Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014
Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014
Lời Chúa
30/03/2014
Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay Năm A
4 Mùa Chay
Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh
BÀI ĐỌC I: 1 Sm 16, 1b. 6-7. 10-13a
"Đavit được xức dầu làm vua Israel".
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: "Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường. Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua".
Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Eliab và nói: "Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?" Và Chúa phán cùng Samuel: "Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn". Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: "Chúa không chọn ai trong những người này". Samuel nói tiếp: "Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?" Isai đáp: "Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên". Samuel nói với Isai: "Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về". Isai sai người đi tìm đứa con út. Đứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: "Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó". Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
- Đáp.
- Đáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Ep 5, 8-14
"Từ trong cõi chết, ngươi hãy đứng lên và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, dầu có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo, thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng. Bởi thế, thiên hạ nói: "Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết, và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi".
Đó là lời Chúa.
Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".
PHÚC ÂM: Ga 9, 1-41 (bài dài)
"Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian". Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa" (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Đúng hắn!" Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây". Họ hỏi anh: "Làm thế nào mắt anh được sáng?" Anh ta nói: "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy". Họ lại hỏi: "Ngài ở đâu?" Anh thưa: "Tôi không biết".
Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Đó là một tiên tri".
Nhưng người Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: "Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?" Cha mẹ y thưa rằng: "Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy". Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: "Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó".
Lúc ấy người Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi". Anh ta trả lời: "Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy". Họ hỏi anh: "Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?" Anh thưa: "Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?" Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: "Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến". Anh đáp: "Đó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: "Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù". Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: "Thế ra chúng tôi mù cả ư?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói 'Chúng tôi xem thấy', nên tội các ngươi vẫn còn". Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa" (chữ Silôe có nghĩa là được sai)". Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Đúng hắn". Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây".
Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Đó là một Tiên tri". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa
30/03/2014
30/03/14
CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – A
Ga 9,1-41
AI MÙ? AI SÁNG?
“Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn.” (Ga 9,41)
Suy niệm: Những người Pharisêu chỉ “thấy” Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabát, chứ “không chịu thấy”việc Chúa làm cho người mù từ mới sinh là dấu chỉ Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Một cuộc điều tra cặn kẽ về vụ “chữa lành người mù” đã được họ tiến hành. Nhưng rốt cục, khi đối diện với sự thật -là lời chứng của chính đương sự và gia đình- thì họ lại nhắm mắt. Vì họ không muốn thẳng thắn nhìn sự thật. Họ nói mình sáng mắt, nhưng thực ra đã mù trước ánh sáng của Đức Kitô.
Mời Bạn xem mình: Tôi có để một tên ‘Pharisêu’ nào đó len lỏi náu ẩn trong mình không? Nếu có, tôi đã trở nên “mù loà” trước chân lý, trước ánh sáng của Đức Ki-tô vì tôi đã bị che khuất bởi thành kiến, bởi thói vinh vang tự mãn về “thành tích đạo đức” của mình, do đó, tôi khinh miệt những người yếu kém, ghen tị với những người giỏi giang hơn mình…
Chia sẻ: Các hoạt động tông đồ, bác ái trong cộng đoàn của bạn có mắc chứng tự mãn mà bị thoái hoá trở thành bệnh thành tích không?
Sống Lời Chúa: Để đề phòng sự “mù loà” đó, hôm nay bạn tìm ra một ưu điểm, hoặc một việc tốt của người khác, nhất là của một người mà bạn vốn không ưa thích. Và nếu thuận tiện, bạn hãy khen ngợi người ấy về điều tốt đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin, để con ca ngợi Chúa vì những điều tốt đẹp Chúa đã làm cho chúng con. Xin chữa con khỏi bệnh mù loà vì tự mãn để chúng con biết nhận ra điều tốt đẹp Chúa thực hiện nơi anh em con. Amen.
Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014
Lời Chúa
25/03/2014
Thứ Ba Mùa Chay Năm A
Truyền tin
PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
"Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ".
Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa
25/03/2014
25/03/14
THỨ BA TUẦN 3 MC
Lễ Truyền Tin
Lc 1,26-38
ĐƯỢC TRUYỀN TIN ĐỂ TRUYỀN TIN
Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.”(Lc 1,26-27)
Suy niệm: “Tin” mà thiên sứ Gáprien “truyền” cho đức trinh nữ Maria chính là chương trình của Thiên Chúa để cứu độ con người. “Tin” ấy Thiên Chúa “đã nhiều lần nhiều cách” truyền dạy qua các ngôn sứ (x. Dt 1,1) mà giờ đây được hiện thân qua chính Người Con nhập thể trong lòng trinh nữ Maria. Đức Maria đã cộng tác bằng việc đón nhận “tin” này với niềm vâng phục của đức tin (x. GLHTCG, 148). “Được truyền tin” rồi, Mẹ lại tiếp tục “truyền tin” mà Mẹ đã nhận bằng cách ban tặng Đức Giêsu Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta, như Mẹ đã nói: “Người bảo gì, anh em cứ làm theo” (Ga 2,5).
Mời Bạn: Xã hội hôm nay tràn ngập thông tin: tin lành, tin dữ, tin vui không vui, tin thật, tin giả.... Muốn hay không, chúng ta đều “bị” nghe hoặc “được” nghe”. Để khỏi là nạn nhân của sự bùng nổ thông tin ấy, chúng ta phải: - biết sàng lọc thông tin và phân định để nhận ra tin lành đến từ Thiên Chúa; - và trở thành tác nhân truyền tin lành của Ngài đến với tha nhân.
Chia sẻ: Bạn đã dùng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan truyền Tin Mừng cho tha nhân chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn thực hiện sứ mạng “truyền tin” bằng một lời nói hoặc hành động để chuyển thông tin lành của Chúa đến cho tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn nhận ra mình “được truyền tin” để biết sống “truyền tin” như Đức Maria. Amen.
Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014
Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014
GX Gia An - Giới gia Trưởng mừng bổn mạng
Thu, 20/03/2014 - 00:55
Tác giả:
Paul Nguyễn Văn Thanh
Thứ tư , ngày 19 – 03 – 2014 , lúc 4 giờ 45 . Cha Quản xứ , Giacôbê Tạ Chúc , dâng Thánh lễ : Mừng kính THÁNH GIUSE , BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA . Với sự hiệp dâng thánh lễ của cộng đoàn Gx , Thầy, Quý Soeur , cùng trên 195 anh em gia trưởng.
Sáng nay, sau tiếng chuông nhất được vang lên , anh em giới gia trưởng , cùng nhau lần lượt , tập trung về nhà thờ cho kịp giờ kinh nguyện trước thánh lễ . Đúng 4 giờ 30 , anh em trong trật tự xếp hai hàng, rước Cha từ nhà xứ vào gian Cung Thánh , và Cha Quản xứ khai mạc thánh lễ bằng dấu Thánh giá và Cha chúc mừng bổn mạng giới gia trưởng . đặc biệt những anh em đã chọn Thánh Giuse làm Quan thầy . Sau bài đọc Lời Chúa , Cha Quản xứ giảng lễ và những điều huấn đức. Mời gọi anh em gia trưởng , luôn suy niệm và nhìn vào cuộc đời Thánh Giuse , là mẫu gương cho mọi gia đình , là người trưởng gia đình luôn trau dồi đức tính ,sống khiêm nhường , cần mẫn nuôi sống gia đình , bồi dưỡng đức tin cho con cháu , bằng việc như trong thư Mục Vụ Dịp Đầu Năm 2014 : “ PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH” . Của Đức Cha Giuse GMGP- Phan Thiết , đề nghị cụ thể như sau :
THẮP LÊN ÁNH SÁNG BA SỐNG.
- Sống thánh theo khuôn mẫu Thánh Gia Thất “ Chúa Giêsu , Me Maria , và Thánh Giuse”;
- Sống đẹp theo châm ngôn “ Cha mẹ mẫu mực, con cái thảo hiền” bằng nhiều gương sáng;
- Sống liên đới , thăm viếng, giúp đỡ những gia đình đang gặp khó khăn về vật chất và tinh thần.
sáng suốt lắng nghe thánh ý Chúa , trong mọi hoàn cảnh và mọi tình huốn trong gia đình mình .
Thánh lễ bế mạc lúc 6 giờ sau đó anh em gia trưởng cùng nhau liên hoan lúc 11 giờ thật vui vẻ.
Nguyện xin Thiên Chúa , Ban cho mỗi người gia trưởng trong Gx chúng con, biết sống theo gương Thánh Gia Thất , mà sống tốt hơn trong năm Phúc âm hóa gia đình .
Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014
Lời Chúa
19/03/2014
Thứ Tư Mùa Chay Năm A
Thánh Giuse
PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a
"Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền. Đó là lời Chúa.
Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Lc 2, 41-51a
"Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa
19/03/2014
19/03/14
THỨ TƯ TUẦN 2 MC
Th. Giuse, bạn trăm năm Đức Maria
Lc 2,41-51
ĐỨC VÂNG PHỤC CỦA THÁNH CẢ GIUSE
Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa truyền dạy. (Mt 1,24a)
Suy niệm: Thánh Giuse không được các thánh sử cho “phát biểu” một câu nào trong cả bốn Tin Mừng, chỉ thấy Ngài làm theo những gì được truyền: nào là bỏ ý định toan tính trốn; nào là dắt Đức Maria và Hài Nhi Giêsu đi “tị nạn” bên Ai-cập… nhất nhất cái gì cũng làm theo lời chỉ dạy của Thiên Chúa. Sự vâng phục của thánh Giuse không phải là thứ vâng lời tối mặt, mù quáng. Để thực hiện sứ mạng, ngài không được Chúa ban cho sự can thiệp đặc biệt nào ngoài những lời báo tin của thiên thần. Thế nên phải thật khôn ngoan mưu lược, thánh Giuse mới hoàn thành sứ mạng đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài thoát khỏi vòng vây trùng điệp của binh lính Hêrôđê để sang tới Ai Cập. Sự khôn ngoan của thánh Giuse càng thể hiện rõ khi hồi hương từ Ai Cập, ngài đã đưa thánh gia về Nadarét thay vì Bêlem. Thánh Giuse vâng phục thánh ý Chúa cách tuyệt đối, không máy móc mà đầy khôn ngoan và sáng tạo.
Mời Bạn: Thánh Giuse được Thiên Chúa tuyển chọn làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng cũng vẫn phải trải qua những long đong của cuộc sống thường nhật. Ngài không “nói” lời nào nhưng luôn lắng nghe và vâng phục thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn đọc lại câu Phúc Âm trên đây cách chậm rãi và suy niệm về việc vâng phục ý Chúa từ những kinh nghiệm sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy thánh Giuse, Ngài đã lắng nghe và thực hành lời Chúa trong sự khiêm nhường tột bậc. Xin giúp chúng con cũng biết lắng nghe và vâng phục ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. Amen.
19 Tháng Ba
Người Công Chính
"Ông Giuse, bạn bà là kẻ công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo".
Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của vị thánh mà Giáo hội mừng kính hôm nay: Thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
Ðược Tân Ước gọi là "công chính", Thánh Giuse không những là người đã giữ đức công bình và trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha.
Ðược gọi là "công chính", theo ý nghĩa của Kinh Thánh, là được Thiên Chúa công chính hóa, được Thiên Chúa cho tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của Người. Vì thế, người được công chính hóa xứng đáng để Thiên Chúa yêu thương, thương yêu thật sự vì Thiên Chúa không bao giờ đóng kịch, giả vờ như người nào đó đáng được thương yêu nhưng trong thực tế không phải thế.
Trong chiều hướng tư tưởng này, gọi thánh Giuse là kẻ công chính, Kinh Thánh muốn nói là: Ngài được Thiên Chúa công chính hóa và được Thiên Chúa yêu thương vì thật sự Ngài xứng đáng. Lần giở lại những trang Tân Ước có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay những đặc tính làm cho Ngài xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương.
Trước tiên, là đặc tính hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa. Trong trường hợp cuộc đời Thánh Giuse, Tân Ước diễn tả Thiên Thần là người thông báo cho Ngài biết ý Chúa. Vì thế, nghe lời Thiên Thần truyền, Thánh Giuse đã bỏ ý định ly dị Ðức Maria cách kín đáo. Ngược lại, Giuse đã trỗi dậy ngay trong đêm khuya để đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập cũng như đem Con Trẻ và Mẹ Người về nước Israel, đến sinh sống tại thành Nagiaréth và âm thầm nhưng ân cần lấy sức lao động nuôi sống gia đình trải qua những tháng năm dài sau đó.
Tiếp đến Tân Ước nhắc đến Thánh Giuse trong biến cố thất lạc và tìm gặp Ðức Giêsu trong đền thánh. Qua đó chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài hay nói đúng hơn một đặc tính mà các thánh ký viết Phúc Âm chú ý nhấn mạnh nơi Thánh Giuse: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước. Nhưng Thánh Giuse đã hùng hồn nói trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy hiểm, nhưng Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm để thực hiện hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa.
Qua đó, Thánh Giuse xứng đáng là chủ gia đình của Nagiaréth, một gia đình thánh thiện, vì gồm ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn. Và cũng qua đó, Thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu thương.
Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã trao tặng Thánh Giuse cho gia đình Nagiaréth và đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam. Nhờ lời cầu bàu cho Thánh cả Giuse, xin Chúa chúc lành cho những người chồng, cho những người cha, giúp họ can đảm và kiên tâm chu toàn bổn phận trong gia đình. Xin Chúa cũng chúc lành cho mọi gia đình và Giáo Hội Việt Nam, giúp mọi người sống xứng đáng với ơn gọi làm chứng nhân cho tình yêu Chúa.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM A
PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9
"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại". Đó là lời Chúa.
Lẽ Sống
16/03/2014
16 Tháng Ba
Cuộc Săn Thỏ
Ðức hồng Y Carlo Martini, nguyên viện trưởng trường Kinh Thánh tại Roma và hiện là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải về Phúc Âm Thánh Gioan, câu chuyện sau đây:
Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ cuộc sống tu trì... Ðể giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã đưa ra hình ảnh của một đàn chó đi săn thỏ. Một chú chó trong đàn đã bất chợt nhận ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn chó và vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Không mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó bỗng chạy ùa theo. Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kì thực chỉ có một con chó là đã phát hiện ra con thỏ.
Sau một lúc săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì đa số đã không được nhìn thấy con thỏ. Chỉ duy chú chó đầu tiên đã phạt hiện ra con thỏ là tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.
Vị tu sĩ đãđưa ra kết luận như sau: "Ðã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng kỳ thực chỉ có một hoặc hai vị là đã thực sự thấy Chúa và hiểu được họ đang đeo đuổi điều gì. Số khác chạy theo vì đám đông hoặc vì họ nghĩ rằng họ đang làm được một điều tốt. Nhưng kỳ thực họ chưa bao giờ thấy Chúa. Cho nên khi gặp khó khăn thử thách, họ bắt đầu chán nản bỏ cuộc".
Cuộc sống của người Kitô chúng ta có lẽ cũng sẽ ví được với một cuộc săn thỏ... Ở khởi đầu, ai trong chúng ta cũng hăm hở ra đi, ai trong chúng ta cũng đều làm rất nhiều cam kết, nhưng một lúc nào đó, khi không còn thấy gì đến trước mắt nữa, chúng ta bỏ cuộc buông xuôi... Ða số trong chúng ta hành động theo sự thúc đẩy của đám đông mà không cần tìm hiểu lý do của việc làm chúng ta. Người ta lập gia đình mà không hiểu đâu là cam kết của đời sống hôn nhân. Người ta gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ, chúng ta cũng hăng hái tham gia mà không cân nhắc kỹ lưỡng các lý do tại sao chúng ta tham dự. Và biết đâu, người ta đi nhà thờ, chúng ta cũng đi nhà thờ mà không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta đi nhà thờ. Người ta đi xưng tội rước lễ, chúng ta cũng đi xưng tội rước lễ mà có lẽ chưa bao giờ đặt ra câu hỏi nghiêm chỉnh tại sao chúng ta làm như thế... Dĩ nhiên, Ðức Tin của chúng ta cần phải được nâng đỡ từ gia đình, xã hội, bởi người khác. Nhưng chúng ta không thể quên được rằng trước hết Ðức Tin là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa mỗi người và Thiên Chúa, Ðức tin là một cuộc hành trình trong đó mỗi con người phải tự thấy con đường mình đang đi... Chúng ta không thể sống đạo, giữ đạo vì người khác. Người Kitô có một đồng phục chung là Ðức Ái, nhưng cuộc sống của mỗi người không phải vì thế mà được đúc sẵn theo một khuôn mẫu, theo những công thức có sẵn, theo những lôi cuốn của đám đông.
Trong cuộc hành trình Ðức Tin, chúng ta cùng đồng hành với người khác, nhưng mỗi người cần phải thấy rõ địa điểm mình đang đi tới. Có thấy rõ như thế, mỗi khi gặp mệt mỏi, chông gai thử thách, chúng ta mới có thể kiên vững tiếp tục tiến bước.
Trích sách Lẽ Sống
CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – A
Mt 17,1-9
HIẾN MÌNH ĐỂ BIẾN HÌNH
Có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (Mt 17,5)
Suy niệm: Ta được nghe những lời thật “hả dạ” của Chúa Cha nói về người Con Một của Ngài mỗi khi Đức Giêsu có một cử chỉ HIẾN MÌNH cho con người : một lần nơi sông nước Giođan, khi Ngài gánh lấy hết tội lỗi nhân loại đổ vào giòng nước; lần này trên núi cao Tabor khi Ngài khởi đầu hành trình đi về Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn. Hôm nay Chúa Cha hài lòng về cử chỉ hiến mình của Người Con Một ấy, nên cho Ngài được biến hình sáng láng, nghĩa là làm cho vẻ đẹp và sự sáng chói của khuôn mặt Thiên Chúa nơi Ngài được hiển lộ ra.
Mời Bạn: Khuôn mặt của bạn cũng sẽ nên sáng tươi mỗi khi bạn có một nghĩa cử hiến mình cho tha nhân. Trái lại, khuôn mặt đó sẽ biến dạng xấu xí mỗi khi bạn có một cử chỉ ích kỷ hẹp hòi. Xin bạn nhớ rằng lý tưởng đời bạn là phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, người mẫu của bạn. Có được tâm tình như Chúa Giêsu, suy nghĩ như Chúa Giêsu, ứng xử như Chúa Giêsu, bạn sẽ được biến đổi trở nên tốt đẹp giống Ngài.
Chia sẻ: Trong mùa Chay này, cộng đoàn của tôi (gia đình, hội đoàn...) sẽ làm gì để “hiến mình” cho người khác ?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm một việc hiến mình: tiết giảm tiêu xài, phục vụ tha nhân, kiềm chế nóng giận… để được trở nên giống Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa. (Rabbouni)
Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014
Chân dung Satan
Được Thầy mời vào “sa mạc” lần này, tôi được hướng dẫn để nhận dạng và nhận diệnkẻ thù từng gây thương tích cho mình và anh chị em trên chặng đường quá khứ, nhờ đó, có thể tiếp tục cuộc hành trình sống trong Ánh Sáng. Không hề có tham vọng mô tả toàn diện, tôi chỉ mạo muội phác họa vài nét chấm phá về Satan theo cảm nghiệm cá nhân và bằng ngôn ngữ ngày nay; như một chia sẻ đời sống tâm linh, với ước mong được liên đới với mọi người đang nỗ lực đẩy lùi bóng tối.
I. Satan hiện hữu
Nhiều người ngày nay đã phủ nhận sự hiện diện của Satan trong đời sống con người. Họ xếp Satan vào số nhân vật trong các huyền thoại hay chuyện cổ tích. Phần David Bakan, giáo sư Tâm lý đại học Chicago, cho rằng Satan là một hình thức phóng thể của các sức mạnh tâm thần con người được nhân cách hóa[1]. Phải chăng những lập trường phủ nhận sự hiện hữu của Satan tạo cơ may cho bè phái chúng mặc sức tung hoành mà không gặp sức đối kháng? Trái lại, có người đổ mọi tội mình làm lên đầu Satan. Thiết nghĩ, gán mọi trách nhiệm của sự dữ cho Satan như thế thì cũng hơi oan cho hắn. Vì thực ra, mỗi người hoàn toàn có tự do, với khả năng chọn lựa, quyết định và hành động của mình. Do đó, cần “tri kỷ tri bỉ” thì mới mong “bách chiến bách thắng”.
* Sự xuất hiện của Satan như kẻ chiến thắng, được tìm thấy ngay từ cuốn sách thứ nhất của Thánh Kinh Cựu ước. Quan hệ chan hòa giữa con người với Đấng tạo hóa và với nhau trong khung cảnh điạ đàng bắt đầu bị sứt mẻ với sự xuất hiện của Satan, qua biểu tượng con rắn (x.St 3,1-13). Nghe theo khuyến dụ của “con rắn“, con người xa rời Lời Chúa và ra khỏi môi sinh hạnh phúc được Thiên Chúa ban tặng. Ngay từ binh minh của nhân loại, Satan đã muốn chia rẽ con người với Thiên Chúa và do đó, cũng phân rẽ con người với đồng loại.
Tuy nhiên, chiến thắng của “con rắn“ ấy chỉ là tạm bợ, không tồn tại vĩnh viễn. Nơi Khải huyền, tác phẩm được xếp cuối cùng của Thánh Kinh Tân ước, “con rắn xưa“ đã từng chiến thắng trở thành kẻ bại trận và bị trục xuất khỏi vương quốc Thiên Chúa. Vì sao?
Đơn giản là vì “nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó... kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.” (Kh 12,8-10).
* Thông thường, Satan không bao giờ muốn khai lý lịch hay tiết lộ danh tánh của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, chúng ta có thể phác thảo căn cước của Satan như sau:
* Nguyên quán: Thiên đàng
* Tuổi tác: già hơn nguyên tổ loài người nhưng vẫn mãi trẻ trung.
* Điạ chỉ thường trú: hỏa ngục ; tạm trú = nơi tình yêu khiếm diện
* Chủng loại: loài vô hình
* Chuyên nghiệp: Lừa đảo, quyến ru, gieo “cỏ lùng“
Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 15/11/1972, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố một cách khẳng khái rằng: Satan là “kẻ thù số một, tên cám dỗ cự phách. Nhờ Thánh kinh, chúng ta biết được rằng hữu thể tăm tối và gây bối rối này hiện hữu thật sự, và hắn còn đang hoạt động với sự xảo trá phản trắc; đó là kẻ thù bí ẩn gieo rắc lầm lạc và bất hạnh vào lịch sử nhân loại“[2].
II. Chiến thuật của Satan
Tuy không chuyên môn về linh đạo, nhưng thiết tưởng chúng ta có thể ghi nhận từ kinh nghiệm bản thân, một vài đặc tính trong chiến thuật của Satan:
* Đánh vào nhược điểm cũng như yếu điểm và sở thích của mỗi người. Tha hóa hay xoay chiều ý hướng ngay lành của các hành vi. Dùng mọi thủ đoạn để gia tăng trọng lượng “cái tôi“ và hạ giá trị của tha nhân.
* Tấn công tới tấp, ồ ạt để đối phương không kịp trở tay, không đủ thời gian biện phân hoặc củng cố sức mạnh.
* Dẫn dụ thiên hạ vào “mê hồn trận“ hay vào bóng tối để gây hoang mang, do dự, gieo mầm nghi ngờ, hầu dễ dàng lừa đảo. Vì “Đêm đến ai hay cò cánh trắng;Ngày sang mới biết quạ thân đen”
* Cách ly, chia rẽ, phân hóa đối tượng khỏi cộng đoàn hoặc khỏi các nguồn sinh lực tâm linh như Lời Chúa, các Bí tích, cầu nguyện... để tăng cường áp lực phá hoại và dễ khuynh đảo tinh thần.
Phải nhìn nhận rằng Satan rất đa năng nên có thể biến báo, thích nghi và hoạt động dễ dàng trong mọi môi trường thiếu Thần Khí. Xin được mượn vài hình ảnh vốn có trong xã hội để làm sáng tỏ những mưu chước tinh xảo của Satan. Vì khác với các hình thù thường được khai thác nơi màn ảnh qua các loại phim kinh dị, quỷ ám, hoạt hình..v.v...khiến con người khiếp sợ và lẫn tránh, trong thực tế Satan tiếp cận con người dễ dàng hơn với muôn mặt muôn vẻ...thường là hấp dẫn, dễ thương, quyến rũ.
1. Chuyên gia marketing
Satan dễ dàng nắm bắt và biết cách khai thác thị hiếu thấp hèn của con cái Thiên Chúa để làm giàu cho vương quốc tối tăm. Hắn già dặn và lại rất sành tâm lý con người thời đại. Vì thế, Satan khéo léo biến chúng ta thành những khách hàng tiêu thụ nhiều “sản phẩm” của đồng bọn chúng hầu thỏa mãn các nhu cầu giả tạo mà hắn đã khơi dậy trong tâm trí chúng ta.
2. Chuyên viên virus
Hắn không ngừng chế tạo và gieo rắc “virus“ bất hòa, tội lỗi vào mọi hệ thống hoạt động và chương trình hạnh phúc của con người. Và thông thường mọi virus đều mang những cái tên thật kêu và dễ thương. Chương trình antivirus mới ra đời thì hắn lại hạ sinh virus mới. Có những loại “virus” không thể bị hủy diệt được nếu không dám “format“ lại “phần cứng” là chính tâm hồn chúng ta.
3. Kẻ giả danh
Satan mang đủ thứ mặt nạ và hắn có tài biến hóa khôn lường.Khi thì là người chủ khắc nghiệt, lúc có vẻ như đầy tớ trung thành. Khi thì như quân sư khoát lác, lúc lại giả điếc làm ngơ như đứa học trò khù khờ. Hắn có thể diễn xuất rất đạt mọi vai trò có vẻ tốt lành nhằm đưa con người vào “đường tà” một cách êm ái mà không hề cảm thấy áy náy. Hắn thường đội lốt hay nhân danh khiêm nhường, bác ái, bổn phận...để phá hủy dần dần tương giao tình nghiã giữa người với người.
4. Nhà thám hiểm
Hắn lùng sục khắp nơi trên mảnh đất người đời để phát hiện và khai phá triệt để những vùng đất mới và những vùng đất mà con người chúng ta nghĩ là bất khả xâm phạm. Lãnh địa của thánh hiền lẫn bậc tu trì cũng không thể là vùng đất cấm đối với Satan. Hắn có đủ mọi phương tiện hiện đại để quan sát và dư nhân sự để luồn lách vào mọi ngỏ ngách thâm sâu, u uẩn của lòng người, vì hắn là thủ lĩnh của bóng tối.
5. Kẻ hối lộ
Satan luôn biết chúng ta cần gì, muốn gì và thường chiều chuộng, đáp ứng mọi yêu sách ý thức hay vô thức của chúng ta. Satan lại rất khéo đút lót quà cáp mà ai đã lỡ nhận rồi, thì rất khó từ chối những lời đề nghị khiếm nhã nhưng lại đầy hấp dẫn của hắn ta. Hắn cũng thuộc lòng Kinh Thánh và thường khéo vận dụng để ngụy biện hay khiêu khích chúng ta lạm dụng ân sủng và tình yêu của Cha trên trời. Hắn thường làm ra vẻ thuận theo những khát vọng chính đáng, những mục đích tốt đẹp của chúng ta để rồi nhanh chóng gợi ý và cung cấp ngay các phương tiện bất nghiã hầu đẩy đưa chúng ta lệch xa chính lộ.
III. Chiến thắng thuộc về Kitô hữu
Satan là thế đấy ! Hơn nữa, hắn cùng đồng bọn lại rất đoàn kết và phối hợp với nhau thật nhịp nhàng, đồng bộ trong cuộc chiến chống con người nhỏ bé của tôi và anh chị em tôi. Làm sao tôi có thể đương đầu nổi với một đạo quân khổng lồ như thế? Tuy nhiên, cậu bé David đã chiến thắng tên Goliad khổng lồ. Bí quyết nào giúp David chiến thắng? Rồi vua David cũng từng vấp ngã, nhưng ngài đã biết chỗi dậy, sám hối. Động lực nào đã giúp David hoán cải? Thưa chính niềm tin vào Thiên Chúa, sự cậy trông vào lòng thương xót của Người và vào sức mạnh của Lời Chúa. Hôm nay, Lời Thầy cũng đang vang dội trong lòng tôi.
Thầy Giêsu đã không giấu giếm những gian khó và thử thách mà môn đệ phải đối đầu, trái lại, Người tiên báo và củng cố tinh thần môn sinh khi quả quyết chiến thắng thuộc về Người: « Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian » (Ga16,33). Vì ở trong Thầy, người môn đệ luôn được bình an.
Trong thực tế, chính Đức Giêsu từng đương đầu với Satan, đã trải qua các cơn cám dỗ và đã toàn thắng khi luôn dành chỗ nhất cho Thiên Chúa trong ý hướng, chọn lựa cũng như hành động. Người môn đệ không thể không gặp cám dỗ, nhưng ý thức thân phận mỏng dòn của mình, chúng ta vừa đấu tranh chống kẻ “nội thù” vừa kêu cầu sự trợ lực từ Cha: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ !”. Hơn nữa, tin vào lời khẳng định của Chúa Giêsu: « Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế » (Mt 28,20), tôi không sợ hãi mọi thế lực của bóng tối, vì Ánh Sáng ở cùng chúng ta và chúng ta là con cái của Sự Sáng. Kinh nghiệm xác minh rằng ánh sáng đi tới đâu, thì lập tức bóng tối bị đẩy lùi đến đấy. Sự kiện này dẫn chúng ta đến một hệ quả trong đời sống tâm linh: Muốn tiêu diệt bóng tối tội lỗi, chỉ cần tiếp nhận và duy trì Ánh sáng Thần linh trong tâm hồn.
Theo lời đề nghị thực hành của Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta nên thiết kế cho mình bộ trang phục kiểu mẫu của Kitô hữu:
“Hãy đứng vững! Ngang lưng thắt đai sự thật, mình mặc áo giáp công chính; chân mang giày lòng hăng hái rao giảng Tin Mừng bình an; luôn luôn giương lên khiên mộc đức tin, nhờ đó, anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của kẻ dữ. Hãy đội lấy mũ chiến cứu rỗi và gươm Thần Khí, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,14-17).
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)