Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - NĂM A
PHÚC ÂM : Mt 24 , 37 - 44 
" Hãy tỉnh thức để sẵn sàng "
Bài trích Phúc âm theo Thánh Matthêô.
Khi ấy , Chúa Giê su phán cùng các môn-đệ rằng :" Trong thời ông Noe xảy ra thế nào , thì lúc con Người đến cũng như vậy . cũng như trong những ngày trước đại hồng thủy , người ta ăn uống , dựng vợ gả chồng , mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả , thì con Người đến , cũng sẽ xảy ra như vậy . Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng , một người được tiếp nhận , một người bị bỏ rơi . Và có hai người đàn bà đang xay bột , một người được tiếp nhận , còn người kia bị bỏ rơi . Vậy hãy tỉnh thức , vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến . Nhưng các con phải biết điều nầy là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến , hẳn ông ta sẽ canh phòng , không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình . Vậy các con cũng phải sẵn sàng , vì lúc các con không ngờ , con Người sẽ đến ". 
Đó là lời Chúa  

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

CHƯƠNG TRÌNH NGÀY CHẦU LƯỢT
CHÚA NHẬT THỨ II MÙA VỌNG. A (8. 12. 2013)
TẠI GIÁO XỨ GIA AN
U
          Sau Thánh Lễ: NGHI THỨC KHAI MẠC NGÀY CHẦU.
          7 giờ 00 – 7 giờ 30: Thiếu nhi
         7 giờ 30 – 8 giờ 00:  Gia trưởng .
          8 giờ 00 – 8 giờ 30: Giáo họ Emmanuel Triệu + Matthêu Gẫm.
          8 giờ 30 – 9 giờ 00: Giáo họ André Kim Thông.
          9 giờ 00 – 9 giờ 30: Giáo họ Vinh Sơn.
9 giờ 30 – 10 giờ 00:   Hội BMCG
10giờ 00 – 10 giờ 30: Lê-gi-ô.
10 giờ 30 – 11 giờ 00 : GX. Vũ Hòa
11 giờ 00 : PHIÊN CHẦU CHUNG CẢ GIÁO XỨ.
( Lễ Thiếu nhi dời vào ban chiều lúc 16 giờ 30)

           





                                                                                     


Chúa Nhật I Mùa Vọng-Năm A
Phúc Âm: Mc 24, 37-44
"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".
Một ngày sống và làm việc, vất vả, lao nhọc, thời gian như bóng câu qua cửa sổ.  Con người ai cũng muốn mỗi đêm về có được những giây phút thư thái, bình an, chưa nằm đã ngủ. Ngủ để rồi lấy lại sức cho một bình minh của một ngày mới đang đón đợi. Những khi xem những cuốn phim hay, những trận đá bóng hấp dẫn mà phải thức khuya, sẽ thấy mỏi mệt như thế nào, khi vào ngày mới, thân xác và tâm hồn rã rời, còn đâu mà sức sống mới nữa. Chúa Giêsu dùng điệp khúc tới bốn lần của từ “Tỉnh thức”, để dìu đưa mỗi người bước vào Mùa Vọng.

Tỉnh thức là thái độ của người tôi tớ

Người tôi tớ có nhiệm vụ trông coi tài sản, bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho ông chủ, phải nói là 24/24. Bất cứ giờ nào cũng phải sẵn sàng, vì biết đâu, kẻ thù sẽ gieo cỏ lùng vào ruộng lúa đang khi những người canh mê ngủ. Ông chủ sẽ về bất cứ lúc nào. Cho nên, tốt hơn hết, người tôi tớ luôn túc trực sẵn sàng, để đề phòng kẻ trộm và cũng là đợi ông chủ trở về, vì phúc cho những đầy tớ nào mà khi chủ về, vẫn còn tỉnh thức. Nhiệm vụ của người tôi tớ luôn đòi hỏi sự chọn lựa, quyết định số phận của mình. Đây không phải là một đặc quyền đặc lợi, cũng không phải là một sở thích hay một ân thưởng. Trái lại, người tôi tớ phải làm bổn phận của mình một cách, trách nhiệm, ý thức và tự do. Bởi lẻ, nó liên quan đến tính mạng và hạnh phúc của chính mình.  Người tôi tớ nào mà khi chủ về còn thấy tỉnh thức, thì chủ sẽ đặt vào bàn và đi lại hầu hạ chúng, còn người tôi tớ mà khi chủ về đang còn chè chén say sưa, đánh đập các tôi tớ khác, thì sẽ bị chủ trừng phạt. Người tôi tớ cần ý thức về sự tỉnh thức để hoàn thành tôn ý mà chủ đã tin tưởng giao ban. Thiếu ý thức, người tôi tớ sẽ dễ dàng chểnh mảng, lơ là và đi vào thái độ mất cảnh giác, mất tập trung, và không thể nào chủ động được, để đối phó với những tình huống, bất ngờ xảy ra.

Tỉnh thức cũng là thái độ của mỗi người chúng ta

Hằng ngày, nhan nhản những tin tức về những thiên tai, nạn tai xảy ra trên khắp thế giới. Phải chăng mỗi người luôn được mời gọi,  sống tâm tình thức tỉnh. Thức tỉnh để tỉnh táo biện phân, và thi hành Thánh ý của Chúa. Bởi vì, các âm thanh mỗi ngày một đa phức và hỗn loạn, không đề phòng, không khéo con người sẽ sa ngã. Đoạn phúc âm dùng các cụm tính từ chỉ thời gian để diễn tả thái độ hết sức dè chừng của những người tin theo Chúa. Hoặc  là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, bất cứ giờ nào Chúa sẽ đến. Như những Trinh Nữ khôn ngoan, ai nấy sẵn sàng dầu đèn thắp sáng đợi chàng rễ đến. Chúa sẽ đến bất chợt, không hẹn trước, trong khiêm nhường và khó có thể nhận ra, nếu mỗi người không tỉnh thức chờ đợi. Những người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New York ngày 11-9-2001, hay trong tòa nhà 6 tầng các Trung Tâm Thương Mại tại Sàigòn ngày 29-10-2002 không ai ngờ được trước khi vào đó rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy? Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn cả! Thật đúng như thánh Phao-lô nói: «Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao!" thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống» (1Tx 5,3). Tỉnh thức để khỏi bị vây hãm vào bốn bức tường: Danh , lợi, lạc, thú, nó sẽ thiêu huỷ cả xác lẫn hồn con người như những con thiêu thân. Tỉnh thức cũng không có nghĩa là thự động “ Há miệng đợi sung rụng”, mà bắt tay vào hành động, dấn thân quảng đại phục vụ Tin mừng Nước Trời trong từng hoàn cảnh sống, và ơn gọi mỗi người.

Tỉnh thức là lời mời gọi sám hối

Lời mời gọi tỉnh thức, dẫn dắt mỗi người đến với tâm tình hoán cải, đổi mới nhận thức, cách sống đạo sao cho phù hợp với phẩm giá cao quý mà Chúa đã tác thành. Con người dù “ nhân vô thập toàn”, nhưng với ơn Chúa giúp sức và nổ lực của bản thân, có thể nên Thánh trong đời thường. Sám hối để nhận ra những yếu đuối, những bất toàn cá nhân mình và xin tình Chúa bao dung, tha thứ. Trước Giáng sinh năm 1980, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quy tụ hơn 2000 trẻ em của một giáo xứ ở Rôma. Bằng cuộc đối thoại, ngài dạy giáo lý cho các em và hỏi: “Làm thế nào các con sửa soạn mừng lễ Giáng sinh?” “Bằng cầu nguyện” từ phía sau các em la to. “Rất tốt, bằng cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng nói, nhưng cũng phải bằng việc đi xưng tội nữa. Các con phải đi xưng tội để có thể lên rước lễ sau đó nữa. Các con có làm như thế không?” Hàng ngàn trẻ em trả lời trong cùng một tiếng lớn giọng hơn: “Chúng con sẽ làm!” Và Đức Giáo Hoàng nói với các em. “Phải, các con nên đi xưng tội”. Rồi ngài hạ thấp giọng xuống thì thầm, “Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đi xưng tội để đón tiếp Chúa Giêsu Hài đồng một cách xứng đáng.

Từng phút giây, trên khắp hành tinh này, luôn luôn có nhiều linh mục dâng lễ mỗi ngày, giải tội và cử hành các Bí tích, và khắp nơi, các giờ suy tôn Thánh Thể, lần hạt Mân côi, lần chuỗi lòng thương xót, nối nhau tạo thành dòng chảy của ân sủng, và thứ tha. Nếu chúng ta ngủ, thì phía bên kia bán cầu là bình minh của một ngày mới, và điều ngược lại cũng thế. Hãy tỉnh thức, một điệp khúc của lời tình yêu, luôn vút cao để nhắc nhở mọi người, sống đạo tích cực và bày tỏ niềm tin có việc làm, chứ không phải tiêu cực và thụ động trong đời làm con Thiên Chúa. Cha Charles de Foucault đã coi lời sau đây như châm ngôn sống: “Cố sống mỗi ngày, như thể chiều tối nay bạn sẽ chết”.

Lm Giacobê Tạ Chúc




Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT XXXIV TN - NC
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Lc 23, 35 - 43.
" Lạy Ngài , khi nào về nước Ngài , xin nhớ đến tôi "
Bài trích Phúc-âm theo Thánh Luca.
Khi ấy , các thủ-lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng : " Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi , nếu nó thật là đấng Kitô , người Thiên Chúa tuyển chọn  ". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói :" Nếu ông là vua dân Do-Thái , ông hãy tự cứu mình đi ". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp , La-tinh và Do-thái như sau :" Người nầy là vua dân Do-thái ". Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng :" Nếu ông là Đấng Kitô , ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa ". Đối lại , tên kia mắng nó rằng :" Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta , như thế nầy là đích đáng , vì chúng ta chịu xứng đáng với việc chúng ta đã làm , còn ông nầy , ông có làm gì xấu đâu ? ". Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng :" Lạy Ngài , khi nào về nước Ngài , xin nhớ đến tôi ". Chúa Giêsu đáp :" Ta bảo thật ngươi : ngay hôm nay , ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta ".
Đó là lời Chúa .   

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Chua Kito Vua

LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA
Nói đến Vua là nói đến quyền lực, sức mạnh, sự giàu sang phú quý. Nhưng với vị vua Giê-su thì điều hoàn toàn ngược lại. Sức mạnh nơi Ngài là tình yêu, quyền lực của Ngài là sự khiêm hạ, và giàu sang của Ngài là phục vụ. Giáo Hội suy tôn Ngài là Vua vũ trụ, bởi chính Ngài là khởi thủy, và cùng tận.
Vua tình yêu
Thiên Chúa là tình yêu. Định nghĩa của Gioan rất đơn giản nhưng chứa đựng cả một bể khơi nguồn tình yêu. Đức Giê-su đã tế hiến cuộc đời của mình cho tình yêu nhân loại. Ngài là vua của tình yêu. Vương quốc của Ngài không xây dựng trên bạo lực, bạo quyền, mà được xây dựng trên tình yêu thương. Khí giới Ngài dùng là đỉnh cao Thập Giá. Phía trên đầu Ngài là tấm bảng được ghi: “ Đây là vua người Do Thái”(Lc 23,38).
Vua khiêm hạ
Thông thường các vị vua chúa trần gian hay kiêu căng, ác độc. Hê-rô-đê bạo chúa đã gây biết bao tội ác và đưa đến cái chết cho Gioan Tẩy Giả. Tần Thủy Hoàng với Vạn lý trường thành đã nhuộm đỏ máu xương của biết bao người. Kiêu ngạo và độc ác đã gây nên biết bao là oan khiên. Còn Đức Giê-su, vị vua không biên cương lãnh thổ, không triều đình không quân lính. Vị vua cỡi trên lưng lừa trong ngày vào thành Giê-ru-sa-lem để hoàn tất cuộc đời mình, với cái chết cô đơn trên Thập Giá, giữa những người gian phi.
Vua phục vụ
Ngài đến trần gian là để hầu hạ và phục vụ con người. Bao năm rao giảng Tin mừng, Đức Giê-su đã tận tụy phục vụ một cách nhưng không cho con người. Ngài rong ruổi khắp nơi, để tìm kiếm và cứu chữa con người. Những người đau ốm, những kẻ bị quỷ ám, những người đơn côi, những kẻ tội lội đều được Ngài tận tình chăm sóc cả hồn lẫn xác. Cử chỉ phục vụ của Ngài được thể hiện cô đọng lại trong đêm bị trao nộp. Ngài đã cúi xuống và rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ của một người tôi tớ phục vụ cho các ông chủ của mình. Ta đến không phải để   phục vụ mà là phục vụ muôn người: “ Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng mình là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, thì hãy nên như người phục vụ” (Lc 22, 25-26).
Lạy Đức Vua Giê-su, xin cho chúng con là những kẻ tôi tá Ngài biết sống yêu thương, khiêm nhường và phục vụ anh chị em mình. Xin cho chúng con chỉ biết phụng sự, và tôn thờ một mình Ngài là Vua của chúng con. Amen.

Lm Giacobe Tạ Chúc

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
117 vị Thánh Tử Đạo và chân phước An-rê Phú Yên, cùng với hơn 130 ngàn các Ki-tô hữu khác đã lấy mạng sống mình để làm chứng cho đức tin. Con số không phải là trọng điểm mà chính tình yêu đối với Đức Giê-su, đã khơi nguồn và là nền tảng cho cái chết trung kiên và can trường của các Ngài. Mừng kính ngày lễ của các bậc tiền bối, là dịp để con cháu nhớ ơn và tự hào về những tấm gương cao cả mà các Ngài đã để lại cho hậu thế. Như lời Đức Giê-su đã tiên báo: “ Nếu thế gian ghét các con thì phải biết rằng họ đã ghét Thầy trước”(Ga 15,18).
Tử đạo theo nguyên nghĩa là: làm chứng cho Đức Ki-tô. Martus, Martyr có nghĩa  người chứng, người làm chứng.  Các Thánh làm chứng về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Sống giữa một xã hội và môi trường của mình, các chứng nhân của niềm tin vào Danh Giê-su đã hoàn thiện đời mình bằng con đường Thập Giá của Đức Giê-su. Các Ngài đã tô thắm cuộc đời mình bằng niềm tin, tình yêu và lòng chung thủy sắt son với Đấng mà các Ngài tôn thờ. Trong một bối cảnh hết sức đa phức của xã hội trong những thế kỷ 16,17, 18, 19 và 20. Dưới các triều đại của các Vua chúa, sự bách hại tàn khốc và đẫm màu hòa trong nước mắt cuộn cuộn chảy. Các anh hùng Tử đạo không hề nao núng trước những cuộc truy lùng, tàn sát với những hình phạt ghê rợn của các bạo chúa thời bấy giờ. Chúng ta hãy xem một số hình phạt man rợ và bất công đó :
- Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng. Cách chết này có một vị.
          - Lăng trì : chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.
          - Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.
          - Xử trảm : bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.
- Xử giảo : bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.
- Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết  gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.(Lm  Giuse Đinh Lập Diễm).
Mặc dù bi ai là thế, nhưng các Ngài vẫn không sờn lòng và nản chí. Trái lại, trong những cơn cùng cực và có vẻ tối tăm, các Ngài đã làm rạng rỡ cho trang sử của Giáo hội và như lời của một sử gia: “ Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu” (Tertullianô).
Cuộc làm chứng cho Chúa Giê-su và Tin mừng mà Ngài, đã rao giảng vẫn luôn là lời mời gọi mang tính thời sự cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống ngày hôm nay. Máu vẫn đổ, nước mắt vẫn tuôn rơi khi xoáy trong dòng đời nghiệt ngã, trước những cạm bẫy của cuộc sống tục hóa, hưởng thụ và đánh mất niềm tin, niềm cảm thức tôn giáo, đức tin đang bị lung lay và xói mòn trước những thay đổi của xã hội. Người Ki-tô hữu theo nguyên ngữ tử đạo là tiếp tục thực thi lời dạy của Chúa Giê-su,  mang yêu thương và bình an của Chúa đến với mọi người trong cuộc sống hằng ngày.
Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt luôn là chân lý mà các Thánh Tử đạo đã trải nghiệm bằng cả cuộc sống, mạng sống mình, vì ai yêu sự sống mình thì sẽ mất còn ai đành mất mạng sống mình thì sẽ được.
Lm Giacobe Tạ Chúc




Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013


GX Gia An - Bế mạc năm Đức Tin

Tác giả: 
Paul Nguyễn Văn Thanh

Thứ tư ngày 6 – 11 – 2013, lúc : 18 giờ 45 phút . Cha Quản xứ Gia cô bê Tạ Chúc , dâng Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin. Tại nhà thờ Giáo xứ Gia an, với sự hiệp thông của Thầy giúp xứ , Quý Soeur, HĐMV , các Ban nghành đoàn thể , và bà con giáo dân trong Gx.

Sau bài đọc Lời Chúa , Cha Quãn xứ giảng Lễ với cộng đoàn Gx . Qua một năm Giáo hội mở ra “ NĂM ĐỨC TIN ” . Để rồi mỗi người Kitô hữu trong Gx Gia an , sống trong ơn gọi làm con cái của Chúa , biết sống đời sống thánh hóa , toàn diện và toàn thiện hơn , vững mạnh hơn . Để “ RÀ SOÁT ĐỨC TIN ”. Ngày khai mạc năm Đức Tin , Cha Giacôbê mời gọi mỗi người , mỗi gia đình , và nhìn lại Đức tin trong toàn Gx , mà xin Thiên Chúa nâng đỡ Đức Tin còn non yếu của chúng con . Rồi Cha Quản xứ luôn quan tâm và định hướng “ ĐÀO SÂU ĐỨC TIN ”. Cha luôn củng cố và bồi dưỡng cho các anh chị em giáo lý viên , qua những khóa bồi dưỡng giáo lý viên , ở những buổi thường huấn tại cấp , Giáo hạt và Giáo phận tổ chức . Đặc biệt Cha quan tâm nhiều đến giới trẻ các em , từ lớp giáo lý khai tâm cho đến lớp sống đạo , và lớp hôn nhân , và giờ đầu Thánh lễ Chúa nhật toàn thể giáo dân được học , hỏi thưa giáo lý của năm Đức Tin . Để “ LÀM CHỨNG ĐỨC TIN ”. Khi có Đức Tin vững mạnh , có chung một cha trên Trời , rồi mỗi người kitô hữu biết sống và làm chứng nhân cho Đức Tin , ở mọi lúc , mọi nơi , trong cuộc sống , ngay giữa trần gian nầy .

Trong bài giảng lễ Cha cũng mời gọi mỗi người giáo dân Năm Đức Tin không khép lại đấy , mà cánh cửa Đức Tin phải được làm mới hơn , mở ra rộng hơn và mãi mãi , không tận cùng, cũng không có thời gian chấm hết. Thánh lễ được bế khép lại lúc : 19 giờ 25 phút . Bà con giáo dân ra đi trong bình an của Chúa.

Nguyện xin thiên Chúa , luôn nâng đỡ Đức Tin còn non yếu của chúng con , xin thương ban cho mỗi người trong Giáo xứ chúng con , biết sống phúc âm hóa gia đình trong năm kế tiếp.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

suy niem

TIN SỰ SỐNG LẠI (Lc 20,27-38)
Mỗi một tôn giáo đều có những quan niệm về cuộc sống sau khi chết. Vì suy cho cùng, nếu lý giải chết là hết xem ra không ổn chút nào. Con người “linh ư vạn vật”, “ thác là thể phách hồn còn tinh anh”. Phật Gíao có Niết bàn, Hồi Giáo có miền thiên đàng cực lạc. Ki-tô Giáo đó là cuộc sống hạnh phúc trong Nước Trời. Dưới rất nhiều nhãn quan, người ta không thể chối bỏ một cuộc sống sau khi đã chết. Nếu vậy ý nghĩa của đời người thật phi lý, thật buồn nôn, như nhận định của triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre.
Những người Sa-đốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Theo quan niệm của ông Pla-ton thì thân xác con người là ngục tù giam hãm linh hồn. Con người từ thượng giới đã bị vong thân, nên giải thoát là ra khọi ngục tù thân xác. Vì vậy, khi nghe Đức Giê-su nói về sự sống lại thì họ không thể chấp nhận. Đã mong cứu cánh đời mình là ra khỏi nó để bay vào thế giới ý tưởng, hay là thượng giới. Thật không thể hiểu nổi khi phải sống lại trong thân xác, mà trường phái Pla-ton rất xem thường. Để biện hộ cho lập trường của mình, những người Sa-đốc bèn đưa ra một câu chuyện phù hợp với luật Mô-sê dạy, nhưng rất khó xảy ra không đời sống thường ngày, nếu không dám nói là nó không có thật. Một phụ nữ kết hôn trong một gia đình với bảy anh em trai. Vì theo luật, khi người anh chết đi mà người vợ chưa có con, thì buộc người em kế tiếp sẽ cưới chị dâu đó làm vợ mình. Bảy anh em cùng chung một số phận, đều là chồng của người vợ này và hết thảy đều chết. Vấn nạn trở nên vô cùng éo le, khi vào ngày sống lại, làm sao để giải quyết các trường hợp này. Đức Giê-su chẳng đưa ra một phán quyết hay lời giải thích nào. Ngài chỉ khẳng định: “ Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau, và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 34-35). Như vậy, Đức Giê-su qua lời giải đáp đã bật mí cho con người biết sự khác nhau giữa đời này và đời sau. Vì Thiên Chúa là Chúa của những kẻ sống, chứ đâu phải của những người đã chết.
Trong những tuần gần hết năm phụng vụ, các bài đọc lời Chúa như được trưng bày qua lăng kính cánh chung. Cuộc sống sau này và số phận mỗi người, sẽ được định đoạt tùy theo những việc mình làm. Thiện ác sẽ được giải quyết một cách dứt khoát. Và Thiên Chúa của tổ phụ Aqp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ac, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Ngài cũng chính là Chúa của mọi con người trên khắp cõi trần gian. Nguyện xin Ngài đưa dẫn tất cả anh chị em vào cõi sống, phúc vinh muôn đời. Amen.

Lm Giacobe Tạ Chúc
HÌNH ẢNH : GIÁO HỌ VINH SƠN 
KHAI MẠC ĐỌC KINH LIÊN GIA . THÁNG 11 - ( Tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời )





Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

VIẾNG NGHĨA TRANG LINH MỤC
Hằng năm, tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn. Tại nghĩa trang linh mục, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đã chủ sự thánh lễ cầu cho các linh mục trong Giáo phận đã qua đời.
Tôi đến sớm hơn nữa giờ, và tản bộ ra nghĩa trang, theo con đường rất đẹp của Giáo xứ Vinh an. Nhìn những hàng cây bạch đàn đứng im lìm giữa những nấm mộ xinh xắn, bé nhỏ nằm kề nhau. Tôi rảo qua một lượt và chậm rãi đọc từng tên một. Mỗi cái tên, mỗi cuộc đời người Mục tử như hiện ra đó đây, rất gần như buổi sớm bình minh vừa thức dậy. Ký ức nhạt nhòa theo năm tháng, thời gian như một mệnh đề vô nghĩa: có có không không. Có những vị tôi đã gặp, đã sống và đã có lần được may mắn cộng tác trong những dịp thực tập mục vụ ở các xứ đạo. Nhưng cũng có những vị chưa từng gặp gỡ bao giờ. Chỉ biết qua từng cái tên hay nghe đâu đó qua những lớp cha anh đi trước kể lại. Nhưng cho dù thế nào, thì cũng không khỏi ngậm ngùi nhớ thương đến những anh em Tông đồ, mà đã một thời phục vụ trên mảnh đất thân yêu của Giáo phận nhà.
Trông người mà nghĩ đến ta, sống và chết nghĩa từ rất đơn gỉan trong cõi đời. Nhưng nó chứa đựng cả một triết lý rất phong phú. Không ai phủ nhận sự chết và cũng chẳng mấy ai không muốn được sinh ra, có mặt trên cõi đời này. Dù nó vô thường và ẩn  chứa cả một bể khổ. Sống chết như hai anh em sinh đôi, hai cá thể mà không thể tách biệt nhau được. Có sinh, ắt có tử chí lý vô cùng. Người xưa thường nói: “ Rắn già, rắn lột da, ta già ta tột vô xăng (quan tài)”, thật thấm thía biết bao. Con người dù uyên bác, học rộng hiểu sâu, hay là những người nông dân chất phác, quê mùa. Sống mỗi người mỗi hoàn cảnh, địa vị, giàu nghèo hay sang hèn. Nhưng khi chết đi, đều giống nhau, nằm yên trong mộ, nằm kề bên nhau. Không tranh chấp, chẳng lợi danh, cũng không tranh giành quyền lợi hay địa vị như lúc còn sống. Lúc sinh thời, các Ngài đã vắt cạn kiệt sức lực của mình để phục vụ đoàn chiên mà Chúa giao phó. Lúc chết rồi mấy ai nhớ tới các Ngài. Có chăng là những lúc lỡ bước qua đường, đến thắp vội vàng nén hương lòng dâng trao. Cám ơn Giáo hội khi dành riêng tháng 11, để cầu ngyện cho các tín hữu đã ra đi. Nhờ đó mà trên các ngôi mộ của các Ngài. Khói hương trầm quyện trong hương hoa tỏa lan lên trước tòa Thiên Chúa.
Tôi thầm mong Thiên Chúa, trên đỉnh cao của lòng xót thương đoái đến những người con đặc biệt của Ngài. Vì dẫu bất toàn và tội lỗi, các Ngài đã đáp lời mời gọi của Thiên Chúa mà đi theo làm Tông đồ của Đức Giê-su. Nắng đã lên cao, một thoáng của làn gió nhẹ cũng bay vào. Đâu đây xôn xao trong tận đáy lòng lời kinh cầu da diết: “ Lạy Chúa xin cho các linh hồn anh em linh mục được nghỉ yên muôn đời”.

Lm Giacobe Tạ Chúc 

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

GIÁO HỌ MÁTTHÊU GẪM KHAI MẠC ĐỌC KINH LIÊN GIA THÁNG 11 ( Tháng cầu cho các Tín hữu đã qua đời )
vào lúc 19 giờ 30 ngày 04 - 11 - 2013 . Cha quản xứ và HĐMV, Quý Thầy, Soeur cùng một số bà con giáo dân trong giáo xứ Gia an , khai mạc đọc kinh Liên gia cho tháng 11 , tháng cầu cho các đẳng linh hồn , được khai mạc tại nhà anh Mạc Lan thuộc Giáo họ Mátthêu gẫm. Do Ban thường vụ Giáo họ chủ sự giờ kinh thật sốt sắng và trang nghiêm . Giờ kinh được bế mạc lúc 20 giờ cùng ngày.





Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013