BA DỤ NGÔN VỀ LÒNG XÓT THƯƠNG (Lc 15, 1-32)
Có thể nói Phúc âm của Thánh sử Luca, là một bức tranh
hiện sinh về hình ảnh nhân hậu, đại lượng và tình yêu của Thiên Chúa đối với
con người đang khi họ còn là những tội nhân. Đoạn Tin mừng giới thiệu ngữ cảnh
để dẫn đến ba dụ ngôn, đó là: khi Chúa Giê-su tiếp đón những người thu thuế và
các người tội lỗi. Dưới cái nhìn của những ông Kinh sư và Pha-ri-siêu thì không
thể chấp nhận được. Không thể lý giải bằng những ngôn từ trừu tượng, Đức
Giê-su đã dùng hình ảnh trong ba dụ ngôn để trả lời cho những hạch hỏi của họ.
Dụ ngôn con chiên lạc.
Đức cố Hồng Y Fx: Nguyễn văn Thuận
cho rằng Chúa Giê-su không biết làm toán, vì đối với Ngài 99=1, mất một con mà
lại bỏ 99 con để đi tìm một con. Quả là có kinh doanh nhưng lại chấp nhận rủi
ro là quá lớn. Tìm kiếm và vui mừng vác trên vai, mở tiệc ăn mừng, niềm vui tìm
thấy đã làm cho người chăn chiên đầy hoan lạc. Với ông mỗi một con chiên đều rất
quan trọng, đến nỗi phải thao thức đến quên ăn quên ngủ, mà cất công đi tìm. Hình
ảnh của một vị Thiên Chúa đầy lòng quảng đại, và nhân từ biết bao.
Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất.
Cũng thế, người đàn bà cũng vì một đồng
quan, mà phải vất vả, đào bới, lật tung đồ đạc, mồ hôi nhễ nhại để quét dọn, đốt
đèn lên mà tìm cho kỳ được: đồng quan bị đánh mất. Thiên Chúa trong phận con
người đã luôn luôn canh cánh trong lòng mỗi khi có ai đó đang đi lạc, Ngài mong
mỏi và nổ lực kiếm tìm từng con chiên của mình.
Dụ ngôn đứa con hoang đàng hay người
cha nhân hậu.
Như đến một cao trào trong đỉnh điểm
của một bài hòa tấu. Có thể nói dụ ngôn này đã làm sáng lên trái tim nhân hậu của
một Thiên Chúa là Cha, thánh Tông đồ Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình
yêu”(1Ga 4,8). Vâng tình yêu qua hình ảnh một người cha có những đứa con ngỗ
nghịch, hoang đàng, bất trung…Chúng chia gia tài: sức khỏe, trí khôn, tài
nguyên, các quặng mỏ, giàu sang, sung túc, thành đạt và danh vọng, lạc thú…Rồi
chúng trẩy đi phương mà xa hoa, phung phí, bỏ mặc cha già ngày đêm tựa của
ngóng trông. Điều đáng nói ở đây là thái độ bao dung của người Cha. Từ ngày con
ra đi, người Cha không sao ngủ yên được. Những lúc bên trời mưa đổ, ông cảm thấy
lạnh lùng và tái tê với những khi chớp bể mưa nguồn. Không biết con mình giờ ra
sao? Ngày con trở về, có lẽ đó là ngày hạnh phúc nhất đời cha, vì: “Em con đây
đã chết nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”(Lc 15,32).
Ba dụ ngôn khép lại như một hợp âm
tuyệt diệu mà ngân vang đến tận cùng trái đất. Thiên Chúa là Đấng luôn khởi xướng
và chủ động tìm kiếm con người. Ngài không bỏ mặc cho đàn sói hung hãn tấn công
và cướp đi sinh mạng của chiên. Ngài tha thiết và luôn cầu khẩn với Cha, để đàn
chiên ngày càng được chăm sóc và lớn mạnh hơn.
Lm Giacobe Tạ Chúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét