệ, cho thấy
sự hạ mình đến tự hủy và xóa mình đi của Thiên Chúa. Các nhà thần học gọi là
“quyền năng xóa mình đi, chỉ cần ít quyền năng để phô trương, nhưng cần nhiều
tình yêu để khiêm nhượng”. Sự khiêm nhường đi liền với tình yêu, và vì Thiên
Chúa là Đấng giàu lòng thương yêu, nên cũng có nghĩa là Ngài rất mực hạ mình. Cúi
đầu trước người có quyền thế chưa hẳn là sự khiêm nhường, nhưng người cao trọng
quyền chức mà cúi đầu trước kẻ kém hơn mình mới là sự khiêm nhường đầy tự phát,
như Đức Giê-su đã làm trong bữa tiệc ly.
Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống,
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 14, 1.7-14).
Quan sát một bữa tiệc với nhiều thực khách, họ
thuộc mọi thành phần trong xã hội, thượng vàng hạ cám. Tâm lý chung của con
người bao giờ cũng muốn được người khác kính trọng. Cha ông xưa thường hay nói:
“Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Không lạ gì bữa tiệc trong nhà một
người biệt phái có Chúa Giê-su đến dự hôm ấy. Người ta mời Chúa không vì tình
nhưng vì mình. Họ muốn dò xét và bắt lỗi Chúa. Nào là không rửa tay, nào là làm
việc ngày Sabbat…Nói chung không có thiện ý tốt lành. Đức Giê-su thấu hiểu lòng
dạ của con người. Nhân dự một bữa tiệc mà Ngài dạy cho con người bài học về sự
khiêm nhường. Có một thầy Rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói
chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức vô song của thầy.
Một người trong bọn họ nói:
- Từ thời Salomon đến nay,
chưa có ai khôn ngoan như thầy.
Người khác nói:
- Đức tin của thầy ngang ngửa
với đức tin của tổ phụ Abraham.
Người thứ ba nói:
– Chắc chắn sự kiên nhẫn của
thầy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp.
Người thứ tư châm vào:
- Về sự cầu nguyện thân mật
với Chúa, chỉ có Môsê và thầy mà thôi.
Vị Rabbi tỏ ra không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông
mới hỏi:
- Ông có nghe họ ca tụng ông
không?
- Có.
- Thế tại sao ông lại tỏ ra
bực dọc như thế?
Vị Rabbi than phiền:
- Vì không có ai nhắc đến sự
khiêm tốn của tôi!
Lạy Chúa, xin cho mỗi người biết
khiêm nhượng để nhận ra mình cần đến lòng xót thương và thứ tha của Chúa, như
lời Thánh vịnh : "Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa
ơi”(Tv 130, 1). Ai sống khiêm tốn thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương và được mọi
người quý mến. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm
nhường” (1Pr 5,5). Điều Chúa cần nơi chúng ta chính là tấm lòng khiêm tốn thực
thi thánh ý Người.
Linh mục Gia-cô-bê Tạ Chúc